Tháng 8-2015, anh T.T.L. được anh ruột chuyển nhượng theo hình thức tặng cho quyền sử dụng thửa đất số 109 tại xã Thạnh Phước (H.Bình Đại, Bến Tre). Anh L. sau đó xây cất nhà trên khu đất nhưng không làm thủ tục hoàn công.
Đến tháng 8-2016, anh L. kết hôn với chị N.M., hai người có với nhau một người con. Một năm sau vì không hòa hợp, anh L. và chị M. ly thân.
Ngày 16-2-2017, anh L. lập thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất đối với thửa số 109 cho chị gái. Tuy nhiên hồ sơ chuyển nhượng sau đó bị chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Bình Đại trả lại. Lý do: chị N.M. đã gửi đơn đề nghị ngăn chặn việc chuyển nhượng nhà đất đối với thửa đất nói trên.
Trong đơn, chị N.M. đưa ra lý do đó là tài sản chung của vợ chồng chị và đứa con mới sinh. Anh L. cho biết sau khi kết hôn, vợ chồng anh không có thỏa thuận nào về việc sáp nhập nhà đất thành tài sản chung. Do vậy khi ly thân, anh chuyển nhượng cho chị gái nhưng hồ sơ lại bị vướng.
LS Nguyễn Thạch Thảo - Đoàn luật sư TP.HCM - cho biết: Theo quy định của Luật hôn nhân gia đình 2014, tài sản mỗi người có trước khi kết hôn là tài sản riêng của mỗi bên.
Do sau khi kết hôn, vợ chồng anh L. không thỏa thuận, thống nhất căn nhà được tặng cho là tài sản chung nên đây vẫn là tài sản riêng của anh L.. Anh L. có quyền chuyển nhượng đất nhà cho người khác.
“Nếu trường hợp chị M.N. có góp tiền để cải tạo, sửa chữa thì chị có nghĩa vụ chứng minh và yêu cầu anh L. trả lại khoản tiền đã góp”, ông Thảo cho hay.
Còn theo luật sư Võ Quang Vũ - Đoàn luật sư TP.HCM: Nếu vợ (chồng) có tài sản riêng trước khi kết hôn hoặc sau khi kết hôn (trong thời kỳ hôn nhân) thì nên sáp nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung để đảm bảo sự hòa khí trong gia đình.
Nếu không muốn sáp nhập tài sản thì vợ (chồng) nên làm văn bản thỏa thuận chi tiết đối với khối tài sản riêng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận