Chúng ta đều biết đa phần các cao thủ trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung đều thất nghiệp. Họ suốt ngày lo chuyện đánh nhau, bôn tẩu giang hồ. Đã thế, còn mất kha khá thời gian tu luyện võ công để đấu với các cao thủ khác. Vậy thì thời gian đâu mà đi làm kiếm tiền.
Ngoại trừ Cái Bang có nghề nghiệp ổn định là xin ăn, Thiếu Lâm được lão bá tánh làm công quả quyên góp, gần như các cao thủ khác đều không có nghề nghiệp ổn định.
Tuy nhiên, nếu suy xét kỹ, chúng ta có thể thấy Kim Dung có cái lý của mình khi xây dựng thế giới võ hiệp.
Sau đây xin đưa ra một số giả thiết và phân tích cho mệnh đề: “Tại sao các đại hiệp võ lâm không đi làm vẫn có tiền xài?”
Thứ nhất, có bố mẹ (hoặc bố mẹ vợ) giàu
Đã là cao thủ trên giang hồ, ắt hẳn phải có sư phụ đẳng cấp chỉ dạy. Hoặc không, cũng là người có thân thế bất phàm. Một số cao thủ dùng võ công của mình để đi bảo tiêu, hay nói nôm na là làm bảo vệ.
Tiêu biểu như Lâm Bình Chi trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, gã vốn là đại thiếu gia của Phúc Uy Tiêu Cục ở Phúc Kiến. Nhà gã chẳng gì ngoài điều kiện, bởi có giai đoạn bố mẹ kiếm rất khá.
Đoàn Dự lại là một trường hợp khác. Anh này xuất thân hoàng tộc nên không cần bàn về độ giàu có.
Lệnh Hồ Xung là trường hợp khá đặc biệt khi nghiện rượu thuộc dạng nặng. Ban đầu anh được vợ chồng Nhạc Bất Quần (chưởng môn phái Hoa Sơn khi đó) đem về nuôi.
Nhưng Lệnh Hồ Xung lại ham uống rượu, đã thế còn hay đánh bạc, tính tình phóng khoáng,… Thế thì tiền đâu ra mà Lệnh Hồ Xung tiêu như phá? Xét về danh nghĩa, Lệnh Hồ Xung chỉ là đệ tử của họ Nhạc mà thôi, dễ gì mà cấp tiền tiêu?
Chắc có lẽ là vì mối quan hệ của Lệnh Hồ Xung với Nhạc Linh San, nên Nhạc Bất Quần với Ninh Trung Tắc mới miễn cưỡng chu cấp tiền cho ông con rể tương lai này.
Sau khi Nhạc Linh San chết, Lệnh Hồ Xung cặp với Nhậm Doanh Doanh, người là con của Nhậm Ngã Hành - giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo. Nhờ bố mẹ vợ giàu có như thế, nên Lệnh Hồ công tử mới tha hồ mà đi nhậu nhẹt khắp nơi dù chẳng thấy làm nghề gì.
Thứ hai, làm nghề bảo kê, thu tiền góp
Vì nghề nghiệp này khá hạ đẳng với các cao thủ võ lâm nên Kim Dung ít đề cập đến. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể thấy một số bang phái nho nhỏ như Cự Kình bang hay Hải Sa bang sống chủ yếu bằng nghề bảo kê, thu tiền chợ.
Thiết Chưởng bang lúc đầu toàn hành hiệp trượng nghĩa, nhưng đến đời Cừu Thiên Nhận lại sa đọa. Cá biệt Cừu Thiên Nhận còn đi bắt cóc con Anh Cô, mục đích là để suy giảm nội công của Nam Đế Đoàn Trí Hưng. Tuy nhiên, nhiều khán giả lại cho rằng có lẽ họ Cừu đã quen với thủ đoạn bắt cóc tống tiền chăng?
Một số bang khác thì làm nghề bảo tiêu. Cái này đã nói ở trước.
Vào biên chế nhà nước
Quách Tĩnh giai đoạn đầu thì đúng là nghèo khó, toàn ăn nhờ mấy vị sư phụ (Giang Nam Thất Quái, Hồng Thất Công,…), sau này thì nhờ cả vào tiền của Hoàng Dung (con của chúa đảo Hoàng Dược Sư) cơ mà.
Nhưng sau này lập gia đình có con rồi, đâu thể ăn bám mãi. Quách Tĩnh sau này xin chân làm nhà nước, thành tướng trấn thủ thành Tương Dương. Trước đó, Quách Tĩnh cũng có thời gian làm quan chức cho chính quyền Thành Cát Tư Hãn (Mông Cổ).
Ngoài Quách Tĩnh, một số cao thủ khác như Kim Luân Pháp Vương cũng đăng ký làm quốc sư, phụ việc cho vua nên cũng kiếm khá.
Đó là với các cao thủ võ công cao. Với các cao thủ có trình độ thấp hơn thì họ có thể kiếm tiền qua việc săn tội phạm truy nã, bắt được một tên tội phạm hưởng trăm lạng bạc chẳng hạn. Vừa có tiền, lại vừa có tiếng và được thi triển võ công.
Dạy võ hoặc nhờ đệ tử quyên góp
Mấy phái như Võ Đang hay Toàn Chân Giáo kiếm khá nhờ việc thu nạp đệ tử dạy võ. Thiếu Lâm hay Minh Giáo thì có của cải nhờ đệ tử quyên góp.
Tất nhiên, cũng còn một số nhân vật bí ẩn như Giang Nam Thất Quái, các đệ tử Tiêu Dao, Mai Siêu Phong,… đây là các nhân vật không nằm ở đâu trong các thể loại kể trên. Họ kiếm đâu ra tiền? Ngay bản thân người viết cũng thấy thắc mắc vì Kim Dung không nói rõ.
Tuy nhiên, với võ công của mình Giang Nam Thất Quái có thể kiếm tiền từ việc bảo tiêu hay tróc nã tội phạm.
Đệ tử Tiêu Dao với Bắc Minh Thần Công và Lăng Ba Vi Bộ có thể dùng nó để bảo tiêu. Trong Thiên Long Bát Bộ, đệ tử Tiêu Dao còn là những bậc thầy trong các nghề thủ công, nghệ thuật. Họ có thể làm đồ thủ công mỹ nghệ, đi thuyết trình, vẽ tranh hay đánh đàn để kiếm sống như Cẩu Độc, Ngô Lãnh Quân hay Khang Quảng Lăng.
Mai Siêu Phong thì chắc không có xài tiền bao nhiêu, vì tu luyện võ công như Cửu Âm Chân Kinh thì không cần ăn uống bình thường lắm. Với độ tàn nhẫn của mình, nếu cần, Mai Siêu Phong vào nhà dân trộm cướp là dễ.
Muốn giàu nhanh thì mấy cao thủ cũng có thể đi ăn cướp. Tuy nhiên, Kim Dung không nói gì đến vấn đề này có lẽ để giữ thể diện cho các cao thủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận