TTCT - Việc Nhật tự trói tay suốt 67 năm qua đã khiến nước này bị uy hiếp. Thế hệ lãnh đạo hiện nay muốn cởi trói. Thế nhưng không dễ thuyết phục dư luận Nhật bằng dư luận quốc tế về việc thay đổi chức trách phòng vệ của nước Nhật. Có đến 55,4% ý kiến người dân Nhật phản đối việc chính quyền ông Abe dấn vào điều gọi là phòng vệ tập thể, như cuộc tuần hành với những khẩu hiệu phản đối tại Tokyo ngày 1-7 - Ảnh: Reuters Thật vậy, hôm thứ hai 30-6, tức một ngày trước khi Quốc hội Nhật bỏ phiếu thông qua bản dự thảo sửa đổi hiến pháp nhằm cho phép Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida đã nhận được sự ủng hộ của người đồng cấp Campuchia Hor Nam Hong đối với kế hoạch trao cho lực lượng phòng vệ nước này vai trò lớn hơn trong việc góp phần duy trì hòa bình và sự ổn định trong cộng đồng quốc tế. “Vai trò lớn hơn” mà đại diện Chính phủ Campuchia hoan nghênh đó cũng đã được đại diện Chính phủ Úc cổ vũ trong cuộc gặp 2+2 giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Úc và Nhật hôm 11-6. “Nhật Bản nên đóng một vai trò lớn hơn trong việc giải quyết các cuộc xung đột trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương... Nhật Bản có quyền phòng vệ tập thể. Chúng tôi hoan nghênh...” - Ngoại trưởng Úc Julie Bishop loan báo. Nội tình vẫn chưa thông "Hiến chương Liên Hiệp Quốc không cấm cản việc một quốc gia khi bị tấn công tự vệ bằng sức lực của mình hay nhờ cậy đến nước khác, mà gọi “văn chương” là liên minh với nước khác chừng nào Liên Hiệp Quốc vẫn chưa làm gì được để ngăn chặn xung đột" Trong khi đó tại Tokyo, chiều chủ nhật 29-6, một người đàn ông trạc 60 tuổi đã tự thiêu để phản đối chủ trương thay đổi quốc phòng của Thủ tướng Shinzo Abe. Đây là một trong những biểu thị quyết liệt nhất của dư luận mà theo thăm dò ý kiến mới nhất của Kyodo News, hiện có 55,4% ý kiến phản đối việc Nhật dấn vào điều gọi là phòng vệ tập thể. Tờ Japan Times 29-6 nhận xét “nhiều người dân dường như vẫn còn chưa được thuyết phục bởi những động thái của chính quyền Abe”. Tại sao hơn phân nửa dư luận Nhật phản đối? Một nhà ngoại giao Nhật trả lời rằng dân số Nhật hiện đông người cao tuổi đang còn ấn tượng nhiều vì những hậu quả của Thế chiến thứ hai. Dường như dư luận chỉ nghe loan tin về quyền phòng vệ tập thể, song lại không hiểu hết nội dung. Đây thật ra chẳng hề là một quyền gì dành riêng cho nước Nhật như vẫn thường nghe giải thích là từ nay lực lượng phòng vệ Nhật sẽ có thể hỗ trợ quân lực Mỹ, tỉ như trong trường hợp khẩn cấp khi tàu hải quân Mỹ bị tấn công; nghe qua dễ thắc mắc: “Sao lại phải giải vây cho Mỹ để ăn đạn à?”. Thật ra, đây chính là một quyền phổ quát của mọi quốc gia được tuyên cáo trong điều 51, chương VII của Hiến chương Liên Hiệp Quốc về “Hành động trong trường hợp hòa bình bị đe dọa, bị phá hoại hoặc có hành vi xâm lược”. Nội dung của điều 51 như sau: “Không có một điều khoản nào trong Hiến chương này làm tổn hại đến quyền tự vệ cá nhân hay tập thể chính đáng trong trường hợp thành viên Liên Hiệp Quốc bị tấn công vũ trang cho đến khi Hội đồng Bảo an chưa áp dụng được những biện pháp cần thiết để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế....”. Nói cách khác, Hiến chương Liên Hiệp Quốc không cấm cản việc một quốc gia khi bị tấn công tự vệ bằng sức lực của mình hay nhờ cậy đến nước khác, mà gọi “văn chương” là liên minh với nước khác chừng nào Liên Hiệp Quốc vẫn chưa làm gì được để ngăn chặn xung đột. Cho đến nay, Nhật Bản bị trói tay bởi điều 9 Hiến pháp Nhật, không nhúc nhích gì được về mặt quốc phòng, thậm chí phải dựa vào cái ô bảo vệ của Mỹ, để rồi nay không ngớt bị đe dọa bởi các hàng xóm. Đây là một minh chứng cho những tai hại của sự tự phủ nhận quyền tự vệ và phòng vệ tập thể mà Hiến chương Liên Hiệp Quốc đã thừa nhận. “Phủ nhận chiến tranh" Đó là tiêu đề của chương 2 Hiến pháp Nhật vốn chỉ vỏn vẹn điều duy nhất là điều 9 như sau: “Mong muốn một nền hòa bình dựa trên công lý và trật tự, dân tộc Nhật Bản phản đối chiến tranh cũng như sự đe dọa hay áp dụng sức mạnh để giải quyết những tranh chấp quốc tế vì chiến tranh không phải là quyền tối thượng của quốc gia. Để đạt được những mục tiêu đó, Nhật Bản không thành lập các lực lượng lục quân, hải quân, không quân hay các tiềm năng quân sự khác. Quyền tham chiến không được công nhận”. Chỉ một điều 9 đó cũng đủ để trói chặt tay Nhật mặc cho các nước khác tha hồ đe dọa, khiêu khích, o ép... do đã biết chắc rằng Nhật bất quá cũng chỉ thủ thế chừng đó thôi. Việc Bình Nhưỡng với chỉ chừng đó binh lực và sức lực kinh tế nay dọa thử hạt nhân, mai bắn tên lửa qua đầu như trong mấy ngày qua, ngay trước khi Bình Nhưỡng và Tokyo nhóm họp trở lại hôm 1-7 về số phận các công dân Nhật hiện “mất tích” ở Triều Tiên từ thập niên 1970 và 1980. Nhật còn hào phóng hứa hẹn một số chương trình hỗ trợ kinh tế và viện trợ nhân đạo cho CHDCND Triều Tiên. Phản ứng duy nhất từ phía Nhật là phản đối của chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga! Phản ứng muôn thuở chỉ bằng lời nói đó của Nhật, Bình Nhưỡng đã thuộc lòng, cũng như đã thuộc lòng điều 9 Hiến pháp Nhật. Tiếp nối Bình Nhưỡng, cuối tháng 11 năm ngoái Bắc Kinh đã vạch ra một vùng nhận dạng phòng không nhằm hậu thuẫn cho những khiêu khích ở khu vực đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư và nhận là của mình. Né tránh xung đột Suốt 67 năm tự trói tay như thế đã quá đủ để cho mọi thế lực nắm thóp được Nhật: Nhật sẽ lại né tránh hoặc chiều ý bằng mọi cách - như việc Nhật tuyên bố vẫn sẽ họp với CHDCND Triều Tiên bất chấp vụ bắn tên lửa cũng có thể được xem là chiều đối phương. Đây là hai điều tối kỵ trong giải quyết xung đột, căn cứ theo lý thuyết “Năm hình thái giải quyết xung đột” của các giáo sư Ralph H. Kilmann và Kenneth W. Thomas từ 40 năm qua. Hai giáo sư này đã tính toán ra rằng thường thì trong các cuộc xung đột, các bên có thể chọn trong năm kế sách sau: 1/Chiều đối phương (accommodating), kể cả chấp nhận thua thiệt, nhằm bảo toàn các mối quan hệ tương lai với bên kia; 2/Né tránh (avoiding), đợi cho xung đột tự “xẹp”. Tuy nhiên, sự “xẹp đi” đó không hề lâu dài; 3/ Cộng tác (collaborating): hai bên cùng ngồi lại với nhau để tìm xem có thể làm gì khác hơn không cho bên kia (còn gọi là win-win solution). Vấn đề là phải tốn rất nhiều thời gian và lắng nghe nhau để có thể đồng thuận và làm sao tin được nhau; 4/ Ăn thua đủ (competing): dứt khoát đạt mục tiêu của mình, càng tốc độ, càng dứt khoát, càng chắc thắng; 5/ Thỏa hiệp (compromising): cả hai bên phải nhượng bộ nhau, bớt áp đặt, tăng hợp tác, chịu thiệt thòi như nhau (còn gọi là lose-lose solution). Đây là một lối thoát dễ dàng nhanh chóng, song thường chỉ là một giải pháp tạm thời. Từ năm hình thái giải quyết xung đột đó, có thể thấy Trung Quốc hay CHDCND Triều Tiên đang ép Nhật bằng tính toán sau: hãy sử dụng chiêu “ăn thua đủ”, dứt khoát đạt mục tiêu cho bằng được khi biết rõ đối phương cứ “chiều”, chấp nhận thua thiệt nhằm bảo toàn các mối quan hệ tương lai với bên kia và/hoặc né tránh, không khẳng định quyền lợi của mình, đợi cho vấn đề tự “xẹp” đi. Tự vệ và cùng người khác phòng vệ là một quyền được Liên Hiệp Quốc tuyên cáo và cũng là một trách nhiệm tối thượng của mọi chính phủ. Nay là lúc lớp chính trị gia cùng trào với Thủ tướng Abe muốn cởi trói đất nước mình, không chịu làm bao cát cho thiên hạ thoải mái đấm nữa, nhất là khi thực lực bỏ xa thiên hạ. Tỉ như Úc đang quan tâm đến các tàu ngầm “tàng hình” của Nhật, tàu ngầm phòng thủ chứ không phải tàu ngầm tấn công. Tags: Nhật Bản
Bầu cử Mỹ: Cử tri Mỹ bắt đầu đến phòng phiếu DUY LINH 05/11/2024 Chiều tối nay 5-11 (giờ Việt Nam), những điểm bỏ phiếu đầu tiên tại các bang miền đông Mỹ bắt đầu mở cửa. Đây sẽ là thời khắc cử tri đưa ra quyết định cuối cùng cho sự kiện 4 năm một lần.
Quốc lộ 51 bỗng nhiên 'vô chủ': Đề nghị Bộ Tài chính xác lập quyền sở hữu toàn dân ĐỨC PHÚ 05/11/2024 Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Tài chính sớm xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với dự án BOT quốc lộ 51.
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.
Cứu học sinh đang chới với giữa nước lũ, người đàn ông bị lũ cuốn mất tích QUỐC NAM 05/11/2024 Người đàn ông tại Quảng Bình bị lũ cuốn mất tích khi lao xuống nước lũ cứu một học sinh đang chới với.