29/01/2015 06:00 GMT+7

Tại sao giá xăng giảm 4, cước taxi giảm 1?

VÕ HƯƠNG – MẬU TRƯỜNG – TRÀ MY
VÕ HƯƠNG – MẬU TRƯỜNG – TRÀ MY

TTO - Sáu tháng qua, giá xăng đã giảm sâu 39% (25.640 đồng/lít xuống còn 15.670 đồng/lít). Tuy nhiên, giá cước taxi chỉ giảm 3-9%. Giá xăng giảm 4, cước taxi giảm 1, tại sao?

Nhiều chuyên gia cho rằng cước taxi giảm chưa tương xứng với mức giảm của giá xăng - Ảnh tư liệu TT

Bạn đọc Mỹ Duyên (Q.7, TP.HCM) cho biết nếu mỗi kilômet được giảm dù chỉ thêm vài trăm đồng nhưng người tiêu dùng sẽ thấy hài lòng hơn vì các hãng taxi giảm giá  "sòng phẳng".

"Khi giá xăng lên một chút thì giá cước taxi cũng điều chỉnh ngay. Còn giờ taxi giảm hoài mà chỉ được 1.500 đồng/km thì người tiêu dùng như mình sẽ thấy không hài lòng", Mỹ Duyên nói. 

Độc giả Như Ngọc lên tiếng: Khi doanh nghiệp khó khăn vì giá xăng tăng, người tiêu dùng sẵn sàng chia sẻ bằng cách sử dụng dịch vụ taxi với giá điều chỉnh. Vậy tại sao khi giá xăng giảm nhiều như vậy mà các hãng taxi, hãng vận tải lại không chia sẻ với người tiêu dùng?

Một bạn đọc khác góp ý kiến: Nên có văn bản của Thủ tướng ký quy định (%) giá xăng, dầu lên/xuống thì (%) cước vận tải, các dịch vụ có liên quan đến xăng, dầu sẽ được điều chỉnh lên/xuống trong thời hạn bao nhiêu ngày (kể từ ngày (%) giá xăng, dầu lên/xuống). Qua đó, các địa phương (kể cả thanh tra bộ) sẽ kiểm tra các doanh nghiệp có thực hiện theo văn bản của Thủ tướng không? 

Ông Nguyễn Thành Chung, giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết giá xăng giảm, giá cước chắc chắn phải giảm theo nhưng giảm bao nhiêu còn tùy vào nhiều yếu tố khác chứ không phải chỉ dựa vào yếu tố giá xăng.

>> Ông Nguyễn Thành Chung

Chắc chắn giảm nhưng...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tạ Long Hỷ - phó tổng giám đốc Hãng taxi Vinasun - cho biết đơn vị này sẽ giảm giá cước taxi thêm 500 đồng/km từ ngày 2-2. Ông Hỷ cho biết mức giảm 500 đồng/km là khá cao rồi!

>> Ông Tạ Long Hỷ

Theo đó, sau 3 lần điều chỉnh giá thì giá cước taxi loại 4 chỗ của Vinasun sẽ giảm tổng cộng 1.500 đồng/km, từ mức 16.500 đồng/km xuống còn 15.000 đồng/km. Mức giảm này tương đương 9,09%.

Từ ngày 29-1, giá cước taxi của Hãng Mai Linh cũng sẽ giảm thêm 500 đồng/km.

Trước đó, trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời ngày 7-12-2014, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết “xe chạy xăng chi phí cấu thành giá vận tải gồm nhiều chi phí: xăng, dầu, khấu hao, chi phí sửa chữa, chi phí cầu đường… trong đó với xe chạy xăng chi phí chiếm 25-35%, xe chạy dầu chiếm 35-40% chi phí vận tải”.

>> Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng

Nếu tính theo tỉ lệ 25-35% và 35-40% và mức giá cũ là 16.500 đồng/km thì mức giảm tương ứng phải là 1.605-2.246 đồng/km đối với xe chạy xăng và 2.246-2.567 đồng/km đối với xe chạy dầu.

Có nghĩa là so với mức giảm 1.500 đồng thì các doanh nghiệp vận tải vẫn còn giữ lại từ 105-1.067 đồng/km tùy từng loại xe chạy xăng hay chạy dầu.

Giảm chưa tương xứng, chưa chia sẻ với người tiêu dùng?

Tiến sĩ (TS) kinh tế Ngô Trí Long cho rằng mức giảm như vậy là “chưa hợp lý”.

Ông Long phân tích: giá xăng chiếm 40-45% giá cước taxi, nếu giá xăng giảm gần 39% thì mức giảm tương ứng của giá taxi phải từ 12-18% tùy từng loại xe.

>> TS Ngô Trí Long 

Các hãng taxi cho biết sẽ tiếp tục giảm giá cước thêm 500 đồng/km - Ảnh minh họa

TS Ngô Trí Long cho rằng mức giảm giá mà các hãng taxi đưa ra chưa thể hiện sự chia sẻ với người tiêu dùng.

>> TS Ngô Trí Long 

“Khi giá xăng mới tăng, dù với biên độ rất hẹp (500-1.000 đồng) nhưng các doanh nghiệp vận tải, taxi vẫn yêu cầu tăng giá. Còn khi xăng giảm sâu thì doanh nghiệp lại không giảm tương xứng. Như vậy là không chia sẻ lợi ích với cộng đồng, với người tiêu dùng”, TS Ngô Trí Long nhận định.

TS Ngô Trí Long đưa ra các nguyên nhân dẫn đến việc giá cước giảm không tương xứng mới mức giảm của xăng dầu.

Bốn nguyên nhân, theo ông Long, là: sự vào cuộc chưa thật sự quyết liệt của cơ quan chức năng, môi trường chưa thật sự cạnh tranh, phản ứng từ phía người tiêu dùng và các phương tiện thông tin đại chúng cũng không nêu đích danh những doanh nghiệp không chia sẻ lợi ích với cộng đồng.

>> TS Ngô Trí Long 

Ông Huỳnh Thế Du, giám đốc chương trình chính sách công Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng nếu môi trường kinh tế cạnh tranh lành mạnh thì nước lên, thuyền lên và mức giảm giá cước cũng sẽ tương xứng với mức giảm của nguyên liệu cấu thành đầu vào, cụ thể là xăng dầu.

>> Ông Huỳnh Thế Du

"Nếu có sự độc quyền nhóm một cách tương đối thì mức giảm sẽ không như kỳ vọng và thấp hơn mức giảm lẽ ra phải có trong môi trường cạnh tranh”, ông Du nói.

VÕ HƯƠNG – MẬU TRƯỜNG – TRÀ MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên