Đề xuất đánh thuế nặng với tài sản bất minh là giải pháp được Chính phủ trình Quốc hội xem xét quy định vào dự án Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi), được Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày tại phiên họp thẩm tra của Ủy ban Tư pháp ngày 5-3.
Tại phiên họp, một số ý kiến cho rằng: với tài sản bất minh, không chứng minh được nguồn gốc hoặc giải trình không rõ ràng thì phải tịch thu, xử lý trách nhiệm hình sự chứ không chỉ đánh thuế cao (thuế thu nhập cá nhân) ở mức 45%.
Truy thu 45%: Chính phủ thống nhất cao
Người đứng đầu cơ quan thanh tra của Chính phủ khẳng định: trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã bổ sung điều 59 quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực; tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý.
"Theo đó, nếu kết luận tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu thập đã kê khai hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý thì cơ quan thuế sẽ xem xét thực hiện việc truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45%" - ông Khái nêu.
Nhiều ý kiến trong nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cũng tán thành với việc xử lý thông qua thu thuế thu nhập cá nhân đối với tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý ở mức 45% như quan điểm của Chính phủ. Đồng thời tán thành quy định việc thu thuế không loại trừ việc xử lý trách nhiệm hình sự hoặc tịch thu tài sản nếu sau đó lại chứng minh được tài sản là bất hợp pháp do phạm tội mà có.
Ông Lê Minh Khái nói thêm: người bị truy thu thuế cũng có quyền khiếu nại đến cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập. Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền khởi kiện ra tòa án".
Việc truy thu thuế này không loại trừ việc xử lý trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản đối với người kê khai, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự khác chứng minh được tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội.
Chủ trì nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp, phó chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Cường bày tỏ: hiện nay pháp luật về hình sự, xử lý vi phạm hành chính đã quy định việc xử lý đối với tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp (do vi phạm pháp luật, do phạm tội mà có), theo đó, những tài sản này có thể bị tịch thu, tiêu hủy... theo quy định của pháp luật.
Vẫn theo ông Cường: riêng đối với tài sản mà người sở hữu có được một cách bất thường, không giải trình được hoặc giải trình không hợp lý về nguồn gốc hợp pháp thì "đến nay vẫn chưa có quy định xử lý, trong khi đây là những tài sản tiềm ẩn nguy cơ có nguồn gốc từ tham nhũng, vi phạm pháp luật".
Trên nhìn nhận đó, ông Nguyễn Mạnh Cường trình bày quan điểm: "Do đó, nhóm nghiên cứu cho rằng việc dự thảo luật bổ sung quy định xử lý đối với các loại tài sản này là rất cần thiết, phù hợp với các ý kiến đề nghị của đa số đại biểu Quốc hội".
Giải thích thêm về nội dung này, phó tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh nói: về tài sản, thu nhập kê khai không trung thực; tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý phải xử lý trên tinh thần giả định, tức là khối tài sản đó là hợp pháp nhưng chủ sở hữu không kê khai và nộp thuế thu nhập.
"Chính vì vậy khi soạn thảo luật, chúng tôi mới quy định thêm một khoản là không loại trừ trách nhiệm hình sự nếu cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được trong một vụ án hình sự là toàn bộ tài sản đó đã có được từ một hành vi tham nhũng thì phải tịch thu sung công" - ông trình bày.
Tài sản bất minh phải bị tịch thu!
Cho rằng "chuyện kê khai tài sản muốn trung thực đối với nhiều quan chức cũng rất khó", đại biểu Trương Trọng Nghĩa đòi hỏi phải "định nghĩa cho rõ" thế nào là kê khai không trung thực. Ông nêu: ví dụ như kê khai thiếu thì được coi là do vô tình hay cố tình che giấu tài sản; và cũng nên quy định mức "tài sản (kê khai) không trung thực trên 50 triệu đồng thì mới bị xử lý".
Đại biểu Nghĩa nêu quan điểm: nếu kê khai không trung thực nhưng chứng minh được nguồn gốc hợp pháp thì không xử lý tài sản đó. Bởi theo ông, đây là vấn đề riêng tư, "nhưng với thân phận là cán bộ công chức thì phải minh bạch chứ không ai muốn bày tài sản ra cho người khác xem".
Trong trường hợp này, ông nói "lúc người ta ngại không kê khai, nhưng không có gì bất hợp pháp cả, nếu có thiếu sót đó thì có thể bị phê bình, góp ý, kỷ luật, còn tài sản đó không đụng tới".
Riêng với loại "tài sản không giải trình được", ông Nghĩa cho rằng "phải tịch thu". Nhưng với những loại giải trình được, có sai phạm nhưng không lớn thì vẫn cho phép sử dụng vì đó không phải hối lộ, không phải chiếm đoạt tài sản công.
Đồng tình, đại biểu Nguyễn Bá Sơn lên tiếng: "Hiến pháp quy định công dân có quyền về tài sản đồng nghĩa với việc anh có nghĩa vụ chứng minh tài sản đó là của mình. Công dân này thuộc đối tượng phải kê khai tài sản, tức là người có chức vụ quyền hạn, tức là công bộc của dân thì phải có nghĩa vụ, trách nhiệm xã hội là chứng minh tài sản đó là tài sản hợp pháp của mình, nếu không thì Nhà nước tịch thu".
Củng cố thêm về lập luận của mình, ông nói: "Đây là vấn đề mới, chưa có bao giờ nhưng ta lại đòi hỏi nó phải có trong các quy định khác là bất khả thi!".
Có nên hình sự hóa hành vi thiếu trung thực?
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền trăn trở: "Tôi và anh Thanh (phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh) làm luật đầu tiên về phòng chống tham nhũng khi tóc còn xanh, giờ tôi sắp về hưu rồi mà chúng ta vẫn loay hoay về luật này, vì nó khó. Do vậy chúng ta không cầu toàn được.
Tất cả những vấn đề liên quan đến tài sản (kê khai, xác minh, thu hồi tài sản) Hiến pháp đã quy định rằng sở hữu tư nhân là thiêng liêng và bất khả xâm phạm, quyền về tài sản là một trong những quyền lớn nhất của con người, nên khi đụng đến phải rất thận trọng".
Ông Quyền bày tỏ quan điểm: "Tôi cho rằng xử lý tài sản bất minh không thể xử lý bằng thuế được, như thế sẽ vi phạm các quy định của luật khác. Vấn đề thu hồi tài sản của một cá nhân, tổ chức nào đó phải qua con đường tư pháp, đó là con đường duy nhất hợp hiến và hợp pháp. Cần quy định hành vi làm giàu bất hợp pháp, không chứng minh được nguồn gốc của tài sản là hành vi tội phạm và do tòa án phán xử".
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tranh luận ngay: "Tôi không đồng ý hình sự hóa tội có tài sản nhưng kê khai không trung thực. Cán bộ, công chức rơi vào tình huống đó là có vấn đề về tài sản. Tôi không kết luận người đó chiếm đoạt cái gì hết, nhưng công chức phải minh bạch tài sản, không giải thích được nguồn gốc thì tài sản đó sung công. Nhưng tôi không đồng ý với anh Quyền là phải đi bằng con đường tư pháp, đưa như vậy quá nặng nề đối với người cán bộ, công chức..."
Ông Nghĩa giải thích cho lập luận của mình: nếu không chứng minh được người ta nhận hối lộ mà có (tài sản không chứng minh được nguồn gốc) mà xử lý hình sự sẽ là quá đáng. Người có tài sản bất minh thì bị sung công quỹ, phải chấp nhận điều đó. Bởi theo ông, khi người có quyền lực có tài sản bất minh thì rõ ràng đạo đức người đó có vấn đề.
Đồ họa: TẤN ĐẠT
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết dự án luật này đã được Quốc hội thảo luận lần thứ nhất tại kỳ họp cuối năm 2017, theo kế hoạch thì Quốc hội tiếp tục xem xét tại 2 kỳ họp kế tiếp.
Sau phiên thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, các phương án đề xuất sẽ được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Dự kiến Quốc hội thông qua dự án luật vào cuối năm 2018.
Ông Trương Việt Toàn (phó chánh tòa hình sự, TAND TP Hà Nội): Tài sản bất minh thì phải sung công
Tài sản đã không chứng minh được nguồn gốc, không chứng minh được tiền mua tài sản, không chứng minh được đó là tài sản hợp pháp thì có thể coi đó là tài sản gian, tài sản ăn cắp, tài sản do vi phạm pháp luật mà có.
Như vậy, tài sản đó phải bị tịch thu chứ không thể đánh thuế 45% mức thuế thu nhập cá nhân. Nếu đánh thuế như vậy thì cứ ăn cắp 10 đồng, nộp thuế 4 đồng rưỡi rồi tài sản đó sẽ thành tài sản hợp pháp hay sao?
Thứ nữa, tại sao lại tính thuế 45% mà không phải là mức nào khác như 30% hay 70%? Mọi thứ phải dựa trên những căn cứ khoa học và tính thực tế.
Việc tính thuế này cũng phải dựa trên cơ sở pháp luật thuế thu nhập cá nhân chứ không phải tùy hứng được. Bản thân chữ "thu nhập" đã nói đến sự hợp pháp rồi. Còn loại thu nhập bất hợp pháp, không chứng minh được mà cũng đi đánh thuế để cho trở thành hợp pháp thì không được.
Vậy nên, theo tôi chỉ có một phương án là tịch thu sung công quỹ nhà nước. Đấy là biện pháp khoa học nhất và phù hợp với đạo luật gốc, đạo luật dân sự và Hiến pháp.
H.ĐIỆP ghi
Cách xử lý của một số nước
* Anh: Đạo luật chống tiền (tài sản) do phạm tội mà có ở Anh với khái niệm "tài sản không thể giải thích" cho phép cơ quan hữu quan có quyền đề nghị tòa án ra lệnh buộc chủ tài sản có giá trị cao phải giải thích về nguồn gốc. Chủ nhân những tài sản trị giá từ 138.000 USD trở lên nếu không chứng minh được nguồn gốc, sẽ bị tịch thu tài sản.
* Mỹ: Theo luật về tịch thu và bảo vệ tài sản công dân năm 2016, tài sản của công dân bị tịch thu nếu vi phạm một trong các vấn đề: phạm luật trong đó quy định về việc tịch thu tài sản, phạm luật hình sự, do tòa hình sự phán quyết và do tiểu bang quyết định với bằng chứng rõ ràng.
* Singapore: Theo luật chống rửa tiền và tài trợ khủng bố (AML/CFT) của Singapore, các chuyên gia của AML/CFT sẽ làm việc với cơ quan chức năng để thu hồi, hạn chế và tịch thu tài sản bất hợp pháp có được do vi phạm pháp luật.
* Thái Lan: Luật cho phép cơ quan công quyền có thẩm quyền thu thập bằng chứng chứng minh phạm tội, có quyền đóng băng và tịch thu tài sản bất hợp pháp hoặc bị nghi có liên hệ đến hành vi phạm tội. Trong trường hợp tài sản là bất hợp pháp, sẽ bị sung công hoặc tiêu hủy theo lệnh tòa án.
HỒNG VÂN
Thăm dò ý kiến
Theo bạn, nên xử lý như thế nào đối với tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận