Theo Bộ Y tế, bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh. Bộ này nhận định trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.
Cúm A/H5N1 có độc lực cao
Theo bác sĩ Lê Văn Thiệu - khoa nhiễm khuẩn tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, vi rút gây H5N1 là một chủng cúm A có độc lực cao, có đến 50% người mắc diễn tiến nặng và tử vong.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, từ tháng 12-2003 đến 6-2008 đã có 243 người tử vong do cúm gia cầm trong số 385 ca nhiễm H5N1 tại 15 nước, chủ yếu ở châu Á. Tại nước ta, từ năm 2003 đến nay ghi nhận 128 người nhiễm cúm A/H5N1, trong đó có 65 người tử vong (50,8%).
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - trưởng khoa nhiễm D Bệnh viện Bệnh nhiệt đới - cho biết thêm cúm A có nhiều chủng, trong đó chủng H5N1 có độc lực cao nhất, với tỉ lệ tử vong rất cao lên đến 50%.
"Nhiễm cúm gia cầm ở người rất nguy hiểm. Bệnh nhân dễ diễn tiến thành viêm phổi, suy hô hấp rất nhanh, dù được điều trị tích cực nhưng tỉ lệ tử vong rất cao", bác sĩ Phong chia sẻ.
Về triệu chứng nhiễm cúm gia cầm, bác sĩ Phong cho biết chúng cũng gần giống như nhiễm siêu vi khác, gồm: sốt cao, ho, đau họng, đau cơ, đau khớp, đặc biệt bệnh nhân bị khó thở và diễn biến xấu rất nhanh sau đó.
Về nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ Thiệu cho hay chim nước di trú, mà hầu hết là các loài vịt, là ổ chứa tự nhiên của vi rút cúm gia cầm. Tuy nhiên, loài động vật hoang dã này thường có đề kháng với nhiễm vi rút, có nghĩa là chúng mang vi rút mà không bị bệnh.
Trong khi đó, các gia cầm nuôi đặc biệt cảm thụ với vi rút cúm A(H5N1). Tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với loài chim nước di cư là nguyên nhân phổ biến của dịch. Những chợ chim sống cũng đóng vai trò quan trọng làm lan truyền dịch.
Cẩn trọng phòng bệnh, tuyệt đối không chủ quan
Theo bác sĩ Thiệu, chim có thể đào thải vi rút ít nhất là 10 ngày theo đường miệng và phân, do đó làm tăng lan truyền theo các đàn chim di cư. Vi rút có nhiều trong chất bài tiết như dịch mũi họng, phân gia cầm bệnh, bụi và đất.
Tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh hoặc đồ dùng, vật dụng bị nhiễm bởi phân gia cầm là đường lây truyền chính.
Về con đường lây truyền, vi rút có thể lây truyền qua không khí (qua các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp của gia cầm bệnh hoặc hít phải không khí có chứa bụi từ phân gia cầm) hay qua ăn uống (nước, thực phẩm nhiễm vi rút...) và tiếp xúc với dụng cụ và đồ vật nhiễm vi rút.
Con người có thể bị lây bệnh do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh qua chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn gia cầm và sản phẩm của gia cầm bệnh chưa được nấu chín hoặc chế biến không hợp vệ sinh.
"Hiện chưa có bằng chứng cho thấy bệnh lây từ người sang người. Tuy nhiên, vẫn có lo ngại vi rút có thể biến đổi để lây từ người sang người", bác sĩ Thiệu thông tin thêm.
PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho biết cúm A/H5N1 thường lưu hành ở đàn chim và trên các đàn gia cầm. Vi rút gây bệnh này có thể lây lan cho người tiếp xúc gần, tỉ lệ tử vong lên tới 50%.
Các nước ở khu vực Đông Nam Á, châu Á hằng năm vẫn có các chủng cúm A/H5N1 lưu hành.
Ông Phu cảnh báo con đường lây nhiễm dễ nhất sang người đó là tiếp xúc trực tiếp với gia cầm hoặc chất thải của gia cầm nhiễm bệnh. Ngoài ra, thói quen ăn tiết canh, hoặc sử dụng trứng sống cũng làm tăng nguy cơ nhiễm cúm gia cầm.
Kể cả thực phẩm gia cầm chế biến không kỹ, nên thực hiện tốt an toàn vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến thực phẩm là gia cầm. Thực hiện ăn chín uống chín, rửa tay với xà phòng…
Bên cạnh đó, vi rút cũng có thể lây truyền qua dịch tiết đường hô hấp của gia cầm bệnh hoặc hít phải không khí có chứa bụi từ phân gia cầm.
"Do đó, người dân tuyệt đối không chủ quan với cúm A/H5N1, phải chú ý phòng dịch, không để lây lan dịch bệnh trên đàn gia cầm", ông Phu khuyến cáo.
Theo Cục Y tế dự phòng, đặc điểm dịch tễ học dịch cúm A/H5N1 trên người tại Việt Nam đa số có liên quan tới cúm gia cầm. Dịch chủ yếu tập trung vào các tháng mùa đông - xuân (khi thời tiết lạnh, ẩm). Tuy nhiên vẫn có các ca bệnh xảy ra vào các thời gian khác trong năm.
Việt Nam từng nghiên cứu sản xuất vắc xin ngừa cúm gia cầm H5N1 trên người và đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ trong quá trình nghiên cứu, nhưng vì nhiều lý do, trong đó có tính đến số người mắc vi rút này trong những năm qua.
Tuy nhiên, độc lực vi rút này rất cao, số tử vong chiếm 1/2 số mắc là vấn đề đáng lưu tâm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận