Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga - Ảnh: Quochoi.vn
Sáng 31-5, sau khi tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã trình bày báo cáo thẩm tra dự án này.
Chuyện xử lý tài sản không chứng minh được nguồn gốc, theo bà Nga, là "vấn đề mới và phức tạp, cần thiết xin ý kiến Quốc hội".
Có thể xem xét yếu tố hình sự
Trong việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực và tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý, các đại biểu Quốc hội gợi mở hai hướng xử lý: Phương án thứ nhất là yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân đối với người kê khai không trung thực hoặc có tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc.
Phương án thứ hai là cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập.
Đáng chú ý, trong cả hai phương án, dự thảo luật còn quy định người bị thu thuế hoặc bị xử phạt hành chính có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện tại tòa hành chính về kết luận xác minh tài sản, thu nhập.
Việc thu thuế hay xử phạt hành chính đều "không loại trừ trách nhiệm hình sự nếu các cơ quan có thẩm quyền chứng minh tài sản đó do phạm tội mà có".
Cho ý kiến về hai phương án này, Uỷ ban Tư pháp cho rằng đặc điểm xã hội nước ta là người dân và trong đó có cán bộ, công chức có truyền thống tích lũy, tiết kiệm, tặng cho, thừa kế trong gia đình, ngoài thu nhập từ lương thì nhiều người còn làm thêm để tăng thu nhập.
Trong khi đó, Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội, pháp luật hiện hành cũng chưa quy định buộc người dân phải chứng minh nguồn gốc hình thành số tiền để mua tài sản, nhất là những tài sản có giá trị lớn…
Trong bối cảnh đó, việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản nói chung là vấn đề rất phức tạp.
Thu hẹp phạm vi thanh tra để tránh phiền doanh nghiệp
Một điểm đáng chú ý khác trong dự thảo luật sửa đổi là cho phép cơ quan thanh tra có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra phòng chống tham nhũng đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Tuy nhiên Uỷ ban Tư pháp cho rằng cần hết sức thận trọng bởi các lí do: hiện nay chủ trương của Đảng và Nhà nước là coi trọng, tập trung phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích khởi nghiệp, xây dựng Chính phủ kiến tạo.
Việc quy định mở rộng thẩm quyền thanh tra thường xuyên hoặc đột xuất đối với doanh nghiệp cần hết sức hạn chế.
Theo đánh giá tổng hợp của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng với các doanh nghiệp mới đây, các doanh nghiệp than phiền về việc thanh tra, kiểm tra của nhiều bộ ngành còn khá chồng chéo.
Có những doanh nghiệp một năm phải tiếp từ 6-7 đoàn, thậm chí có doanh nghiệp phải tiếp đến 10 đoàn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có chỉ thị và nêu: "Hoạt động thanh tra nói chung và hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành nói riêng vẫn còn những vụ việc gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp".
"Từ những lý do trên, Uỷ ban Tư pháp đề nghị cần cân nhắc theo hướng thu hẹp phạm vi thanh tra về công tác phòng chống tham nhũng đối với khu vực ngoài nhà nước. Đồng thời quy định chặt chẽ về căn cứ, trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra để tránh bị lạm dụng, gây khó khăn cho các doanh nghiệp", bà Lê Thị Nga nêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận