29/05/2018 09:48 GMT+7

Tại sao chỉ học sinh giỏi mới có quà 1-6?

HÀN TRỌNG QUANG HƯNG
HÀN TRỌNG QUANG HƯNG

TTO - Cứ mỗi dịp Tết thiếu nhi, ở các tổ dân phố, các đơn vị, cơ quan, công ty... lại nghe người ta hỏi nhau: 'Con anh/chị có giấy khen không?'. Họ hỏi là để trao quà 1-6 cho trẻ.

Tại sao chỉ học sinh giỏi mới có quà 1-6? - Ảnh 1.

Ngay thời điểm này, cứ nghĩ mà xem có đáng hay không khi chỉ những đứa trẻ đạt mới có phần thưởng? 

Tại sao mỗi dịp Tết thiếu nhi, ở các tổ dân phố, các đơn vị, cơ quan, công ty, những câu hỏi "Con anh có giấy khen không?", "Con chị có đạt học sinh giỏi không?" đã trở thành trào lưu? 

Họ hỏi là để trao quà 1-6 cho trẻ. Vậy là với những đứa trẻ không có thành tích, không giỏi nên "ế ẩm" thì chúng có lỗi gì hay lỗi ở tư duy của người lớn?

Một năm học nặng nề vừa trôi qua nhưng sao có vẻ rất ít người hỏi về việc "Con cảm thấy thế nào sau một năm học?" hay "Năm học vừa qua con có kỷ niệm gì không?". 

Thay vào đó, quá quen với những câu hỏi kiểu: "Năm nay cháu có được học sinh giỏi không?" hay "Cháu xếp thứ mấy trong lớp?"... Liệu đứa trẻ sẽ trả lời ra sao khi bản thân không là học sinh giỏi? Liệu đứa trẻ có vui được hay không khi xếp gần cuối lớp?

Tôi nghĩ đối với một đứa trẻ, đối mặt với những buổi học thêm, với những cuộc đua trên lớp đã đủ áp lực. Nhưng đó chưa là gì khi phải đối mặt với các buổi tổng kết năm học, với cha mẹ, với những lời hỏi thăm về thành tích. Thế nên phụ huynh ơi, đừng hỏi trẻ về kết quả học tập nữa!

Hôm qua, chị họ tôi buồn bã nói: "Lớp cháu có tám bạn là học sinh giỏi và chín bạn là học sinh tiên tiến. Cháu lại không được nằm trong nhóm đó". Chao ôi, đứa cháu "mặt còn búng ra sữa" của tôi đã biết cảm thấy chán nản, đã phải trải qua cảm xúc thất bại trong lớp học.

Chuyện khác, một anh đồng nghiệp kể về cô con gái "về nhì" của lớp dù không học thêm. Anh cảm thấy đã đúng khi cho con được là chính mình. Bởi anh biết trong lớp các bạn học thêm suốt ngày, có khi 10h, 11h đêm mới về. 

Còn con anh "nói không với học thêm", mỗi tối chỉ dùng từ 1-2 tiếng để làm bài tập. Con anh vẫn có thời gian giúp mẹ lau bàn, rửa bát, gấp quần áo, đọc truyện và xem tivi cùng ba mẹ.

Anh còn chia sẻ trên Facebook sẽ hủy kết bạn với người nào khoe bảng điểm của con. Anh khẳng định: "Nếu chúng ta luôn nói về điểm số, về học sinh giỏi, chắc chắn đứa trẻ đến trường là học cho mẹ cha chứ không phải vì mình. 

Thời nay vẫn còn nhiều phụ huynh đánh đổi thời gian, niềm vui của con để lấy về thành tích rồi đăng bảng điểm của con lên Facebook là làm khổ trẻ và phụ huynh đang làm khổ nhau".

Lời nói của anh đồng nghiệp khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Phải chăng chính người lớn đang ngấm ngầm tiếp tay cho tư tưởng giáo dục lệch lạc mang tên điểm số? 

Khi vẫn còn quá coi trọng bảng điểm, cải tiến giáo dục cũng dễ thành "cải lùi". Đến bao giờ trẻ mới được học như một niềm vui?

"May không bị điểm thấp, nếu không con nhừ xương với bố"

TTO - Chúng ta hẳn không xa lạ gì khi trong những lần gặp gỡ của phụ huynh, câu hỏi cửa miệng luôn là: Con anh/chị học trường nào? Con bé/thằng bé đạt học sinh gì?...

HÀN TRỌNG QUANG HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên