Nghịch lý ngành điện
Đề cập đến vấn đề lãng phí điện mặt trời, điện gió trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết ông đã trao đổi với bộ trưởng Bộ Công Thương về vướng mắc trong huy động nguồn điện này.
Theo ông Phớc, bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng không phải vướng về giá, mà vướng về công suất, tức hiện nay chúng ta đủ tải rồi.
Thế nhưng khi ông Phớc hỏi lại nếu chúng ta đủ tải rồi thì tại sao cho làm? Còn nếu đã làm rồi thì tại sao không giảm bớt điện đã mua của nước ngoài?
Bộ trưởng Bộ Công Thương lại trả lời là đã ký hiệp định với nước ngoài nên không thể đàm phán cắt được.
Tới đây thì nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục đặt câu hỏi tại sao phải của Trung Quốc, Lào trong khi nguồn điện mặt trời, điện gió các nhà đầu tư trong nước làm ra lên tới 4.600 MW đến nay vẫn chưa được hòa lưới điện?
Quá bức xúc, bạn đọc Tran Thu cho rằng, từ cách điều hành, quản lý nguồn năng lượng tái tạo, điện gió và mặt trời và cách điều hành quản lý xăng dầu trong những ngày tháng gần đây cho thấy năng lực quản lý, điều hành của Bộ Công Thương rất nhiều hạn chế, lúng túng, thiếu tầm chiến lược.
Trong khi ta, có thể nói là cường quốc về năng lượng tái tạo như điện gió và mặt trời, thì không được tận dụng, khuyến khích để phát triển, lại phải mua điện của Lào và Trung Quốc.
Bộ Công Thương phải trả lời về mua điện
Đa số bạn đọc đều cho rằng lãnh đạo Bộ Công Thương phải trả lời cho những bất cập trên.
Bạn đọc Lê Văn Quyến phản hồi: Hoan hô bác Phớc đã đặt câu hỏi rất đúng. Rất nhiều dự án điện tái tạo được cấp có thẩm quyền cho phép xây dựng nhưng không thể đấu nối điện.
Điện là một trong những đầu vào để hình thành giá cả, điện tăng thì giá cả tăng, lạm phát tăng, đời sống nhân dân sẽ bị ảnh hưởng.
"Tại sao đủ tải rồi không hòa điện tái tạo được nữa? Vậy nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc thì hòa vào lưới điện nào?", bạn đọc Toàn Nguyễn tiếp tục đặt vấn đề.
Cùng chung nỗi bức xúc, bạn đọc Bùi Đức Thắng cho rằng không cần tranh luận nhiều làm gì, chỉ cần Bộ Công Thương cho biết mục đích của việc bỏ hàng bao nhiêu tỉ ra để làm điện gió, điện mặt trời làm gì nếu không hòa vào lưới điện quốc gia.
Và như vậy những tua bin điện gió cùng những tấm pin năng lượng mặt trời để làm gì...? Chẳng lẽ làm ra chỉ để ngắm chơi...?
"Chúng tôi cũng đề nghị đại biểu Quốc hội chất vấn lãnh đạo Bộ Công Thương tại sao điện mặt trời áp mái cho nhà riêng của người dân lại không cho lắp hòa lưới, không khuyến khích triển khai khắp các nóc nhà dân của các thành phố lớn & các tỉnh…
Việc này cực kỳ dễ khi người dân chúng tôi sẵn sàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời này để giảm tải cho ngành điện, thế nhưng tại sao ngành điện không khuyến khích, không mua?", bạn đọc Thắng tiếp tục thắc mắc.
Nói thêm về trách nhiện, bạn đọc Huỳnh Văn Triêm viết: Lãng phí này thật là bức xúc. Các ngành và địa phương cứ cấp phép xây dựng điện gió, điện mặt trời một cách ồ ạt mà không xem xét cân đối với phụ tải và ưu khuyết điểm trong vận hành của nguồn năng lượng tái tạo.
Từ đó để xảy ra tình trạng dư thừa nguồn cung và gây nhiều hệ lụy như hiện nay. Trách nhiệm này cần phải được đặt ra và xử lý một cách nghiêm túc, dứt điểm để phát triển, ổn định kinh tế - xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận