Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) có thể tác động tới sức tiêu thụ hàng hóa của người dân - Ảnh: Hữu Khoa |
Bộ Tài chính cho rằng mức thuế suất thông thường đang áp dụng 10% là thấp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, khó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia cũng như "bất bình đẳng" vì thế phải tăng.
Cho nên băt đầu từ 1-1-2019, các mặt hàng đang chịu thuế 5% sẽ lên 6%; mặt hàng đang chịu thuế 10% lên 12% và sẽ tiếp tục tăng thuế VAT lên 14% vào năm 2021.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, mức thuế 10% áp dụng hầu hết các giao dịch, ngoại trừ một vài lĩnh vực có thuế suất thấp hơn là hoàn toàn hợp lý.
Rất nhiều bạn đọc cho rằng việc tăng thuế như vậy ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của họ, đặc biệt đối với những người thu nhập thấp.
“Tăng thuế, ngân sách quốc gia được hưởng bao nhiêu?”
Đó là câu hỏi mà chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đặt ra khi Bộ Tài chính đưa ra thông báo dự kiến sẽ tăng thuế VAT vào đầu năm 2019. Theo ông Hiếu, Bộ Tài chính chỉ mới đưa ra lý luận thuế VAT của nước mình so với thế giới và các nước khu vực còn thấp là chưa đủ thuyết phục.
Mỗi quốc gia ở trong mỗi hoàn cảnh khác nhau thì áp dụng các mức thuế khác nhau. Với mức thu nhập trung bình của người dân Việt Nam khoảng 2.300 USD/người thì việc đánh 10% thuế VAT là hoàn toàn hợp lý - ông Hiếu phân tích.
“Nếu tăng thuế VAT lên 12%, sau đó tăng lên 14% thì Bộ Tài chính cần xem xét lại. Bởi lẽ, mức thuế này là rất cao so với thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam” - ông Hiếu nói
TS Huỳnh Thế Du cho biết, trong mấy năm gần đây, nguồn thu của Việt Nam giảm, trong khi đó nhu cầu chi tiêu lại rất cao, điều này làm nguồn thu càng ngày rơi vào tình trạng căng thẳng và thâm hụt ngân sách Nhà nước.
Vì vậy, Bộ Tài chính - cơ quan nắm “tay hòm chìa khóa” cần đưa ra thống kê cụ thể: nếu tăng thuế như vậy thì ngân sách quốc gia được hưởng bao nhiêu và các giải pháp nào để cải thiện nguồn thu hiện tại.
Gia tăng khoảng cách giàu nghèo
Tăng thuế VAT ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo - Ảnh: Thanh Tùng |
Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng việc tăng thuế VAT ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, nước ta có mức thu nhập trung bình, thế nhưng lại đứng vị trí thấp nhất trong những nước có thu nhập trung bình. Tức là nước ta đang đứng ở ngưỡng giữa các nước nghèo và các nước có thu nhập trung bình (cận biên với những nước nghèo).
“Với mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp, liệu rằng việc tăng thuế VAT từ 2 -7% thì sẽ ảnh hưởng đến mức sống của người dân như thế nào? Khi thuế suất tăng thì rất nhiều hàng hóa khác sẽ tăng theo. Đối với những người có thu nhập cao thì có thể chịu được khi mức thuế này nhưng đối với người có thu nhập thấp thì việc tăng thuế VAT hầu hết các nhóm hàng, dịch vụ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của họ” - ông Hiếu cho hay.
Theo đó, TS Huỳnh Thế Du cho hay, thuế gián thu (thuế giá trị gia tăng hay VAT) đã có tính lũy thoái, cho nên khi tăng thuế VAT thì người nghèo càng lao đao. Tức là người nghèo và người giàu phải cùng trả một khoản tiền như nhau trên một hàng hóa dịch vụ nào đó, vì vậy bất công giữa người giàu và người nghèo ngày càng rõ rệt.
Giải pháp nào?
“Bây giờ Việt Nam cần tập trung vào việc thắt chặt chi tiêu, đảm bảo chi tiêu hiệu quả để sử dụng nguồn ngân sách nhà nước. Bất kì quyết định nào của Chính phủ cũng hướng đến “lấy dân làm gốc”, tăng thuế mà đời sống người dân càng bấp bênh thì không nên tăng” - TS Huỳnh Thế Du chia sẻ.
Đồng thời, ông Du cho biết thêm, trong hoàn cảnh kinh tế hiện tại của nước ta thì nên tăng thuế trực thu (thuế thu nhập) và giảm thuế gián thu (thuế giá trị gia tăng).
“Theo tôi, Bộ Tài chính không nên tăng mức thuế thông thường đang áp dụng 10% lên đến 12% mà nên giữ nguyên mức thuế 10% hiện tại. Tuy nhiên, đối với các nhóm hàng, dịch vụ có thuế suất 5% thì cần tăng lên, lưu ý không được tăng quá 10%, việc tăng này sẽ bù vào phần nhóm hàng, dịch vụ cần tăng từ 10% lên 12%” - ông Hiếu đưa ra đề xuất.
Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:
>> TS Huỳnh Thế Du
>> Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận