Chứng sợ bóng tối khá phổ biến, đặc biệt ở trẻ em - Ảnh: GETTY
Theo Martin Antony, giáo sư tâm lý học tại Đại học Toronto (Canada), nỗi sợ bóng tối xuất hiện một cách rất tự nhiên trong suy nghĩ của chúng ta, giống như thể đã được lập trình sẵn. Những nỗi sợ như sợ độ cao, nhện, rắn và bóng tối bắt nguồn từ những gì có thể gây nguy hiểm cho tổ tiên của chúng ta.
Không giống các loài khác, con người phụ thuộc rất lớn vào thị giác để tồn tại. Trong bóng tối, thị giác của chúng ta cũng không còn tác dụng và chúng ta không thể phát hiện ai hoặc những gì xung quanh mình.
Nếu có những con thú săn mồi hoặc mối nguy hiểm ẩn trong bóng tối, con người có thể không thể nhìn thấy và phát hiện chúng.
Trải qua quá trình tiến hóa và thông qua chọn lọc tự nhiên, con người dần "ghi nhớ" những nỗi sợ này.
Đó không phải vấn đề tâm lý mà trở thành một đặc tính được hình thành trong quá trình sinh tồn, một quy tắc cần phải ghi nhớ để tồn tại: bóng tối tạo điều kiện thuận lợi cho những kẻ săn mồi rình rập, vì vậy cần phải tránh nó.
Tuy nhiên, sợ bóng tối cũng có thể là kết quả của một số sự kiện trong cuộc sống.
Một số người lớn có thể sợ bóng tối do trải nghiệm tiêu cực mà họ đã có vào ban đêm. Chẳng hạn như một vụ cướp, tấn công, một bộ phim kinh dị diễn ra vào ban đêm. Sau khi trải qua sự cố, nhiều người nảy sinh rối loạn căng thẳng và dần trở nên sợ bóng tối.
Về cơ bản thì sợ bóng tối là một điều tự nhiên. Chúng ta sẽ tự giảm bớt nỗi sợ khi lớn hơn hoặc áp dụng một số biện pháp tâm lý để giảm bớt tình trạng này.
Khi nào cần can thiệp y tế?
Cha mẹ cần theo dõi nỗi sợ hãi của con mình và để ý xem nó có ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường hoặc sức khỏe của trẻ hay không. Khi một nỗi sợ hãi cản trở cuộc sống hằng ngày, ảnh hưởng đến các mối quan hệ, học tập và sinh hoạt chung thì rất có thể có nhiều nguyên nhân hơn những nguyên nhân đã nêu trên.
Nếu nỗi lo lắng ở trong bóng tối không thể kiểm soát được trong sáu tháng trở lên, cần xem xét các lựa chọn điều trị như thư giãn, thiền định để giảm các triệu chứng lo âu hoặc liên hệ với bác sĩ hoặc nhà tâm lý học để thảo luận về các phương pháp điều trị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận