Dân châu Âu tắm biển ở Croatia ngày 10-7 - Ảnh: AFP
Ở Mỹ, trong bối cảnh các kỷ lục liên quan bệnh COVID-19 liên tục bị phá vỡ, cuộc tranh luận về việc có nên cho học sinh trở lại trường, hoặc có nên đóng cửa nền kinh tế lần nữa không đang nổ ra dữ dội.
Đại học Johns Hopkins ghi nhận trong 4 ngày liên tục của tuần trước, ngày nào cũng có hơn 1.000 người Mỹ qua đời vì COVID-19, đưa tổng số người chết từ đầu dịch lên hơn 146.000 tính đến chủ nhật (26-7).
Bệnh viện quá tải bệnh nhân, xét nghiệm thì chờ đợi lâu khiến một số lãnh đạo bang của Mỹ như thị trưởng Houston Sylvester Turner, thị trưởng Los Angeles Eric Garcetti tuyên bố không loại trừ khả năng áp lệnh giãn cách xã hội lần 2.
Động thái đó được hơn 150 chuyên gia y tế, nhà khoa học, giáo viên, bác sĩ... của Mỹ ủng hộ trong lá thư kiến nghị vừa gửi đến Nhà Trắng, Quốc hội Mỹ và thống đốc các bang, theo Đài CNN.
"Ngay hiện tại, chúng ta đang đối mặt viễn cảnh mất hơn 200.000 sinh mạng người Mỹ tính đến ngày 1-11. Vậy mà ở nhiều bang người dân có thể ngồi quán bar, đi cắt tóc, ăn nhà hàng, xăm mình, đi spa, và làm nhiều thứ bình thường, dễ chịu nhưng chẳng mấy thiết yếu", lá thư mô tả.
Thật ra chính những hoạt động kinh tế đó là thứ khiến Tổng thống Donald Trump không muốn phong tỏa xã hội lần nữa. Đại dịch gây nhiều thương vong, nhưng phong tỏa khiến hàng chục triệu người Mỹ thất nghiệp chỉ trong vài tháng, đẩy nền kinh tế đến bờ vực suy thoái.
Vấn đề cuối cùng nằm ở chỗ: Đâu là ưu tiên của chính phủ Mỹ?
Và câu trả lời còn tùy vào... từng thời điểm.
Một quán cà phê ở Barcelona, Tây Ban Nha, ngày 25-7 - Ảnh: AFP
Cũng là câu chuyện kinh tế, chính phủ Tây Ban Nha đang năn nỉ các nước láng giềng châu Âu đừng đưa 2 hòn đảo du lịch Balearic và Canary vào danh sách cấm đi lại sau khi số ca nhiễm COVID-19 ở nước này tăng trở lại.
"Tây Ban Nha có ổ dịch, nước khác cũng có vậy. Điều quan trọng là chúng tôi rất nỗ lực kiểm soát chúng", Ngoại trưởng Tây Ban Nha Arancha Gonzalez Laya gửi thông điệp thống thiết đến các đối tác trong ngày 26-7.
Tây Ban Nha là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nhất châu Âu với hơn 28.000 người chết, đứng thứ 4 chỉ sau Anh, Ý và Pháp.
Lệnh phong tỏa toàn quốc hồi tháng 3 phần nào giúp Madrid kiểm soát được tình hình, nhưng chủ trương thả lỏng để đón mùa du lịch hè đã khiến ca nhiễm tăng vọt trở lại, nhất là trong giới trẻ hay tụ tập ở quán bar, vũ trường.
Nhiều nước châu Âu như Tây Ban Nha từng hi vọng ngành du lịch sẽ giúp họ vượt qua mùa hè trước khi cái lạnh những tháng cuối năm đẩy mọi người trở lại trong nhà, kèm theo nguy cơ "chương 2" của đại dịch.
Nhưng thực tế cho thấy con virus không thèm chờ đến mùa đông.
Một hố chôn tập thể nạn nhân COVID-19 ở Brazil - Ảnh: REUTERS
Ở nước láng giềng Pháp, nơi có hơn 30.000 người chết, số ca nhiễm cũng bắt đầu tăng lại sau nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, đạt đến mốc 1.000 ca trong một số ngày.
Tân Thủ tướng Pháp Jean Castex đã cảnh báo khả năng phong tỏa trở lại là "không thể bị loại trừ" nếu số người chết quá nhiều, nhưng cái giá đi kèm là rất lớn.
Ông Castex không thèm nói vòng vo: "Chúng ta sẽ không sống sót nổi cả về kinh tế và xã hội".
Đó cũng là suy nghĩ chung của nhiều nhà lãnh đạo thế giới. Phong tỏa quy mô lớn đã phá hủy nền kinh tế, do đó hi vọng đang nằm ở giải pháp phong tỏa từng phần, giới hạn ở từng thành phố, thị trấn, khu vực mỗi khi có ổ dịch xuất hiện.
Ý là quốc gia phương Tây đầu tiên cách ly toàn bộ dân số khi số người chết sắp vượt mặt Trung Quốc hồi đầu dịch. Nhưng một quan chức thân cận với Thủ tướng Giuseppe Conte mô tả quyết định đó là "một liệu pháp gây sốc không thể được lặp lại".
Tương tự, Thủ tướng Anh Boris Johnson mô tả ý tưởng cách ly toàn quốc là "một nút bấm hạt nhân, không thể bỏ đi mà cũng không thể xài". "Tôi chắc chắn không muốn đụng đến nó", ông cho biết.
Hãng tin Bloomberg nhận định chính giới ở khắp nơi đang tìm mọi cách "xoa dịu nỗi đau" khi sự sợ hãi trong công chúng đang dần biến thành giận dữ và bất mãn, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với trận suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái thập niên 1930.
"Dân chúng có thể hi sinh vì tập thể trong một lúc nhưng không thể mãi mãi. Một dịch bệnh kết hợp với tình trạng thất nghiệp, một trận suy thoái kéo dài, gánh nặng nợ nần... sẽ tạo ra căng thẳng và dẫn đến những hệ quả chính trị", học giả Francis Fukuyama, tác giả quyển sách "Ngày kết thúc của lịch sử và con người cuối cùng", bình luận trên tạp chí Foreign Policy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận