21/12/2014 05:26 GMT+7

​Tại sao hầm thủy điện Đạ Dâng bị sập?

VÕ HƯƠNG - DUY THANH - MAI VINH - MẠNH KHANG - TÀI PHONG
VÕ HƯƠNG - DUY THANH - MAI VINH - MẠNH KHANG - TÀI PHONG

TTO - Hầm thủy điện Đạ Dâng bị sập, nguyên nhân vì sao? Trách nhiệm thuộc về ai? “Chúng tôi sẽ xác định xem các giấy phép có đủ không? Thiết kế đã được duyệt chưa?"

Các công nhân Công ty CP Sông Đà 505 đang đào đường hầm để đưa đường ống dẫn nước vào khu vực thủy điện (công trình Nhà máy thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo, thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng)) bất ngờ bị hàng trăm mét khối đất đá, từng khối bê tông bịt kín lối đi.

12 công nhân đang làm việc trong hầm bị kẹt, sinh mệnh ngàn cân treo sợi tóc.

 

Chiến sĩ công binh vui mừng khi đưa công nhân cuối cùng ra khỏi đường hầm cứu hộ - Ảnh: Mai Vinh

Nguyên nhân do đâu?

Ngay sau khi cứu nạn thành công, lực lượng chức năng đã tiến hành bảo vệ hiện trường để tổ chức khám nghiệm hiện trường. Thiếu tướng Bùi Văn Sơn - Giám đốc công an tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Gần đây, tỉnh Lâm Đồng thực hiện nhiều dự án thủy điện, các cơ quan chức năng đã có nhiều hình thức nhắc nhở, kiểm tra, đôn đốc để phòng ngừa các sự cố.”

Thiếu tướng Bùi Văn Sơn nhận định: “Đây là trường hợp không thực hiện theo quy trình”.

“Chúng tôi sẽ xác định xem các giấy phép có đủ không? Thiết kế đã được duyệt chưa? Có thực hiện theo đúng thiết kế và tính toán đến an toàn cho người lao động hay chưa? Để từ đó phân tích việc ảnh hưởng đến chất lượng công trình, trên cơ sở đó xác định nguyên nhân dẫn đến sự cố nghiêm trọng này” - thiếu tướng Sơn nói.

>> Thiếu tướng Bùi Văn Sơn

Ông Lê Quang Huy - chánh thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng thông tin đã tiến hành kiểm tra về tình hình an toàn lao động tại thủy điện Đạ Dâng hai lần. Lần gần đây nhất là vào đầu năm 2013.

Kết quả kiểm tra cho thấy nhà thầu chưa thực hiện việc đo lường các yếu tố có hại trong hầm (không khí, độ ồn, độ ẩm, hơi khí độc…).

Nghiêm trọng nhất, ông Lê Quang Huy nhấn mạnh: “Chưa thực hiện công tác huấn luyện an toàn lao động theo quy định. Dù có làm nhưng còn sơ sài, chưa đúng theo quy định.”

>> Ông Lê Quang Huy

Ông Huy cho biết đoàn kiểm tra đã xử phạt theo quy định và đơn vị chấp hành. Ông Huy nói: “Sau đó đơn vị thi công ngừng trệ một thời gian”.

Vào thời điểm kiểm tra, ông Huy cho biết độ khoan chưa sâu, chưa thấy các dấu tích nguy hiểm.

“Sau mùa mưa, địa chất tích tụ lại. Đầu mùa khô, hậu quả của những cơn mưa kéo dài là đất mềm và nguy cơ sạt lở cao. Nếu các giải pháp không đảm bảo thì nguy cơ xảy ra tai nạn là chuyện không thể trách khỏi” - ông Huy nhận định.

>> Ông Lê Quang Huy

Phó giáo sư -Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp khẳng định cần phải xác định đặc điểm địa chất ở khu vực xảy ra sự cố để từ đó có biện pháp xử lý.

Ông Hiệp nhấn mạnh: “Đào tới đâu phải chống hầm, gia cố tới đó chứ không thể xảy ra tại nạn thì người cứu hộ mới bắt đầu công tác gia cố. An toàn tính mạng người lao động là trên hết, không thể chạy theo lợi nhuận mà quên tiêu chí đó.”

>> Chuyên gia xây dựng Nguyễn Văn Hiệp

Đánh giá về việc đoàn kiểm tra tỉnh Lâm Đồng có kết luận về tình hình an toàn lao động tại thủy điện Đạ Dâng là chưa thực hiện công tác huấn luyện an toàn lao động theo quy định, có làm nhưng còn sơ sài, chuyên gia xây dựng Nguyễn Văn Hiệp khẳng định: “Nguyên tắc đầu tiên là người lao động phải được đào tạo, huấn luyện bài bản. Phương án gia cố phải được thẩm tra, phê duyện kĩ càng. Nếu không có là thiếu thủ tục…”

>> Chuyên gia xây dựng Nguyễn Văn Hiệp

Đặng Thị Hồng Ngọc - nữ công nhân duy nhất được đưa ra khỏi đường hầm cứu hộ - Ảnh: M.Vinh

Ai chịu trách nhiệm?

Dự án thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo do Công ty CP Đầu tư và xây dựng điện Long Hội  (Hà Nội), thuộc Tổng Công ty CP Thương mại xây dựng Vietracimex làm chủ đầu tư, khởi công từ tháng 12-2003, dự kiến đưa vào vận hành cuối năm 2006. Dự án gồm 2 nhà máy thủy điện Đạ Dâng và Đạ Chomo với tổng công suất 22 MW .

Tuy nhiên, đến thời điểm xảy ra tai nạn, dự án đã “quá hạn” tám năm và vẫn chưa hoàn thành. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Tiên Phong - tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và xây dựng điện Long Hội  cho biết: “Công trình đã hoàn thành khoảng 85%, chỉ còn 15 % nữa thôi. Do địa chất quá kém làm thời gian kéo dài, không được như mong muốn nên nhiều lần phải thay nhà thầu xây dựng. Đầu tiên là Công ty Lũng Lô, lần thứ hai là Công ty CP xây dựng công trình ngầm Vinavico.”

>> Ông Nguyễn Tiên Phong

Ông Nguyễn Tiên Phong chia sẻ: “Đoạn sụp này là do Công ty Vinavico thi công”.

Như vậy, Vinavico chịu trách nhiệm như thế nào trong vụ việc này cần được các cơ quan chức năng làm rõ. Công trình có thể đã được giao cho các bên B, B’ qua khẳng định của ông Phong: "Phần thi công đầu bên kia hầm là Công ty CP Sông Đà 10 phụ trách, còn phần thi công bên này là của Công ty CP Sông Đà 505".

“Trách nhiệm tất nhiên phải thuộc về chủ đầu tư với nhà thầu” – Đó là khẳng định của ông Lê Quang Hùng - thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Ông Hùng cho biết: “Phải xem xét nguyên nhân, tất nhiên là trách nhiệm bao giờ cũng thuộc về chủ đầu tư với nhà thầu. Thầu nào, đầu tư là bao nhiêu và khi nào? Trình tự để giải quyết các sự cố công trình là cứu người, giải quyết cái hậu quả, xác định nguyên nhân, vì sao để sập, lỗi thuộc về ai. Cơ quan theo dõi công trình này là thuộc về Bộ Công thương”.

>> Ông Lê Quang Hùng  

Máy khoan đưa vào vị trí hầm sập để khoan, đặt ống thoát hiểm cho các nạn nhân - Ảnh: Thạch Thảo

Cần xử lý đến nơi đến chốn!

Đó là mong muốn của rất nhiều bạn đọc cả nước gửi về Tuổi Trẻ. Nhiều bạn đọc đặt dấu hỏi tại sao công trình kéo dài, tại sao có quá nhiều nhà thầu tham gia?

Bạn đọc mr.thịnh - [email protected] đã đề nghị  các cơ quan chức năng phải cương quyết làm rõ nguyên nhân sập hầm, làm rõ các yếu tố kỹ thuật (sụt lún, địa chất, địa hình…) có được tính toán, đánh giá kỹ không. Khi thực hiện thi công có làm đúng chất lượng và làm có cẩn trọng không?

Bạn Tri Minh Dương chia sẻ: “Chúc mừng 12 nạn nhân. Chào mừng ngày thành lập Quân Đội nhân dân Việt Nam, chúc mừng chiến công to lớn của lực lượng Công binh Việt Nam. Đề nghị nhà nước và các cơ quan liên quan phải kiên quyết điều tra rõ nguyên nhân dẫn đến tai nạn sập hầm này.”

Bạn đọc Kiều Minh phân tích: “Sao khởi công từ 2003 mà đến hết 2014 vẫn chưa xong. Có vấn đề gì khúc mắc trong này? Nguyên nhân tại sao và chất lượng công trình thực sự là như thế nào thì cơ quan chức năng nên làm rõ để tránh xảy ra những tai nạn tương tự.”

Còn bạn Kiều Phong Nguyễn mong mỏi: “Phải tìm ra bằng được nguyên nhân vụ sập. Sau khi cứu được 12 công nhân thì người dân cả nước đang chờ nhất tin này.”

Về mặt pháp luật, luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho biết: “Chủ đầu tư xây dựng công trình có nghĩa vụ giám sát thi công xây dựng công trình, kiểm tra các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường. Còn nhà thầu thi công có nhiệm vụ quản lý công nhân xây dựng trên công trình, bảo đảm an ninh trật tự.”

>> Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Trong trường hợp xảy ra tai nạn lao động thì người sử dụng lao động phải thanh toán toàn bộ chi phí y tế phát sinh trong quá trình điều trị cho người lao động.

Luật sư Hậu cho biết thêm: “Phải trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động. Phải bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động. Người lao động còn được hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội bắt buộc.”

>> Luật sư Nguyễn Văn Hậu

VÕ HƯƠNG - DUY THANH - MAI VINH - MẠNH KHANG - TÀI PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên