Trên đường phố Đài Bắc ngày 2-4 - Ảnh: CNA
Ngày 25-1, giữa lúc thế giới còn mơ màng về hiểm họa virus corona chủng mới đang bùng lên ở Trung Quốc, có hai đảo ghi nhận 4 ca nhiễm trên lãnh thổ của họ.
Úc và Đài Loan có dân số tương đương nhau, khoảng 24 triệu người. Cả hai đều là đảo, dễ kiểm soát người ra vào biên giới dù có quan hệ thương mại, vận tải gần gũi với Trung Quốc đại lục.
Nhưng 10 tuần sau, Úc có hơn 5.500 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi Đài Loan ghi nhận chưa tới 400 - nhà báo James Griffiths của Đài CNN nhận xét.
Câu hỏi đặt ra không phải Úc đã làm gì sai, vì suy cho cùng có đến 20 quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 hơn Úc (trong đó 7 nước nhiều hơn 10 lần), mà vấn đề là làm cách nào Đài Loan - không được là thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - lại kiểm soát dịch bệnh tốt như vậy trong khi châu Âu, Mỹ... lại chật vật?
Trong trận dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) năm 2003, Đài Loan là một trong những vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng nặng, cùng với Hong Kong và miền nam Trung Quốc. Khi đó hơn 150.000 người ở Đài Loan phải cách ly, 181 người tử vong.
Tuy SARS không là gì so với cuộc khủng hoảng hiện tại, dư chấn của nó vẫn hằn sâu trong tâm trí người dân một số khu vực châu Á, trong đó có Đài Loan. Đây là một phần lý do các quốc gia, vùng lãnh thổ này phản ứng trước COVID-19 nhanh và nghiêm túc hơn phần còn lại của thế giới.
Trên cả cấp độ chính phủ và xã hội, các biện pháp ngăn dịch nhanh chóng được triển khai và chấp nhận rộng rãi, ví dụ như kiểm soát biên giới, cách ly, khoanh vùng...
Ở nhiều nơi, thói quen đeo khẩu trang chống virus đã bắt đầu từ tận tháng 1, chứ không phải chờ đến khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bắt đầu khuyến cáo.
Lao động nhập cư ở Đài Loan được hướng dẫn về phòng dịch - Ảnh: TAIWAN NEWS
Theo tạp chí JAMA của Hiệp hội Y khoa Mỹ, hệ thống y tế của Đài Loan vốn đã thuộc hàng tốt nhất thế giới, họ lại còn nhanh. Ngay khi tin tức về virus corona bùng lên ở Vũ Hán trước Tết âm lịch, Trung tâm Chỉ huy y tế Đài Loan (NHCC) đã lập tức phản ứng trước nguy cơ.
"Đài Loan tung ra một loạt ít nhất 124 biện pháp trong 5 tuần gần đây để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Các chính sách và hành động không chỉ giới hạn ở kiểm soát biên giới, vì họ biết như vậy vẫn chưa đủ", giáo sư - bác sĩ Jason Wang thuộc trường Stanford Medicine (Mỹ) mô tả.
Một số biện pháp dứt khoát được áp dụng sớm ở Đài Loan là cấm người đến từ Trung Quốc nhập cảnh, không cho du thuyền cập bến, phạt nghiêm khắc người vi phạm lệnh cách ly tại nhà...
Bên cạnh đó, chính quyền Đài Loan đẩy mạnh sản xuất khẩu trang y tế trong nước, tiến hành xét nghiệm trên diện rộng, bao gồm cả những người trước đó bị viêm phổi không xác định được nguyên nhân. Hành vi tung tin giả về dịch bệnh cũng bị trừng phạt.
Tất cả diễn ra chóng vánh giữa lúc các quốc gia khác còn tranh cãi nên làm gì. Trong một báo cáo công bố hồi tháng 1-2020, Đại học John Hopkins (Mỹ) đánh giá Đài Loan gặp nguy cơ lớn vì nằm gần và qua lại nhiều với Trung Quốc đại lục.
Nhưng cũng nhờ phản ứng nhanh, dứt khoát và minh bạch, hòn đảo tránh được kịch bản phải phong tỏa mọi hoạt động trên diện rộng giống Trung Quốc và nhiều nước khác.
Những ngày qua, cuộc khủng hoảng trầm trọng ở Mỹ, châu Âu phần nào che mờ đi thành công chống dịch của một số nơi như Đài Loan. Tuy nhiên, Âu - Mỹ dù có muốn áp dụng những bài học đó chỉ e là đã trễ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận