25/10/2018 10:16 GMT+7

Tại sao hiếm thấy nhà văn Việt Nam thử mình với tiểu luận

HUY HUỲNH
HUY HUỲNH

TTO - Nếu trong khoảng hai mươi năm trở lại đây có một nhà văn lớn Việt Nam nào xứng đáng được khen vì sự 'dám' của mình thì đó là Nguyễn Huy Thiệp.

Tại sao hiếm thấy nhà văn Việt Nam thử mình với tiểu luận - Ảnh 1.

Giăng lưới bắt chim - tập phê bình đoạt giải của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2006

Nhà văn Việt Nam hiện đại ưa chuộng thể loại truyện ngắn hơn các thể loại khác, thỉnh thoảng một số nhà văn chuyên viết truyện ngắn cũng thử đặt mình vào thách thức dài hơi hơn như Nguyễn Ngọc Tư viết Sông, nhưng rất hiếm thấy nhà văn Việt Nam thử mình với tiểu luận.

Đại diện nổi bật duy nhất ở thời điểm hiện tại viết khá nhiều tiểu luận là Hồ Anh Thái, cố tìm thêm có thể kể đến Nguyễn Việt Hà.

Không ai có quyền bảo nhà văn phải viết gì, đó là quyền tự do tối thiểu của một nhà văn. Tuy nhiên, nhìn một bản đồ văn chương mà ít thấy nhà văn viết một quyển tiểu luận, phê bình nào cũng rất đáng ngờ, nó liên quan nhiều đến đọc, đọc nhiều chưa chắc viết được một tiểu luận văn chương nhưng hiếm tiểu luận văn chương nào ra đời từ việc ít đọc.

Đây giống như một bước lùi so với các tiền bối thời trước, và vấn đề không chỉ nằm ở góc độ chủ quan như giỏi hay dở hơn, rõ ràng nhà văn hiện nay được trang bị quá nhiều kiệt tác thế giới để có thể tự bày trò chơi văn chương cho mình và cho bạn đọc.

Thể loại tản văn, khi được đóng gói gọn gàng thành một quyển sách, thường được hiểu ngầm là dễ tiêu thụ hơn so với truyện ngắn hay tiểu thuyết nhưng thực ra có phải như vậy?

Từ ngày mạng xã hội lên ngôi thì người ta hiếm còn thấy nhu cầu phải nghe các nhà văn bàn về chuyện đầu ngõ phố phường hay bình về xã hội nữa, mỗi người bạn online đã trở thành một tác giả. Thời của những quyển tản văn, dù rất xuất sắc, như Nhân trường hợp chị Thỏ bông của Thảo Hảo đã lùi lại quá xa.

Văn chương thì xưa cũ nhưng nó phóng khoáng với sự tự làm mới chính mình. Novel trong tiếng Anh không chỉ có nghĩa là tiểu thuyết mà còn có nghĩa là mới.

Bạn đọc mong đợi các nhà văn Việt Nam thách thức chính mình bằng những bài viết đòi hỏi nhiều công sức hơn nữa trong thời đại này, khi ai cũng có thể tự xuất bản chữ nghĩa của mình trên mạng mà không cần thông qua một bộ lọc nào.

Một nền văn học muốn hòa mình vào thế giới thì không thể chỉ viết dựa vào bản năng mà phải có rất nhiều kiến thức. Viết một tiểu luận, phải chăng cũng là quá nhiều?

Một lần nữa, viết là chuyện rất cá nhân, đọc cũng vậy. Một nghiên cứu về việc đọc hay viết của nhà văn Việt Nam là vượt khỏi khuôn khổ của bài viết này.

Đây chỉ là tiếng thở dài của một độc giả vừa xem qua Nguyễn Tuân đọc Chekhov sau đó đi tìm xem có cây bút đương đại nào ghi chép ngắn về các góc cạnh văn chương khác hay không? Không có gì ngoài những lời khen, và chúng ta thì có quá nhiều lời khen.

Một cách lỏng lẻo, “tản văn” vẫn có thể dịch sang tiếng Anh thành “tiểu luận” (essay) nhưng thể loại tản văn, một sản phẩm rất Việt lại nặng hơn về các lát cắt cảm xúc hay một khoảnh khắc chứ không phải về phân tích một vấn đề, hay chính xác hơn là cố gắng phân tích một vấn đề.
​Giăng lưới bắt chim: cách phê bình 'phũ' như Nguyễn Huy Thiệp

TTO - Các nhà phê bình, nghiên cứu văn học cho rằng, trong trang viết của Nguyễn Huy Thiệp, tuy bề mặt ngôn ngữ có “phũ phàng”, nhưng ẩn sau là cái đạo của người cầm bút.

HUY HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên