Tại sao không được lấp lánh?

NGUYỄN THU THỦY 13/04/2012 20:04 GMT+7

TTCT - Trong TTCT số ra tuần trước, bài viết “Hàng hóa và nhân cách” của tác giả Viên Thông đã mở đầu diễn đàn mới của chuyên mục Câu chuyện cuộc sống. Tuần này, TTCT giới thiệu hai ý kiến tranh luận, bảo vệ sự đa dạng tiêu dùng.


Minh họa: Vũ Đình Giang


Theo tôi, sản phẩm hàng hóa nào cũng luôn có hai giá trị cùng tồn tại, một là giá trị sử dụng và một là giá trị ảo. Thông tin phát triển cùng sự cạnh tranh hàng hóa khốc liệt dường như khiến người tiêu dùng quên mất giá trị thật khi lựa chọn sản phẩm. Một chai nước tinh khiết không còn đơn thuần là chai nước tinh khiết để thỏa mãn cơn khát mà còn mang những thông điệp khác lớn lao hơn khi gắn liền với nhãn mác, thương hiệu.

Phải “tỏa hương bằng mọi giá”

Có vẻ như phương châm “hữu xạ tự nhiên hương” không còn hợp thời nữa. Bạn muốn kinh doanh thành đạt thì phải trông có vẻ thành đạt trước đã. Bạn mơ ước thành minh tinh, ca sĩ nổi tiếng? Chẳng ai nhìn đến bạn nếu như bạn không trông có vẻ nổi tiếng (như những ông bầu, bà bầu trong giới showbiz hay dọa nạt “Chúng tôi tạo ra ngôi sao, chúng tôi ngửi ngay ra ai có phẩm chất ngôi sao hay không”. 

Vì thế, để được các ông bà bầu “ngửi” ra, bạn phải cố mà tỏa hương bằng mọi giá). 

Điều này, xét cho cùng, không hẳn là đặc thù tuyệt đối của thời hôm nay. Tôi thấy rất khó hình dung Nguyễn Thành Luân (Nguyễn Chánh Tín) đi được vào tâm trí bao người Việt Nam nếu ông không ăn mặc thật đắt tiền, phóng ôtô điệu nghệ và rành đủ mọi ngón ăn chơi.

Cách đây đã nhiều năm, khi một thương hiệu túi xách, giày nổi tiếng vào Việt Nam, vài người, trong đó có tôi, đã băn khoăn hỏi bà đại diện thương hiệu rằng có mạo hiểm quá không khi đem bán những sản phẩm có giá quá đắt so với mức thu nhập bình quân của người dân.

Bà cười và kể: “Khi còn bé, tôi rất thích một đôi giày được trưng bày trong tủ kính của cửa hàng thời trang gần nhà. Trên đường đi học về, ngày nào tôi cũng đi qua và ngắm nghía. Với hoàn cảnh gia đình tôi lúc đó chắc có bán cả nhà đi cũng không đủ tiền mua một chiếc giày. Nhưng thay vì buồn bã hay ngồi đợi có phép lạ xảy ra, tôi đã cố gắng hết sức trong cuộc sống. Sau này, mỗi khi gặp khó khăn, tôi lại nghĩ đến đôi giày đó.

Giờ tôi có thể mua được hàng trăm hàng ngàn đôi giày như thế, nhưng điều tôi muốn làm là gieo những ước mơ đẹp đẽ cho những cô bé ở đất nước bạn, và giúp họ hiểu rằng những ước mơ đẹp đó đang ở rất gần nếu bạn chịu cố gắng”.

Tôi hiểu ra giá trị nhân văn trong câu chuyện của bà và hiểu rằng yêu thích những thứ đẹp đẽ, sang trọng hơn so với hoàn cảnh hiện tại của mình không phải là điều xấu, quan trọng là ta với tới chúng như thế nào và bằng cách nào.

 Mặc dù nuối tiếc về một thời kim tăm cặp ba lá đi xe đạp, tôi vẫn nghĩ rằng sự đa dạng là một trong những kết quả tốt đẹp hơn cả của phát triển. 

Bất tận cách biểu hiện

Một xã hội tốt đẹp, hay nói một cách bình dị, một xã hội tử tế, là nơi không chỉ chăm lo cho phúc lợi công cộng và những gì thuộc về cộng đồng, mà còn phải (và nhất là) đảm bảo cho bất kỳ cá nhân nào cũng được mơ ước và được khác người khác.

Cá nhân có thể nổi bật bằng nhiều thứ: bằng trí tuệ, tấm lòng, tài năng, nhưng những cách nổi bật ấy phải không được phép loại trừ những cách nổi bật khác. 

Trong mắt tôi, những cô gái trẻ ngày nay thật đẹp với bất tận cách biểu hiện: những cô gái thùy mị, những cô gái trang điểm phấn son bắt mắt, những cô gái xách cái túi thật lạ, lại có cả những cô bé ngượng nghịu trong trang phục harajuku hẳn vừa tậu được sau rất nhiều do dự, đứng đợi người yêu đến đón giữa sân bay đông đặc người.

Mặc dù nuối tiếc về một thời kim tăm cặp ba lá đi xe đạp, tôi vẫn nghĩ rằng sự đa dạng là một trong những kết quả tốt đẹp hơn cả của phát triển. Thế hệ chúng tôi biết đến sự yên ổn của tư duy một chiều, và cũng nhiều người trong thế hệ chúng tôi hiểu rằng tư duy một chiều ấy nguy hiểm đến thế nào.

Tất nhiên cái gì cũng có mặt trái song hành, khi hình thức hay những giá trị ảo được đề cao quá, người ta sẽ mờ mắt chạy theo mà quên mất giá trị thật. Thế nhưng, nhìn vào cách hành xử và thái độ của xã hội trước những gì xảy ra gần đây, ca tụng tôn thờ quá mức rồi lại xoay sang “lên án, trù dập” bất cần lý lẽ (trong đó có vai trò không nhỏ của báo chí, nhất là báo mạng), tôi thấy rằng xét cho cùng, ở xã hội Việt Nam cá nhân vẫn chưa thật sự được tôn trọng như một thực thể hoàn chỉnh, dường như người ta luôn sẵn sàng nhân danh nhiều điều để phục vụ cho các mục đích khác nhau.

Một “mặc cảm xã hội” đang lộ diện: một mặt thì ai cũng khao khát giàu có, nhưng mặt khác lại lên án rất mạnh những người nổi bật vì giàu có, trong số đó dĩ nhiên không chỉ là những kẻ lừa đảo hay sống theo kiểu tầm gửi. Cũng rất nhiều khi dường như người ta không buồn để ý xem cá nhân này hay cá nhân kia có thật sự vi phạm luật hay không.

Gặp khó khăn trong kinh doanh (điều này thì ai từng kinh doanh đều biết là xảy ra như cơm bữa), rất có khả năng từ hôm trước đến hôm sau trước mắt dư luận những người ấy đã giống như một tội phạm rồi!

Tôi nhận thấy việc phê phán các cá nhân, các hành động trên không quan trọng bằng việc xây dựng một cách rõ ràng các hệ giá trị cho xã hội, để mọi loại giá trị đều có chỗ đứng, mọi cá nhân đều có thể khẳng định giá trị riêng của mình bằng bất kỳ cách nào, miễn không phải là giả.

Đa dạng tiêu dùng

Hàng hóa đắt tiền là sản phẩm mà nhà sản xuất luôn cố gắng và đặt ra mục tiêu phấn đấu. Điều đó có nghĩa là một khi bạn làm việc cật lực để có tiền thì bạn xứng đáng được hưởng thành quả lao động của mình bằng những hàng hóa đắt tiền. Tuy nhiên, đó là điều hãnh diện của người thành đạt nhưng không phải là của tất cả những người thành đạt.

Người ta cũng thấy rằng có những người thành đạt mà cuộc sống của họ rất bình thường. Mục đích cuộc đời họ không chỉ làm việc để hưởng thụ mà tạo ra của cải vật chất còn giúp ích cho người khác, xuất phát từ tấm lòng chân thật.

Điều đáng chê trách ở đây là có những người mà bản thân họ không làm ra của cải vật chất nhưng cố tình vay mượn để tiêu dùng, trang bị cho bản thân mình những hàng hóa đắt tiền. Người ta cũng thấy rằng có những người luôn tiêu xài ở mức gấp đôi, gấp ba so với thu nhập hằng tháng. Cuộc đời đa dạng từ đó. Và hàng hóa có sức quyến rũ, có người tiêu thụ vì con người có đa dạng quan niệm tiêu dùng.

Cũng có những người quan niệm rằng với một bộ đồ đắt tiền họ sẽ cảm thấy tự tin hơn khi đi ra ngoài. Đó không phải là lãng phí, nhưng sẽ lãng phí nếu lúc nào cũng chạy theo những quần áo đắt tiền vượt quá khả năng của mình.

Không thể cấm hay áp đặt quan niệm tiêu dùng vào một khuôn mẫu chung. Đây là vấn đề thuộc về tính cách (và quyền) con người. Nếu có người cả cuộc đời chỉ thích tiêu xài hoang phí thì cũng có người tiết kiệm đến từng đồng xu.

Có người quan niệm rằng nếu bạn thu nhập một tháng 50 triệu đồng và bạn phải làm việc cật lực mới có được mức lương đó thì bạn cũng nên thưởng cho bản thân mình những món hàng đắt tiền. Tuy nhiên, có người lại quan niệm họ sẽ tiêu dùng trong chừng mực và dùng đồng tiền đó chia sẻ với tha nhân, hướng về cộng đồng.

Từ đó có quan niệm về hai từ sành điệu. Người sành điệu phải là người biết rõ mọi thứ, biết rõ nguồn gốc món hàng khi dùng (sành và điệu). Là người sành sỏi, rành rẽ, hiểu biết sâu về một hay nhiều lĩnh vực nào đó, biết rõ mình dùng thứ gì, tại sao phải dùng như thế và khi dùng nó tôn giá trị của mình, nổi bật những ưu điểm, che đậy nhiều khuyết điểm.

Có người quan niệm “chiếc áo làm nên thầy tu” và suốt đời họ chạy theo những trang bị bề ngoài cho bản thân. Tuy nhiên, phải hiểu một điều rằng hàng hóa chưa đủ nói lên tính cách con người mà chính sự hiểu biết, có tri thức, biết cách xử sự tốt với nhau, biết mình, biết vị trí của mình, biết những thứ mình đang dùng hoàn toàn phù hợp với điều kiện, khả năng của chính mình, có thái độ tiêu dùng không lãng phí… mới chính là con người của hàng hiệu (và sành điệu)!


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận