“Đây là một cuộc khủng hoảng thực sự nghiêm trọng mà chúng tôi phải giải quyết trong thành phố của mình", nữ nghị sĩ Odette Ramos nói với kênh truyền hình Fox News.
Cuộc khủng hoảng này ngày càng trở nên căng thẳng, khi năm ngoái có 3 lính cứu hỏa thiệt mạng trong một vụ cháy tòa nhà bỏ hoang.
Bà Ramos nói vụ việc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các tòa nhà bỏ hoang cho giới chức thành phố.
Theo một nghiên cứu gần đây của Đại học Johns Hopkins, hơn 14.000 tòa nhà bỏ hoang nằm rải rác khắp Baltimore, tiêu tốn của thành phố khoảng 100 triệu USD mỗi năm cho các nguồn lực bảo trì, cứu hỏa và cảnh sát tuần tra.
Baltimore có tỉ lệ nhà hoang cao nhất trong nước Mỹ vào năm 2019, ở mức 8,1%.
“Nghiên cứu cũng cho thấy tội phạm bạo lực đang xảy ra ở những khu vực có nhiều bất động sản bỏ hoang nhất”, bà Ramos nói khi đứng trước một ngôi nhà có người ở, bị kẹp giữa hai ngôi nhà bỏ hoang.
Những cư dân đang sống bên cạnh những ngôi nhà bỏ hoang cũng bị ảnh hưởng bởi giá trị tài sản của họ bị vạ lây. "Vì vậy, thật không công bằng khi họ phải sống trong hoàn cảnh đó", bà Ramos cảm thán.
Theo bà Ramos, có nhiều yếu tố góp phần gây ra thực trạng này.
Sự việc bắt đầu kể từ năm 1911, khi Baltimore thông qua sắc lệnh nhà ở liên quan đến việc phân biệt chủng tộc đầu tiên của Mỹ. Theo luật, thành phố phân vùng dân cư da màu và da trắng riêng biệt để tránh xung đột.
“Sự phân biệt là có thật và có chủ ý, và điều đó đã dẫn đến việc không đầu tư vào các cộng đồng da màu truyền thống trong nhiều thập kỷ", bà Ramos nói.
Một thế kỷ sau, một số ngôi nhà bị bỏ phế sau khi chủ nhân chúng qua đời. Một số bị bỏ hoang khi các gia đình không thể trả nổi tiền thế chấp hoặc đóng thuế. Và một số nhà khác thuộc sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài hoặc chủ nhà, những người vẫn chưa tính đến chuyện xây dựng lại.
Năm 2022, các nhà phát triển tư nhân đã phá dỡ hoặc cải tạo khoảng 1.300 bất động sản bỏ trống.
Dân số của Baltimore cũng đã giảm 7% trong thập kỷ qua. Và các chuyên gia cho rằng yếu tố tội phạm nhiều, trường học yếu kém và thuế bất động sản cao có thể là nguyên nhân.
Hiện hai nghị viên Ramos và James Torrence đang lên một kế hoạch tạo ra quỹ đất công đầu tiên của Maryland từ 14.000 căn nhà bỏ hoang này.
Nếu kế hoạch của họ được thông qua, trước mắt Cơ quan Quản lý ngân hàng đất đai (LBA) sẽ mua lại các tài sản bỏ hoang do chủ thế chấp ngân hàng không có tiền trả. LBA sau đó sẽ công bố bán đấu giá.
Baltimore đã thành lập một hội đồng gồm 11 thành viên điều hành LBA để tiến hành giải quyết tình trạng nhà bỏ hoang này.
“Chúng tôi muốn công việc được hoàn thành và sau đó trả lại môi trường sạch đẹp cho thành phố", bà Ramos nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận