26/07/2016 11:55 GMT+7

​Tại sao chúng ta kiệt sức?

LAN CHI (THEO BBC)
LAN CHI (THEO BBC)

TTO - Ngày càng nhiều người lâm vào tình trạng kiệt sức. Đó là hậu quả của cuộc sống hiện đại, sự kiệt quệ về thể xác và tinh thần là một vấn đề nghiêm trọng đã tồn tại từ lâu.

Theo Hãng tin BBC, vài năm trước Anna Katharina Schaffner trở thành nạn nhân của “đại dịch” kiệt sức.

Chán nản, mệt mỏi và kiệt sức vì công việc

Tất cả bắt đầu từ một sự trì trệ về tâm lý và thể chất. “Một cảm giác nặng nề” - cô mô tả. Ngay cả những công việc nhẹ nhàng nhất cũng khiến cô cảm thấy mệt mỏi, kiệt quệ. Tập trung vào công việc ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Cuộc sống hiện đại khiến nhiều người mệt mỏi. Ảnh: BBC

 

Kể cả khi cố tìm cách thư giãn, cô vẫn liên tục kiểm tra hộp thư điện tử liên tục hàng giờ, cứ như thể ở đó cô sẽ tìm thấy sự giải thoát. Ngoài sự mệt mỏi, cô còn cảm thấy “vỡ mộng và tuyệt vọng”. Nhưng không chỉ mình Anna Katharina Schaffner cảm thấy nhưng thế.

Rất nhiều người đã từng trải qua tình trạng đó, từ Giáo hoàng Benedict XVI cho đến nữ danh ca Mariah Carey. Nếu chúng ta tin vào giới truyền thông, thì đó là căn bệnh của thời hiện đại. Cứ mỗi khi mở TV, Schaffner lại thấy một cuộc tranh luận về những gì chúng ta phải đối mặt trong nền văn hóa hiện đại 24/7.

“Tất cả các nhà bình luận đều nói rằng thời đại này là tồi tệ nhất từ trước đến nay. Đó là thảm họa đối với sức khỏe của chúng ta”  - Schaffner nói.

Nhưng điều đó có đúng không? Hay giai đoạn kiệt quệ, mệt mỏi là một phần không thể tránh khỏi trong cuộc sống con người, cũng giống như cảm cúm?

Nhiều người cho rằng kiệt sức chẳng qua chỉ là trầm cảm. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: REUTERS

 

Là một nhà phê bình văn học và sử gia y tế tại ĐH Kent ở Anh, Schaffner quyết định điều tra. Kết quả là cuốn sách “Lịch sử của sự kiệt quệ”, một công trình nghiên cứu đầy hấp dẫn về cách các bác sĩ và triết gia thấu hiểu giới hạn của bộ não, cơ thể và năng lượng của con người.

Rõ ràng tình trạng kiệt quệ là vấn đề nghiêm trọng hiện nay. Nghiên cứu của các bác sĩ Đức cho thấy gần 50% bác sĩ nước này bị kiệt sức. Họ cảm thấy mệt mỏi hàng giờ, và ngay cả việc thức dậy vào buổi sáng để đi làm cũng khiến họ chán nản.

Nam giới và phụ nữ đối phó với tình trạng kiệt quệ theo những cách khác nhau. Một nghiên cứu gần đây ở Phần Lan cho thấy lao động nam bị kiệt sức thường xin nghỉ bệnh nhiều hơn phụ nữ.

Bệnh trầm cảm cũng dẫn tới tình trạng mệt mỏi và chán chường. Do đó có nhiều người cho rằng kiệt sức chẳng qua chỉ là trầm cảm. Trong cuốn sách của mình, cô Schaffner dẫn một bài báo ở Đức  mô tả sự kiệt quệ “chỉ là phiên bản hạng sang của bệnh trầm cảm ở những người thành công”.

“Chỉ có những kẻ thất bại mới trở nên trầm cảm. Kiệt quệ là căn bệnh của những người chiến thắng, hay nói đúng hơn là của những người đã từng chiến thắng” - bài báo viết.

Trầm cảm dẫn đến căm ghét bản thân

Tuy nhiên nghiên cứu cho thấy hai triệu chứng này rất khác biệt nhau. “Các nhà nghiên cứu xác định bệnh trầm cảm thường dẫn tới mất sự tự tin, thậm chí căm ghét bản thân. Còn những người bị kiệt sức vẫn giữ được niềm tin đối với bản thân” - cô Schaffner giải thích.

“Khi bạn giận dữ trong lúc kiệt quệ, cơn giận đó không nhắm vào bản thân bạn, mà nhắm vào tổ chức nơi bạn làm việc, hay khách hàng của bạn, hay vào cả hệ thống kinh tế - chính trị”. Cũng không nên nhầm lẫn giữa kiệt quệ với triệu chứng mệt mỏi kinh niên (CFS), gây tình trạng mệt mỏi về thể chất và tinh thần trong ít nhất sáu tháng. Với triệu chứng này, nhiều bệnh nhân than phiền là bị đau dù chỉ vận động nhẹ.

Theo một lập luận, bộ não của chúng ta không đủ tiến hóa để thích ứng với môi trường làm việc hiện đại. Yêu cầu về năng suất ngày càng lớn và nhu cầu chứng tỏ bản thân khiến nhiều người lao động rơi vào tình trạng “phải chiến đấu hoặc từ bỏ”. Tình trạng này dẫn đến sự giận dữ.

Nhưng nếu chúng ta đối mặt với sức ép hàng ngày, cơ thể chúng ta sẽ sản sinh ra hormone stress. Đó là đòn tấn công mà cơ thể chúng ta rất khó khăn trong việc đối chọi lại.

Tuy nhiên, đối với nhiều người áp lực không dừng lại ở công việc. Cuộc sống ở các thành phố luôn sôi động và nền văn hóa 24/7 có thể khiến bất cứ ai cũng cảm thấy khó có thể thoải mái nghỉ ngơi. Khi không có thời gian để nạp năng lượng cho bộ não và cơ thể, “nguồn năng lượng” của chúng ta sẽ bị suy giảm nhanh chóng.

Công nghệ trở thành yếu tố gây stress

Đó chỉ là lý thuyết. Khi nghiên cứu lịch sử văn học, Schaffner phát hiện ra rằng nhiều người bị kiệt quệ từ trước khi môi trường làm việc hiện đại xuất hiện. Một trong những cuộc thảo luận đầu tiên về sự kiệt quệ được thầy thuốc thời La Mã Galen mô tả lại.

Giống như Hippocrates, ông tin rằng sự kiệt sức về thể chất và tinh thần xuất phát từ tình trạng cân bằng giữa bốn yếu tố: máu, mật vàng, mật đen và đờm. Ông cho rằng khi mật đen gia tăng sẽ làm chậm lại quá trình tuần hoàn của cơ thể, chặn mạch máu não, dẫn tới sự kiệt quệ và cảm giác chán chường.

Khi đạo Thiên Chúa phát triển tại phương Tây, sự kiệt quệ bị xem là dấu hiệu của sự yếu đuối về tâm linh. Những lý giải tôn giáo tiếp tục chiếm ưu thế cho đến khi y tế hiện đại ra đời. Các bác sĩ bắt đầu chẩn đoán triệu chứng của sự mệt mỏi là “suy nhược thần kinh”. Họ tin rằng những người có thần kinh yếu sẽ cạn kiệt năng lượng giống như một dây điện hở.

Nhiều bậc trí giả như Oscar Wilde, Charles Darwin, Thomas Mann hay Virginia Woolf đều bị chuẩn đoán là mắc chứng suy nhược thần kinh. Các bác sĩ cho rằng nguyên nhân là do những thay đổi của xã hội trong thời kỳ cách mạng công nghiệp.

Chơi thể thao giúp cải thiện những khó khăn về thể chất và tâm lý. Ảnh: REUTERS

 

Hiện tại, giới y học nhiều quốc gia không còn chẩn đoán chứng suy nhược thần kinh nữa. Tuy nhiên các bác sĩ ở Trung Quốc và Nhật vẫn thường xuyên sử dụng cụm từ này như một cách gọi khác của bệnh trầm cảm.

Rõ ràng là trong quá khứ, cũng có rất nhiều người bị kiệt quệ giống như con người hiện đại. Điều đó cho thấy sự kiệt quệ là một phần của cuộc sống con người. “Sự kiệt quệ luôn xuất hiện bên cạnh chúng ta. Điều thay đổi là những nguyên nhân và tác động của nó” – cô Schaffner nhấn mạnh.

Schaffner không phủ nhận áp lực của cuộc sống hiện đại. Ngày nay có quá nhiều người làm việc quá sức. Schaffner cho rằng thư điện tử và mạng xã hội đang bòn rút nguồn năng lượng dự trữ của cơ thể. “Công nghệ đang trở thành yếu tố gây stress” – cô nói. Quả thật ngày nay vì những tiến bộ công nghệ, dù rời công sở chúng ta vẫn phải làm việc. 

Không dễ chữa trị tình trạng kiệt sức

“Bạn phải biết nguyên nhân nào khiến mình mất năng lượng thì mới có thể tìm cách phục hồi” – Schaffner khẳng định. Một số người chơi thể thao, số khác đọc sách. Điều quan trọng là cần xác định rõ ranh giới giữa công việc và sự nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, không có cách chữa trị dễ dàng và hiệu quả đối với tình trạng kiệt quệ. Trong quá khứ, các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân nghỉ ngơi, nhưng sự buồn chán sẽ càng khiến tình trạng chán nản gia tăn. Ngày nay, người bị kiệt quệ có thể được điều trị liệu pháp tâm lý để tự kiểm soát được tình trạng tâm lý của mình và tìm cách lấy lại nguồn năng lượng.

 

LAN CHI (THEO BBC)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên