22/11/2013 06:00 GMT+7

Tại sao con tôi thích đi học?

TUYẾT NHUNG
TUYẾT NHUNG

TT - Giờ tôi mới hiểu được vì sao mỗi buổi sáng lúc 6g30 sáng dù ngoài trời còn tối, thời tiết lạnh cóng nhưng khi được tôi gọi đi học là con gái tôi bật dậy ngay.

WS0F78Zx.jpgPhóng to
Những vật dụng bỏ đi như thùng cactông, chai nước suối, lõi giấy vệ sinh, báo cũ... được học sinh mang từ nhà đến góp vào làm dụng cụ học tập - Ảnh: Quốc Vinh

Bé gái nhà tôi lên 5 tuổi và bắt đầu đi học mẫu giáo tại Trường Roscoe Wilson - một trường điểm (magnet school) của thành phố Lubbock (Texas, Hoa Kỳ). Ngày họp phụ huynh, giáo viên đề cập đến việc ngoài chương trình học chuẩn của cấp I bao gồm cả mẫu giáo (kindergarten) thì trường có áp dụng thêm chương trình IB theo tiêu chuẩn quốc tế. Lục lọi tìm hiểu qua trang web của Tổ chức IB được biết rằng “The International Baccalaureate® (IB) được thành lập tại Geneva (Thụy Sĩ) năm 1968. Khởi nguồn là chương trình duy nhất cho sinh viên quốc tế chuẩn bị việc hòa nhập vào các trường đại học, ngày nay đã phát triển thành bốn chương trình gồm tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và chương trình dạy nghề”.

“Theo em đó là...” thay cho “Dạ thưa cô/thầy”

Được thành lập vào năm 1968, Chương trình giáo dục IB hiện đang hợp tác với 3.662 trường ở 146 quốc gia trên thế giới để phát triển và cung cấp bốn chương trình đào tạo đến hơn 1.132.000 học sinh lứa tuổi từ 3-19.

Con gái tôi bắt đầu bước vào nấc thang đầu tiên của chương trình IB với việc thực hiện các chủ đề sau: mối quan hệ (Who we are - Relationships), cộng đồng (How we organize ourselves - Communities), giao lưu văn hóa (How we express ourselves - Cultural diversity), lãnh đạo (Where we are in place and time - Leader), vòng đời (How the world works - Cycles) và ba yếu tố bảo vệ môi trường (Sharing the planet - reduce, reuse, recycle).

Được sự đồng ý của giáo viên, tôi được ngồi dự giờ từ 12g30-13g30 (sau giờ ăn trưa học sinh sẽ học tiếp đến khoảng 14g mới ngủ trưa và học thể dục đến 15g15). Trong lớp chỉ có 20 học sinh ngồi trước bảng thông minh và giơ tay phát biểu trả lời câu hỏi của giáo viên: “Theo bạn, những công việc gì được gọi là có tính tập thể, cộng đồng?”. Chiếc bảng đen truyền thống được thay bằng bảng thông minh nối với máy vi tính hoặc bấm trực tiếp trên màn hình, những dãy bàn thẳng tắp cùng các cháu đặt tay lên bàn ngay ngắn được thay bằng một tập thể đủ màu da ngồi cạnh nhau đối diện với bảng. Không có những câu nói trọ trẹ sợ sai “Dạ thưa cô/thầy...” mà là những ngôn từ đầy đĩnh đạc: “Theo em đó là...”. Những điều đó khiến tôi bất ngờ ban đầu cho dù đã chuẩn bị tinh thần trước bằng cách xem qua các lớp học mẫu giáo trên mạng YouTube.

Sau đó cả lớp được chia thành bốn nhóm ngồi vòng tròn xung quanh một chiếc bàn lớn mang bốn màu sắc đặc trưng. Giáo viên đưa ra khái niệm “Cộng đồng là gì?” và các học sinh tiếp tục giơ tay phát biểu ý kiến của mình mà giáo viên không đánh giá đúng - sai. Giáo viên yêu cầu các đội trưởng của nhóm đến lấy các vật dụng được cung cấp để tự xây dựng cho nhóm mình một hình ảnh diễn tả khái niệm đó. Đây là những vật dụng lấy từ vật dụng bỏ đi như thùng cactông, chai nước suối, lon kẽm, lõi giấy vệ sinh, báo cũ... được chính học sinh mang từ nhà đến góp vào.

Sau khi giáo viên thiết lập thời gian đếm ngược là 20 phút và cho phép học sinh bắt đầu thực hiện, các nhóm thoải mái làm theo ý thích của mình. Một số nhóm chọn phương án mỗi người tự làm riêng phần mình rồi ráp lại. Có nhóm trưởng điều hành, phân công thành viên của nhóm làm theo chủ đề. Đây là việc tạo cơ hội cho học sinh khám phá, khơi gợi tính tò mò về sự vật xung quanh mình và kết nối với thực tế.

“Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”

Các nhóm thực hiện ý đồ của mình bằng cách cắt xén giấy, tô màu, đục lỗ, dán keo... để tạo ra một “cộng đồng” theo đúng như trí tưởng tượng của mình. Khi được tôi phỏng vấn, các nhóm trả lời về việc mình đang thực hiện xây dựng một nhà thờ, một bệnh viện, một ngôi nhà và một nhà máy. Như vậy các nhóm không chỉ đang làm việc chân tay mà còn đang sử dụng trí tuệ để thể hiện khả năng phân tích vấn đề. Và khi sản phẩm được hoàn thành, các nhóm được tìm chỗ để trưng bày cho cả lớp xem và giáo viên chụp ảnh.

Được biết trong tiết học tiếp theo, giáo viên sẽ giảng tiếp về “cộng đồng”, đồng thời để đánh giá sự hiểu biết của học sinh về khái niệm, giáo viên sẽ cho học sinh sử dụng website có những công nhân đang làm việc. Học sinh sẽ có cơ hội thay đổi khái niệm cũng như chỉnh sửa sản phẩm của nhóm sau khi tương tác với website. Rồi giáo viên chụp ảnh ghi lại lần hai để so sánh những sản phẩm trước và sau của các nhóm để đánh giá kết quả.

Trao đổi với giáo viên, tôi được chia sẻ thêm về việc ý tưởng trọng tâm của buổi học là nhấn mạnh ý “Cộng đồng giúp đỡ mọi người đạt được nhu cầu và mong muốn của họ”, học sinh sẽ có được sự khám phá và kiến thức về cụm từ này, đồng thời rèn luyện cho học sinh những thái độ như biết cảm thông, có tính tự lập và hợp tác.

Chỉ cần một giờ dự giờ “vật lộn” cùng cả lớp, với tôi đó thật sự là thách thức cho những cô cậu chỉ mới 5 tuổi về một khái niệm mới, nhưng cách giảng dạy đã giúp các bé học nhanh hơn, dễ hơn và không bị nhàm chán. Giờ tôi mới hiểu được vì sao mỗi buổi sáng lúc 6g30 dù ngoài trời còn tối, thời tiết lạnh cóng nhưng khi tôi gọi đi học là con gái tôi bật dậy ngay. Tôi chợt nhớ đến bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”. Có lẽ con gái mình mỗi ngày đều được chọn một niềm vui do chính chương trình giảng dạy ở lớp mang lại cho cháu...

TUYẾT NHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên