10/04/2014 06:25 GMT+7

Tại sao đi ngoài có máu?

ThS.BS MAI VĂN BÔN
ThS.BS MAI VĂN BÔN

TT - Có nhiều nguyên nhân đi phân máu, tùy theo lứa tuổi. Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp theo lứa tuổi và cách xử trí:

Người trưởng thành

- Trĩ/nứt hậu môn: trĩ do phình mạch máu quanh hậu môn hoặc trực tràng, nứt hậu môn vết rách ở lớp niêm mạc hậu môn. Triệu chứng thường gặp là đau vùng trực tràng, chảy máu ít.

- Biến dạng mạch máu/bệnh túi cùng: mạch máu đại tràng phình lên, mỏng manh, dễ gây chảy và mất máu. Thường có máu tươi, ít đau bụng.

- Viêm loét dạ dày - ruột: dạ dày hoặc ruột bị kích thích quá mức. Phân đen như hắc ín, nôn ói, đau nóng rát phần bụng phía trên rốn hoặc uống thuốc kháng axit, và đau nhiều hơn khi dùng thuốc kháng viêm, giảm đau và hạ sốt.

- Viêm loét đại - trực tràng: biểu hiện là sốt nhẹ (dưới 38,5OC), đau bụng vùng dưới rốn, máu có thể lẫn trong phân, phân lượng ít, đôi lúc sụt cân.

- Giãn tĩnh mạch thực quản: phân đen như hắc ín, nôn ói, nôn ra máu...

- Ung bướu hoặc polyp đường ruột: biểu hiện máu trong phân, táo bón, sụt cân, đau bụng.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (dưới 1 tuổi)

- Nuốt máu: xảy ra khi bú mẹ (bị nứt núm vú) hoặc khi sinh. Phân sẫm màu như hắc ín.

- Bệnh xuất huyết: xuất huyết ồ ạt quá mức. Phân xanh, có máu tươi, sẫm màu hoặc đen như hắc ín.

- Xoắn hoặc lồng ruột: nguyên nhân chưa rõ, có thể do thay đổi bẩm sinh vị trí của ruột dẫn đến tắc nghẽn và gây xoắn hoặc lồng ruột. Thường nôn ói, giảm nhu động ruột, đau bụng, bé khóc thét nhiều và có thể sờ thấy khối u ở bụng.

Trẻ lớn (trên 1 tuổi)

- Nứt hậu môn hoặc polyp: do rách ở lớp niêm mạc hậu môn hoặc phát triển tế bào lành tính. Thường thấy vệt máu trong phân.

- Táo bón: máu tươi lẫn trong phân.

- Túi thừa Meckel: là túi nhỏ ở thành ruột đoạn thấp, vết tích từ dây rốn và ruột non; thường hiếm gặp và không gây đau.

- Xoắn hoặc lồng ruột: hiếm xảy ra ở tuổi này.

Giải pháp

Người lớn:

- Trĩ/nứt hậu môn: nên ăn nhiều chất xơ, trái cây, rau quả và uống nhiều nước (trên 2-3 lít nước lọc mỗi ngày). Tránh ngồi hoặc đứng quá lâu (nhiều giờ liên tục).

- Biến dạng mạch máu/bệnh túi thừa: khi phát hiện bệnh, có thể phẫu thuật nội soi.

- Viêm loét dạ dày - ruột, viêm loét đại tràng: nên tuân thủ y lệnh và lời khuyên của thầy thuốc như uống thuốc đúng và đủ liều, đủ thời gian; kiêng ăn uống những chất kích thích như tiêu, ớt, rượu bia, cà phê và không nên hút thuốc lá.

- Giãn tĩnh mạch thực quản: dùng thuốc hoặc phẫu thuật để làm xẹp chỗ giãn tĩnh mạch, ngăn ngừa vỡ tĩnh mạch.

- Ung bướu và polyp: nếu u lành tính hoặc polyp không gây xuất huyết tái phát nhiều lần thì theo dõi sau mỗi 1-3 tháng. Nếu xuất huyết nhiều, có thể can thiệp phẫu thuật cắt bỏ u và polyp. Nếu u ác tính (ung thư) xác định bằng sinh thiết, phẫu thuật cắt khối u và hóa - xạ trị sau đó.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:

- Nuốt máu mẹ: các nhân viên y tế sẽ dùng dụng cụ (ống thông dạ dày) để hút máu ra. Nếu vú mẹ bị nứt, có thể bôi núm vú bằng vaselin giúp giảm nứt và bé giảm nuốt máu trở lại. Người mẹ cần uống nhiều nước lọc, sữa và trái cây, rau quả nhiều, không nên ăn kiêng và quá mặn theo tập quán trước đây.

- Bệnh xuất huyết: thầy thuốc sẽ cho dùng vitamin K để điều trị xuất huyết não sơ sinh, tùy theo nguyên nhân xuất huyết sẽ có phương pháp điều trị đặc hiệu.

- Xoắn ruột và lồng ruột: cần can thiệp cấp cứu ngoại khoa càng sớm càng tốt để tránh biến chứng nặng và tử vong.

Trẻ lớn:

- Nứt hậu môn/táo bón/polyp: tăng nhiều chất xơ trong khẩu phần ăn hoặc chọn loại sữa chứa hàm lượng chất xơ cao. Nếu polyp nhỏ không gây xuất huyết tái phát, chỉ theo dõi, chưa cần phẫu thuật. Khi xuất huyết nhiều và polyp tăng sinh nhiều và quá lớn gây chèn ép nên can thiệp phẫu thuật.

- Túi thừa Meckel: thường phẫu thuật cắt bỏ khi phát hiện nhờ chụp X-quang, cộng hưởng từ (MRI)...

ThS.BS MAI VĂN BÔN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên