Nền giải trí Hàn Quốc đã gặt hái được nhiều thành công vang dội về các lĩnh vực âm nhạc, phim ảnh hay thời trang trên thị trường quốc tế, đặc biệt là với sự bùng nổ của làn sóng Hallyu.
Thế nhưng trong lĩnh vực phim hoạt hình, dù có tài nguyên đa dạng và được hưởng ứng mạnh mẽ trên các nền tảng truyện tranh mạng, Hàn Quốc vẫn chưa thể sản sinh ra những tên tuổi lớn hay những tác phẩm kinh điển như Nhật Bản với Hayao Miyazaki và Studio Ghibli hay Mỹ với Walt Disney và Pixar.
Thiếu hụt nhân lực và sự đầu tư
Trả lời The Korea Times, Han Chang Wan - giáo sư truyện tranh và hoạt hình tại Đại học Sejong - cho biết: "Người lớn ở Hàn Quốc không có nhiều cơ hội để xem phim hoạt hình".
Để xem hoạt hình, người dân phải tìm đến các kênh chuyên biệt như Tooniverse và Animax nhưng ngay cả như vậy cũng khó tìm được phim hoạt hình dành cho người lớn vào khung giờ vàng.
Ở Nhật Bản, hoạt hình được chiếu rộng rãi trong các rạp chiếu phim với lượng khán giả lớn gấp ba lần Hàn Quốc.
Vì hoạt hình được xem nhiều hơn phim người đóng nên có sự đổi mới công nghệ liên tục và ngày càng có nhiều họa sĩ chuyên nghiệp xuất hiện.
Theo ông Han, việc sản xuất một bộ phim hoạt hình đòi hỏi sự tham gia của hàng trăm họa sĩ tài năng.
Ngay cả những phim hoạt hình chiếu rạp có kinh phí thấp cũng ngốn ít nhất 3 tỉ won (khoảng 2,5 triệu USD).
Với rủi ro doanh thu thấp luôn rình rập, thậm chí không thu hồi được 1 tỉ won, khiến các nhà đầu tư e dè dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn lực, đặc biệt là họa sĩ trẻ tuổi.
Hơn nữa, nhà phê bình văn hóa Kim Heon Sik chỉ ra rằng khán giả Hàn Quốc có xu hướng ưa chuộng nội dung phim ảnh bám sát thực tế, điều này có thể gây khó khăn cho các tác phẩm hoạt hình giả tưởng.
Việc theo đuổi chủ nghĩa hiện thực quá mức có thể kìm hãm sự sáng tạo và đa dạng trong nội dung.
Cơ hội nào để phim hoạt hình phát triển?
Hiện nay, sự bùng nổ của các dịch vụ phát trực tuyến (OTT) đang mang đến làn gió mới cho ngành công nghiệp hoạt hình Hàn Quốc.
Theo ông Han Chang Wan, nền tảng này thu hút lượng lớn khán giả trẻ yêu thích phim hoạt hình, mở ra nhiều cơ hội cho các nhà sáng tạo trẻ phát triển với các dự án video ca nhạc, quảng cáo và phim hoạt hình ngắn.
Nhờ OTT, các nhà làm phim có thể dễ dàng tiếp cận khán giả và biến những phim hoạt hình ngắn thành phim dài tập ăn khách.
Ông Han cho rằng mặc dù có nhiều công ty hoạt hình ở Hàn Quốc nhưng hầu hết chỉ tập trung vào giai đoạn tiền sản xuất.
"Do vậy, việc nuôi dưỡng lực lượng sản xuất chính và thiết lập một hệ thống ổn định để hỗ trợ những tài năng hoạt hình trong quá trình phát triển sự nghiệp của họ là điều nên làm" - ông Han nói.
Nhìn chung, không chỉ Hàn Quốc mà cả Việt Nam cũng cần sự phối hợp từ nhiều yếu tố, bao gồm đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích sáng tạo nội dung mới mẻ phù hợp với thị hiếu khán giả và nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của phim hoạt hình.
Tương tự ở Hàn Quốc, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những vấn đề như vậy.
Dù phim hoạt hình Việt Nam ra đời từ những năm 1960, 1970 và giành không ít giải thưởng quốc tế nhưng tới nay dòng phim này vẫn gặp nhiều khó khăn để tiếp cận khán giả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận