Tôi hiện tại đang sống với mẹ ruột (tôi là con duy nhất của bà). Ba mẹ ruột đã ly hôn.
Sau này, mẹ tôi kết hôn với cha dượng. Cha dượng hiện đã mất và ông cũng có con riêng.
Mẹ tôi có bất động sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân với cha dượng. Tuy nhiên, cha dượng đã làm giấy có công chứng xác nhận tài sản bất động sản là tài sản riêng của mẹ tôi.
Giả sử mẹ tôi qua đời thì di sản thừa kế có phải chia cho các người con riêng của dượng hay không?
Bạn đọc Lê Hoài Bảo gửi câu hỏi tới Tuổi Trẻ Sao.
Luật sư Đặng Hoài Vũ trả lời về chia tài sản:
Ông hiện là luật sư thuộc Đoàn luật sư TP.HCM; Trưởng Văn phòng luật sư Đặng Hoài Vũ và cộng sự.
Đối với câu hỏi của bạn, tôi hiểu là bạn đang lo lắng khi mẹ bạn mất mà không để lại di chúc thì sẽ phát sinh thừa kế theo pháp luật cho hàng thừa kế thứ nhất, gồm người chồng. Tuy nhiên, người chồng chết trước nên phát sinh thừa kế thế vị cho các con riêng của dượng bạn.
Đối với vấn đề này, bạn có thể hoàn toàn yên tâm, bởi lẽ sẽ không phát sinh việc thừa kế thế vị giữa người cha dượng và các con riêng của ông.
Theo quy định tại điều 652 Bộ luật dân sự, thừa kế thế vị chỉ áp dụng khi con chết trước hoặc cùng thời điểm với cha, mẹ thì cháu được hưởng phần di sản của cha hoặc mẹ cháu được hưởng nếu còn sống. Còn đối với trường hợp bạn, dượng mất trước mẹ nên hoàn toàn không rơi vào trường hợp thừa kế thế vị này.
Mặc dù bất động sản kể trên được hình thành trong thời kỳ hôn nhân giữa mẹ và cha dượng, tuy nhiên hai bên đã có văn bản công chứng xác định đây là tài sản riêng của mẹ bạn nên đây là tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân.
Tuy nhiên cần lưu ý, vẫn có thể phát sinh trường hợp các con riêng của cha dượng được hưởng di sản thừa kế của mẹ bạn khi phát sinh đủ các điều kiện như sau: Một là mẹ bạn mất không để lại di chúc; Hai là các con riêng của cha dượng và mẹ bạn phát sinh quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như mẹ con và có yêu cầu phân chia di sản thừa kế của mẹ bạn.
Do đó, theo tôi, để đảm bảo không có sự tranh chấp về di sản thừa kế, bạn có thể nói mẹ lập một tờ di chúc hợp pháp ghi nhận ý chí của mẹ bạn về việc phân chia di sản thừa kế cho những ai.
Mời bạn đọc đặt câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận