Tại sao bạn cần triết học trong đời mình?

ĐỖ TRÍ VƯƠNG 13/01/2020 18:01 GMT+7

TTCT - Nếu được tiếp cận một cách đúng đắn và hợp lý thì triết học, với tất cả sự thông thái và từ bi của nó, có thể (và có quyền) đóng một vai trò giàu ý nghĩa và giành lấy một vị thế vững chãi trong cuộc đời của chúng ta

 

triếtTrong một lần nhập cảnh trở lại Bỉ, khi biết tôi là sinh viên khoa triết tại một trường đại học ở đây, viên sĩ quan hải quan đã cười và bảo tôi rằng “Chắc bạn thích nghĩ ngợi nhiều lắm” trước khi trả lại tôi quyển hộ chiếu.

Trước đó, vào ngày khai trường, một giảng viên đã nói với đám tân sinh viên chúng tôi rằng vẻ đẹp của triết học nằm ở việc chúng ta có thể nói về một vấn đề nào đó mãi mãi. Có vẻ như triết học rất phù hợp cho ai đó đủ may mắn (hoặc không) để suốt ngày “nghĩ” và “nói về” một vấn đề nào đó… mãi mãi.

Quả thật, với cụm từ khóa “định nghĩa triết học” hoặc “triết học là gì”, chúng ta sẽ nhận được vô vàn kết quả và định nghĩa về triết học, và không thể không bao gồm định nghĩa phổ biến nhất của nó là một môn mà bất cứ sinh viên Việt Nam nào tại các trường đại học Việt Nam đều phải học và thi nếu muốn tốt nghiệp.

Việc tìm được một định nghĩa đủ cô đọng cho triết học là rất quan trọng. Vì chỉ khi định nghĩa được triết học là gì, ta mới trả lời được câu hỏi tại sao ta cần triết học và triết học đóng góp gì vào cuộc đời bé mọn của ta.

Theo tôi, triết học đơn giản là một khoa học giúp giải thích bản chất của cuộc sống và của thế giới. Chiếu theo định nghĩa này, ta sẽ hiểu tại sao những nhà khoa học thuộc những môn khoa học thực nghiệm khác như vật lý, toán học, hóa học, sinh học, thiên văn học… về cơ bản cũng là những triết gia. Đúng vậy, bạn có thể thoải mái xem những nhà khoa học như Albert Einstein, Stephen Hawking, Louis Pasteur, Ngô Bảo Châu như những triết gia vì họ đã, đang và sẽ tìm cách lý giải thế giới thông qua lĩnh vực chuyên môn của mình.

Tất nhiên, đến đây thì câu chuyện vẫn dừng lại ở phương diện vĩ mô. Không phải ai trong chúng ta cũng là những nhà vật lý hay toán học, thậm chí là yêu thích những môn khối khoa học tự nhiên, và không ai trách bạn về điều đó. Nhưng nếu triết học không chỉ là những nỗ lực nghiên cứu đáng kính trọng của những cá nhân khoa học gia đáng kính trọng không kém, mà còn là những nguyên tắc giúp những con người bình thường như bạn như tôi có được cuộc sống hạnh phúc hơn, thậm chí là có ý nghĩa hơn, thì sao?

Tôi không phát minh ra điều gì mới ở đây, vì việc sống sao để giảm bớt tối đa bất hạnh và ưu phiền, đồng nghĩa với tăng cường tối đa hạnh phúc và niềm vui, đã được cả một thế hệ triết gia cổ đại xây dựng thành những nguyên tắc có hệ thống mang tên chủ nghĩa khắc kỷ (stoicism), mà đại diện ưu tú nhất là ba cái tên: Marcus Arelius, Seneca và Epictetus. Thử tưởng tượng, toàn bộ cuộc đời ta đang sống chỉ gói gọn trong hai vòng tròn. Vòng tròn thứ nhất là tất cả những gì ta “có thể kiểm soát” (quần áo bạn mặc hôm nay, thức ăn bạn chọn cho vào người, thái độ bạn dành cho một người hay một việc nhất định…); vòng tròn còn lại là tất cả những gì bạn “không thể kiểm soát” (thời tiết hôm nay nắng hay mưa, chính trị thế giới diễn biến phức tạp hay không, thái độ và tình cảm của người khác dành cho bạn...).

Và chủ nghĩa khắc kỷ nói rằng bạn chỉ cần quan tâm và dành năng lượng cho những gì thuộc “vòng tròn thứ nhất” và… mặc kệ tất cả những gì nằm trong vòng tròn còn lại. Bao nhiêu người đang đọc bài này đã đau khổ vì không được ai đó đáp lại tình cảm hoặc mặc cảm tự ti vì mình không mang hộ khẩu Hà Nội? Bỗng nhiên các bạn được “dúi” vào tay chìa khóa để giải thoát bản thân khỏi hầu hết những phiền muộn và bất hạnh của cõi người. Thú vị quá phải không? Đó chính là triết học.

Và ta hãy thử tưởng tượng những lợi ích to lớn dành cho con trẻ của chúng ta, nếu chúng được dạy những nguyên tắc triết học như trên ngay từ tấm bé. Tại sao không?

Nếu được tiếp cận một cách đúng đắn và hợp lý, thì triết học có thể giành lấy một vị thế vững chãi trong cuộc đời của chúng ta. Ảnh: iStock
Nếu được tiếp cận một cách đúng đắn và hợp lý, thì triết học có thể giành lấy một vị thế vững chãi trong cuộc đời của chúng ta. Ảnh: iStock

Suy cho cùng, nếu được tiếp cận một cách đúng đắn và hợp lý thì triết học, với tất cả sự thông thái và từ bi của nó, có thể (và có quyền) đóng một vai trò giàu ý nghĩa và giành lấy một vị thế vững chãi trong cuộc đời của chúng ta mà không đòi hỏi bạn phải có giải Fields của môn toán học.■

"Khoa học là điều bạn đã biết. Triết học là điều bạn chưa biết" 

                                                                                         (Bernard Russell)

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận