Lý do giải thưởng mọc như "nấm sau mưa" thì mọi người đều biết, đó là lợi nhuận khủng! Đây cũng chính là điều khiến các sự kiện này mất dần uy tín.
Những người thạo tin showbiz cho rằng tất cả những thần tượng tham gia biểu diễn tại các sự kiện như vậy đều miễn phí để đổi lấy việc nhận giải thưởng và được "vinh danh".
Không giống như các loại sự kiện khác, các nhà tổ chức không phải bỏ ra bất kỳ loại phí nào ngoài vé máy bay cho khách mời.
Một khi các ngôi sao xuất hiện, nhà tổ chức sự kiện có thể dễ dàng thu hút người hâm mộ K-pop, những người thậm chí sẽ trả tiền cho quyền bình chọn cho các ca sĩ yêu thích của họ trong cuộc thi, và các nhà tài trợ, những người có thể tận dụng sự chú ý của họ trên các phương tiện truyền thông.
Tuy nhiên, khủng hoảng thừa các giải thưởng văn hóa - giải trí tại Hàn Quốc đã tạo nên vô số vấn đề.
Giải thưởng mất dần uy tín
"Với sự xuất hiện của một số giải thưởng mà tôi gọi là giải thưởng không đủ tiêu chuẩn, mọi người đã nghĩ rằng giải thưởng âm nhạc ở Hàn Quốc không có uy tín” - Kim Jin-woo, nhà nghiên cứu trưởng tại Gaon Chart - một trong những bảng xếp hạng album/phát trực tuyến đáng tin cậy nhất của Hàn Quốc, chia sẻ trên The Korea Times.
Kim cũng là một trong những giám khảo của Gaon Chart Music Awards và MAMAs năm nay.
"Nhiều giải thưởng những ngày này đã thất bại trong việc giành được sự tôn trọng của công chúng. Một số giải thưởng thậm chí không tiết lộ ban giám khảo hoặc phản ánh ý kiến chủ quan của họ một cách thái quá trong khi số còn lại thì che giấu tiêu chí đánh giá.
Do đó, ngay cả những giải thưởng đánh giá các ứng cử viên dựa trên dữ liệu khách quan cũng được cho là thiếu uy tín" - nhà phê bình Han Dong-yoon, một nhà văn và là "cây bút" cộng tác của tạp chí âm nhạc IZM - nhận định.
"Tên và kết quả bỏ phiếu của các giám khảo nên được tiết lộ minh bạch, và sẽ không có gì để tranh cãi", ông nói thêm.
"Một vấn đề lớn khác là "cho đi vì lợi ích của việc cho đi". Ban tổ chức đã bổ sung rất nhiều hạng mục dự phòng để trao giải thưởng cho càng nhiều ngôi sao càng tốt (như một điều kiện để đưa họ đến các sự kiện) và tránh sự phàn nàn của người hâm mộ. Nhưng điều này đã làm xấu đi hình ảnh của họ" - Han chỉ ra.
Ông cũng thẳng thắn cho biết: "Nhiều nhà tổ chức giải thưởng chỉ đơn thuần là lợi dụng các thần tượng Kpop nổi tiếng vì lợi ích riêng của họ. Bây giờ nó giống như một nhiệm vụ cho các nhóm nhạc tham gia vào các giải thưởng mặc dù lịch trình bận rộn của họ, bởi vì họ có thể phải đối mặt với những bất lợi trong tương lai nếu họ bỏ qua các sự kiện".
Công bằng và đa dạng âm nhạc là cần thiết
Dù dần mất uy tín, các chuyên gia dự đoán số lượng các sự kiện như vậy sẽ tiếp tục tăng vì không có lý do gì để các nhà tổ chức từ bỏ một nguồn doanh thu lớn như vậy.
"Ban tổ chức cần đưa ra các tiêu chí đánh giá phù hợp hơn để cân nhắc cả dữ liệu định lượng và định tính", ông Kim Jin-woo nói.
"Tính đến thời điểm hiện tại, các giải thưởng chủ yếu mời các nghệ sĩ Kpop nổi tiếng đang tạo nên tiếng vang ở thị trường quốc tế. Các ca sĩ Hàn Quốc của các thể loại khác như indie và rock bị bỏ qua mặc dù sức ảnh hưởng âm nhạc của họ không hề nhỏ.
Vì vậy để bảo toàn tính đa dạng trong nghệ thuật, các nhà tổ chức cần phải công nhận các nhạc sĩ tài năng trong tất cả các lĩnh vực" - ông Han bổ sung thêm.
Thực tế, các nhà tổ chức giải thưởng âm nhạc quốc tế của Hàn Quốc rất biết cách làm ăn bằng việc mở rộng các hạng mục trao giải cho những thị trường lân cận.
Trong đó, Việt Nam là một trong những "cái tên mới nổi" trong những năm gần đây khi liên tục có các nghệ sĩ biểu diễn được trao giải dù rằng các nghệ sĩ đó bị công chúng Việt Nam đánh giá thấp về thực lực, giọng hát.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận