Mối liên hệ nào giữa béo phì và ung thư?
Hiệp hội Ung thư Mỹ từng dự báo béo phì là nguyên nhân thứ 2 gây ung thư sau hút thuốc lá và nguy cơ sẽ trở thành nguyên nhân hàng đầu trong thập kỷ tới. Hằng năm có khoảng 1,7 triệu người Mỹ được chẩn đoán ung thư, trong số đó có 40% trường hợp có liên quan với các dấu hiệu thừa cân, béo phì.
Tại Anh, cứ 20 người được chẩn đoán ung thư thì có một người bị béo phì. Theo thống kê của Tổ chức Nghiên cứu ung thư Anh, béo phì là nguyên nhân gây ra 18.100 ca ung thư trên thế giới mỗi năm và có xu hướng tăng lên 670.000 ca trong 20 năm tới.
Điều đáng nói là kết quả khảo sát của Tổ chức Phòng chống ung thư Anh (PRCP) cho thấy người dân chưa quan tâm và chưa có nhận thức đúng về mối liên hệ giữa béo phì và ung thư: có đến 75% trong 3.293 người được hỏi không nghĩ rằng béo phì có thể gây ung thư.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn - trưởng khoa phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết: Trong cơ thể con người, vai trò chính của chất béo là dự trữ năng lượng, đồng thời lan truyền thông tin và chỉ dẫn cho các phần của cơ thể.
Những thông tin do chất béo lan truyền ấy có thể ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng, phản ứng hóa học của tế bào cũng như chu kỳ sinh sản của cơ thể.
Trường hợp có quá nhiều chất béo tích lũy trong cơ thể thì tín hiệu mà nó truyền đi dễ gây ra các rối loạn được xem là nguồn gốc của ung thư.
Thực tế chứng minh, trong nhiều năm trở lại đây PGS.TS Tuấn đã điều trị cho không ít bệnh nhân béo phì bị ung thư.
"Điều trị ung thư cho người bình thường đã là một bài toán khó, với những người béo phì bài toán ấy còn vô vàn khó khăn hơn nữa.
Hầu hết những người mắc béo phì thường có các bệnh lý kèm theo nên sức đề kháng trong cơ thể đã giảm sút, lượng mỡ trong máu cao khiến quá trình hấp thụ hóa chất và thuốc kém hơn, chế độ ăn uống sinh hoạt của người béo phì cũng bị hạn chế càng góp phần làm công cuộc điều trị ung thư cho người béo phì gian nan hơn nữa" - PGS Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
Lối sống gây nhiều loại ung thư
Ông Tuấn phân tích người béo phì dễ bị mắc một số loại bệnh ung thư do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số lý do cụ thể như sau:
- Sự tăng trưởng dư thừa của mô mỡ trong cơ thể: Người béo phì có nhiều mô mỡ hơn trong cơ thể, và mô mỡ này sản xuất ra một số hormone và chất gây viêm có thể ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng tế bào ung thư.
- Khả năng chống viêm giảm: Viêm là một phản ứng tự nhiên của cơ thể trước các chấn thương, nhiễm trùng và các tác nhân xâm nhập khác. Tuy nhiên, khi viêm diễn ra quá mức hoặc kéo dài trong thời gian dài, nó có thể góp phần vào quá trình phát triển ung thư. Người béo phì có thể có khả năng chống lại viêm giảm do cơ thể sản xuất ra nhiều chất gây viêm.
- Sự ảnh hưởng của insulin: Người béo phì thường có mức đường huyết và insulin cao hơn so với những người có cân nặng bình thường. Điều này có thể dẫn đến sự phát triển của một số loại ung thư như ung thư vú, ung thư tụy và ung thư thận.
- Các yếu tố liên quan đến chế độ ăn uống và lối sống: Người béo phì thường có xu hướng ăn uống không lành mạnh và ít vận động hơn so với những người có cân nặng bình thường. Các yếu tố này có thể góp phần vào quá trình phát triển ung thư.
Những loại ung thư người béo phì có nguy cơ mắc cao gồm:
- Ung thư vú + ung thư buồng trứng: Do sự tăng cân và tăng sản xuất estrogen.
- Ung thư đại tràng: Cân nặng thừa làm tăng áp lực trên ruột và làm chậm quá trình lưu thông thực phẩm, làm tăng thời gian tiếp xúc giữa các chất gây ung thư trong thực phẩm với niêm mạc đại tràng.
- Ung thư gan: Tình trạng gan béo, trong đó chất béo tích tụ trong gan có thể dẫn đến viêm gan và ung thư gan.
- Ung thư tuyến tiền liệt: Chưa rõ ràng về mối liên hệ giữa béo phì và ung thư tuyến tiền liệt.
- Ung thư thực quản, ung thư dạ dày: Do tình trạng chuyển hóa bất thường.
Việt Nam cần nghiên cứu phòng chống sớm
PGS Nguyễn Anh Tuấn cho biết Việt Nam chưa có một nghiên cứu về mối liên hệ giữa béo phì và ung thư, nhưng tình trạng béo phì tăng nhanh ở tuổi trưởng thành, tỉ lệ trẻ em thừa cân béo phì tăng nhanh trong suốt 10 năm qua cũng là tín hiệu cho thấy nguy cơ gia tăng bệnh nhân ung thư trong tương lai.
Do đó chúng ta cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa béo phì trước để loại bỏ nguy cơ gây ung thư từ béo phì. Để kiểm soát cân nặng, trước hết cần có lối sống lành mạnh, tích cực, chế độ ăn cân bằng giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao trong ngày.
Phòng ngừa béo phì và ung thư:
- Ăn nhiều rau, trái cây, thịt nạc và ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế thực phẩm và đồ uống có nhiều đường.
- Bỏ thuốc lá, uống ít rượu bia.
- Tăng cường vận động: đi bộ, chơi thể thao, lao động chân tay...
- Tập thể dục ít nhất 3 lần mỗi tuần, mỗi lần ít nhất 30 phút.
- Nếu nhận thấy cơ thể đang tăng cân một cách bất thường hay đang có những yếu tố nguy hại đến sức khỏe, hãy chủ động thăm khám bác sĩ chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân và có biện pháp xử trí kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận