Chị tôi được mẹ cho một mảnh đất làm nhà, đã sang tên, chị tôi đứng tên trên sổ hồng (tài sản trước hôn nhân).
Xin hỏi trường hợp chị tôi mất, con chị có được thừa kế căn nhà chị đang đứng tên ở Việt Nam không? Con chị mang quốc tịch nước ngoài.
Bạn đọc N. gửi câu hỏi.
- Luật sư Tào Văn Dũng (Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn:
Việt kiều nhận thừa kế bất động sản tại Việt Nam:
Việt kiều nhận thừa kế bất động sản tại Việt Nam phụ thuộc 2 yếu tố là loại bất động sản và người thừa kế có còn giữ quốc tịch Việt Nam hay không, cụ thể như sau:
- Bà con Việt kiều còn quốc tịch Việt Nam (người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam) được phép nhập cảnh vào Việt Nam, được nhận thừa kế tất cả các loại bất động sản tại Việt Nam như những công dân sinh sống trong lãnh thổ Việt Nam.
- Bà con Việt kiều không còn quốc tịch Việt Nam (người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài) được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì được nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà ở theo quy định của pháp luật về dân sự; nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở từ những người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự (quy định tại khoản 3 điều 4, điểm h khoản 1 điều 28 và điều 44 Luật Đất đai năm 2024).
Đối chiếu quy định pháp luật với trường hợp bạn nêu, di sản thừa kế chị của bạn trong trường hợp này là "Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất" nên con của chị bạn khi được phép nhập cảnh vào Việt Nam vẫn được nhận thừa kế, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong cả 2 trường hợp: còn giữ quốc tịch Việt Nam và không còn giữ quốc tịch Việt Nam.
Để nhận thừa kế, bà con Việt kiều cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
1. Giấy tờ chứng minh đối tượng là cá nhân được sở hữu nhà ở tại Việt Nam:
- Đối với cá nhân là công dân Việt Nam thì phải có thẻ căn cước, hộ chiếu hoặc các giấy tờ khác có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam như giấy khai sinh, quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam…
- Đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế theo pháp luật về xuất nhập cảnh, và giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch.
2. Giấy tờ chứng minh điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam:
- Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam thì phải có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị có đóng dấu nhập cảnh vào Việt Nam tại thời điểm tạo lập nhà ở theo quy định Luật Nhà ở.
- Đối với người gốc Việt định cư ở nước ngoài thì phải có hộ chiếu còn giá trị đóng dấu nhập cảnh vào Việt Nam, hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh vào Việt Nam tại thời điểm ký kết giao dịch về nhà ở (theo quy định tại điều 3 nghị định 95/2024/NĐ-CP).
Ngoài các giấy tờ nêu trên, cũng cần chuẩn bị các giấy tờ liên quan đến bất động sản như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1-8-2024 đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con Việt kiều được sở hữu, kinh doanh, đầu tư cũng như nhận thừa kế bất động sản tại Việt Nam.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận