Ảnh: WhyChristmas
Một cây thông xanh tốt được trang trí bằng những vật nhỏ xinh dễ thương, quả châu lấp lánh và ánh đèn nhấp nháy là hình ảnh quen thuộc nhất khi nói đến Giáng sinh.
Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi truyền thống này bắt đầu từ đâu và tại sao lại là cây thông mà không phải cây nào khác?
Từ mong muốn sinh trưởng trong mùa đông
Ngay từ cách đây hàng nghìn năm, con người đã chọn cây xanh và hoa trái để chào mừng các lễ hội mùa đông.
Nhiều ghi chép lịch sử cho thấy những người thuộc giáo Pagan ở châu Âu sử dụng nhánh cây xanh tươi để trang trí ngôi nhà, khiến tinh thần vui vẻ trong suốt mùa đông.
Người La Mã cổ đại thì sử dụng cây thường xanh để trang trí đền thờ trong lễ hội Saturnalia.
Người Ai Cập cổ đại dùng cây cọ xanh như là một phần của nghi lễ thờ phụng thần Ra.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, việc sử dụng cây thường xanh trong nhà thể hiện sự sinh trưởng, sức sống trong bóng tối của mùa đông.
Lý do vì vào mùa đông băng tuyết, khí hậu lạnh giá khiến đa phần thực vật rụng lá, chậm phát triển.
Cây thường xanh là loại cây có lá xanh quanh năm hoặc lá có thể tồn trại trên thân chính ít nhất trong 12 tháng nên được chọn dùng.
Người ta cũng thường dùng hoa huệ và dây nho, vì đây là hai trong số ít loài thực vật sinh trưởng tốt và cho hoa vào mùa đông.
Một bức vẽ từ thế kỷ 19 về cảnh cha và con trai vào rừng chặt cây thông mang về nhà dịp Giáng sinh. Ảnh: Wikimedia Commons
Không ai trả lời được chính xác cây thông được đưa vào trong nhà trong dịp lễ Noel từ khi nào.
Ở mỗi quốc gia lại có một giai thoại riêng về phong tục này. Nhưng tất cả các câu chuyện đều có một điểm chung, đó là cây thông có lá xanh tươi trong mùa đông biểu hiện cho sức sống mãnh liệt, làm tinh thần con người phấn chấn hơn.
Theo một bài đăng trên Abc News, những cây thông Giáng sinh được trang trí hiện đại xuất hiện đầu tiên ở Tây Đức vào thế kỷ 16, khi các gia đình thuộc Kitô giáo đem cây cối vào nhà của họ và trang trí bằng bánh quy, hạt, táo đỏ, nến.
Phong tục này dần trở nên phổ biến trong tầng lớp quý tộc và lan rộng ra các hoàng gia trên khắp châu Âu vào đầu thế kỷ 19.
Khi người Đức di cư đến các vùng khác trên thế giới, truyền thống này theo đó cũng được nhiều nơi biết đến.
Đây chính là bức vẽ đầu tiên về một cây thông Noel trang trí được truyền bá rộng rãi. Ảnh: WhyChristmas
Tại Anh, phong tục này được phổ biến rộng rãi nhờ công của Nữ hoàng Victoria và Hoàng tử Albert trong thập niên 1840 và 1850.
Nữ hoàng Victoria có mẹ là người gốc Đức - công nương Victoria của xứ Saxe-Coburg-Saalfeld - nên ngay khi bà lớn lên đã luôn có sự hiện diện của một cây thông trang trí đẹp mắt vào mỗi mùa Giáng sinh.
Nhưng ý tưởng trang trí toàn bộ cây sẽ không phổ biến ở Anh nếu như tờ Illustrated London News không xuất bản bức vẽ về cảnh gia đình hoàng gia đứng xung quanh cây thông Giáng sinh tại lâu đài Windsor vào năm 1848.
Từ sự ảnh hưởng của gia đình Hoàng gia, chẳng bao lâu sau đó người dân khắp nước Anh đều học theo cách trang trí cây thông Noel bằng nến, bánh kẹo, đồ ngọt.
Một bức vẽ tương tự cũng xuất hiện ở Mỹ sau đó 2 năm, nhưng Hoàng tử Albert đã được chỉnh sửa thêm ria mép để "trông giống người Mỹ" hơn.
Cây thông Noel ngày nay
Ngày nay, trang trí cây thông Noel trở thành một phong tục không thể thiếu trong dịp Giáng sinh.
Sự phát triển cả về kinh tế lẫn thẩm mĩ cũng đưa đến việc ngày càng xuất hiện các cây thông Noel nhiều hình dáng, kích cỡ, chất liệu khác nhau.
Cây thông Noel ở quảng trường Vendome (Pháp). Ảnh: Parisinfo
Truyền thống trang trí cây thông cũng được hàng triệu người trên toàn thế giới có tín ngưỡng và văn hóa khác nhau cùng đón nhận.
Nơi có điều kiện dùng cây thông thật, nơi không có thông sẽ dùng cây giả.
Mặc dù cây thông Noel vẫn là một biểu tượng của Kitô giáo, nhưng với rất nhiều người dân trên thế giới khác thì đây là một phần của lễ hội tháng 12.
Và vào dịp này, bạn có thể dễ dàng nhìn thấy cây thông Noel lấp lánh rực rỡ trong ngôi nhà, cửa hàng, quán cà phê, bệnh viện, trường học ở mọi quốc gia trên thế giới.
Cây thông ở trung tâm Kiev, Ukraine ngày 20-12-2017 - Ảnh: Reuters
Cây thông làm bằng... chuối ở Beirut, Lebanon - Ảnh: Reuters
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận