19/12/2021 12:18 GMT+7

Tai nạn trên phim trường: Đi tìm chuẩn mực của an toàn

T.ĐIỂU - MI LY - M.THỤY
T.ĐIỂU - MI LY - M.THỤY

TTO - Những vụ tai nạn nối tiếp nhau trên phim trường đã khiến cây bút Jon Healey của tờ Los Angeles Times từng thốt lên: "Điện ảnh không chỉ là ngành kinh doanh mạo hiểm mà còn là lĩnh vực chứa nhiều mối nguy tiềm ẩn khác".

Tai nạn trên phim trường: Đi tìm chuẩn mực của an toàn - Ảnh 1.

Đoàn phim Rừng thế mạng quay phim trong rừng - Ảnh: ĐPCC

"Mối nguy" mà nhà báo này ám chỉ rõ ràng đã hướng đến một báo cáo đáng quan ngại của Hãng thông tấn AP: Chỉ tính riêng ở Mỹ, từ năm 1990 - 2016, ít nhất đã có 43 người chết và 150 người hứng chịu thương tật vĩnh viễn trong quá trình ghi hình.

Nhưng không chỉ điện ảnh, công nghệ giải trí - quảng cáo với những cảnh quay vận hành nhiều thiết bị luôn có thể mang lại rủi ro cho người lao động. Mới đây, tại Việt Nam, một tai nạn do vận hành đèn HMI 9KW mà không có kính chắn tia UV trong một dự án quay ở Hà Nội đã khiến nhiều người bị bỏng giác mạc.

Đền bù bảo hiểm bằng tiền không bao giờ đánh đổi được những tổn thương vĩnh viễn về sức khỏe hay thậm chí là tính mạng. Tôi rất mong những người lãnh đạo trân trọng con người, lường trước rủi ro, đừng bao giờ để mình phải ân hận về sau.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn

Bỏng giác mạc vì đèn quay

Anh Lê Thanh Tùng (Jimmy) - một người quay phim của dự án - đã bị cháy rát da mặt, cổ và bị bỏng giác mạc cấp độ 2. Dành nhiều thời giờ để nghiên cứu tài liệu về các thông tin, quy định, quy trình sử dụng đèn an toàn; anh đi đến kết luận rằng công ty cho thuê đèn chiếu sáng trên trường quay (đèn HMI) đã phớt lờ quy trình an toàn khi vận hành đèn đã vỡ kính lọc UV. Câu chuyện được anh phản ảnh trên trang Facebook cá nhân và lập tức nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng những người làm phim.

Là một người bị hại, anh Tùng cho rằng hành động này của công ty cho thuê thiết bị là không thể chấp nhận bởi họ đã "mặc kệ những đồng nghiệp khác bị rơi vào tình trạng rủi ro cao", họ không hề cảnh báo tới bất cứ ai khác trong đoàn trong khi họ hoàn toàn biết sự cố do đèn không có kính lọc nên người của họ đều đeo kính đen và mặc áo khoác.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện công ty cho thuê thiết bị và cung cấp kỹ thuật hiện trường phục vụ quay thừa nhận sai sót và giải thích là do không lường được hậu quả lớn, bởi trước đó cũng đã xảy ra tai nạn như vậy nhưng chỉ người của công ty bị ảnh hưởng và chỉ "bị qua loa". Đại diện công ty này cho biết sau khi tai nạn xảy ra, ngay ngày hôm sau họ đã cử người mang kính bảo vệ từ TP.HCM ra. Trước đó, công ty chưa khắc phục kịp vì không lường trước chuyện những người khác trong đoàn có thể ở gần đèn và bị ảnh hưởng. Công ty cũng cho biết đã xin lỗi những đối tác nhưng chưa kịp xin lỗi tới từng người lao động bị ảnh hưởng trong vụ tai nạn.

Anh Tùng và một số người bị nạn lại không đồng tình với ý kiến nói vụ tai nạn là không nghiêm trọng. Mặc dù hậu quả về sức khỏe lần này không phải quá lớn, nhưng vấn đề an toàn lao động trên set quay phải được đặt ra một cách nghiêm túc hơn ở Việt Nam hiện nay. Qua vụ việc này, anh Tùng hy vọng rằng các nhà sản xuất phim và các công ty tham gia vào chuỗi lao động trên trường quay cần lưu tâm và kiểm tra thật kỹ thiết bị trước khi vận hành.

Anh Nguyễn Dũng - một trong các nạn nhân vụ tai nạn - cho biết nhà sản xuất rất hỗ trợ, hiện đang chi trả các chi phí khám chữa cho những người bị sưng đỏ mắt. Anh cũng đồng tình vụ việc lần này không phải vấn đề cá biệt và cần được lên tiếng để đảm bảo an toàn cho người lao động trên trường quay.

An toàn lao động: cần cả lý trí và trái tim

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giới làm phim cho rằng các tai nạn nghiêm trọng là cá biệt. Nhưng quan trọng hơn cả, an toàn lao động trong ngành cần được đảm bảo bằng cả lý và tình, nghĩa là vừa cần các thỏa thuận vừa cần đến trái tim và sự quan tâm thật lòng.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn, người theo dõi sự việc của anh Lê Thanh Tùng, cho biết tình huống tương tự nhóm anh Tùng không phổ biến nhưng cũng từng xảy ra một lần. Theo anh Tuấn, độ nguy hiểm của một số thiết bị công suất cao còn được nhận thức hời hợt, nhất là ở những người có trách nhiệm cao tại các đơn vị sản xuất, cung cấp trang thiết bị quay phim.

"Những thiết bị nguy hiểm thì không nhiều, lẽ ra chúng phải được đặc biệt chú ý để đảm bảo không gây hại. Ngoài ra, vụ việc này cho thấy lối suy nghĩ rất tệ của ngành làm phim là coi trọng máy móc thiết bị hơn con người. Người ta đầu tư nhiều tiền cho thiết bị nhưng lại không sẵn sàng tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc cho nhân sự trực tiếp sản xuất các dự án" - anh Tuấn phân tích. Anh mong đây là sự việc mang tính cảnh tỉnh những người có trách nhiệm.

Nhà sản xuất Hoàng Quân - người "đứng mũi chịu sào" dự án phim sinh tồn Rừng thế mạng với điều kiện quay phim đầy khó khăn - cho biết anh luôn đặt an toàn trên trường quay là tiêu chí hàng đầu bên cạnh đảm bảo lịch quay, chi phí sản xuất và chất lượng tác phẩm. Anh Quân nói: "Bất cứ sự cố nào cũng là điều không ai mong muốn, nhưng sự chuẩn bị kỹ lưỡng là việc có thể làm trong giai đoạn tiền kỳ. Chúng ta cần hiểu biết về yêu cầu sản xuất đặc biệt, ví dụ như yêu cầu an toàn khi sử dụng các loại đèn chiếu đặc biệt".

Chẳng hạn, phim Rừng thế mạng quay trong rừng, môi trường sản xuất và sinh hoạt rất linh hoạt và thiếu thốn. Do đó, đoàn phim đã chuẩn bị cho những phương án xấu nhất, các tình huống SOS. Đoàn có một nhân viên y tế. Diễn viên được kiểm tra tâm lý, sức khỏe trước khi vào phim. Mỗi thành viên được chuẩn bị một túi thuốc và thực phẩm chức năng để chăm sóc sức khỏe trong suốt giai đoạn ghi hình.

Yêu cầu tối thiểu của việc tổ chức đoàn phim là phải có bảo hiểm cho từng người. Trong thời dịch bệnh, cần có thêm quy trình kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm COVID-19 và phương án nhân sự cho các rủi ro.

Thông tin từ giới làm phim cho biết do vấn đề kinh phí sản xuất, mức bảo hiểm cho an toàn lao động không cao. Thế nhưng, khi gặp sự cố đáng tiếc, hầu hết nhà sản xuất đều có cách giải quyết thiện chí, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Tai nạn trên phim trường: Đi tìm chuẩn mực của an toàn - Ảnh 3.

Năm 1982, vụ rơi máy bay trong quá trình đóng phim đã cướp đi sinh mạng của diễn viên Vic Morrow và hai đứa trẻ - Ảnh: GETTY IMAGES

Cần một bộ tiêu chuẩn an toàn

Cây bút Jon Healey của tờ Los Angeles Times chua chát thừa nhận: mặc dù một số quốc gia bắt buộc mỗi bộ phim phải có một chuyên gia an toàn để giám sát, chính quyền Mỹ lại hoàn toàn không đưa ra yêu cầu này.

Không có nhiều hướng dẫn chính thức, nhiều nhà sản xuất và đoàn phim phải tự đặt ra cho mình các quy tắc. Trải qua nhiều năm kinh nghiệm làm việc với súng ống, nhà sản xuất phim Christopher Gist cho biết khi quay cảnh súng có nhiều phương án thực hiện. Tuy nhiên, mỗi đạo cụ cần phù hợp với nhân vật và phù hợp với cảnh quay. Ngoài ra, việc sử dụng vũ khí bản sao, vũ khí thật hay trộn lẫn cả hai cũng rất quan trọng. "Kể cả như vậy, trên phim trường luôn phải có một nhân viên chuẩn bị vũ khí, một nhân viên an toàn và một điều phối viên đóng thế. Ít nhất ba người này sẽ luôn chú ý đến súng" - Christopher Gist chia sẻ với tờ SourceNM.

Nhiệm vụ của nhân viên phụ trách an toàn đòi hỏi một cái nhìn bao quát. Trong khi khảo sát địa điểm, họ sẽ xem xét các tình huống nguy hiểm khi đi lại, an toàn giao thông đường bộ, hệ thống chiếu sáng vào ban đêm và nguồn cung cấp điện.

Christopher Gist nói thêm: "Khi quay phim trên đất công, như công viên, nhân viên an toàn cần phải nêu chi tiết nơi mọi người sẽ đậu xe, nơi đặt phòng tắm, nơi đặt thiết bị và các vấn đề tiềm ẩn như chuyện gì sẽ xảy ra nếu một nhánh cây rơi từ trên cao xuống. Ngay cả việc một diễn viên cầm tách cà phê nóng trên màn ảnh cũng sẽ được xem xét cẩn thận để đảm bảo an toàn. Năm nay, vì dịch COVID-19, chúng tôi cũng bổ sung một nhân viên y tá để theo dõi sức khỏe của mọi người trên phim trường".

Sự xuất hiện cần thiết của một chuyên gia giám sát an toàn có lẽ sẽ khiến các nhà sản xuất không mấy dễ chịu vì các khoản chi phí. Không có sự an toàn nào lại đi kèm với mức giá rẻ. Cưa một cành cây sắp mục, nối lại đường dây điện, lấp chiếc hố trên đường, tất cả đều đội kinh phí lên nhiều lần. Vì vậy, trước mắt, rất khó để bắt buộc các đơn vị làm phim chi tiền thuê thêm nhân sự và trả các khoản liên quan.

Trong bối cảnh ấy, một bộ quy tắc được ban hành chính thức có thể giúp các nhà làm phim, công ty sản xuất xác định được những rủi ro và có biện pháp bảo vệ nhân viên.

Cái chết thương tâm đằng sau các bộ phim tỉ đô

brandon lee

Brandon Lee, con trai của ngôi sao võ thuật Lý Tiểu Long, cũng là nạn nhân của tai nạn súng đạn trên trường quay - Ảnh: GETTY IMAGES

Vẻ lung linh của thế giới màn bạc, danh tiếng của các bộ phim "bom tấn" đều không che lấp được bóng ma mang tên "sự an toàn" đang rình rập những đoàn làm phim.

Một ngày đầu hè năm 2011, tài xế John Suttles - thành viên của đoàn làm phim The Avengers, trèo lên chiếc xe ở phim trường để kiểm tra tải trọng. Vài phút sau, ông té ngửa xuống vỉa hè, hộp sọ nứt toác và qua đời vào ngày hôm sau. John Suttles chỉ vừa chợp mắt được vài giờ trước khi trở lại trường quay để làm việc cho Marvel. Ông đã làm việc liên tục trong nhiều tuần, thậm chí phải rời khỏi buổi mừng sinh nhật tuổi 65 của mình để hoàn thành kịp công việc. Thức khuya, dậy sớm, làm việc quá sức đã đẩy John Suttles đến cái chết đột ngột. John là nạn nhân của nền công nghiệp điện ảnh thiếu vắng mức độ quan tâm đúng mực dành cho sự an toàn của đoàn phim.

Sau khi điều tra, Cơ quan Quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp Mỹ (OSHA) đã phát hiện hai lỗi vi phạm an toàn: không có tay nắm thích hợp ở phía sau xe tải và không cung cấp cho người lái xe bộ dụng cụ sơ cứu. Cuối cùng, một công ty điện ảnh liên kết với Walt Disney đã nộp phạt vỏn vẹn 745 USD. Marvel hay Disney không đóng góp gì cho tang lễ của John Suttles. Trong khi đó, năm 2012 bộ phim The Avengers đạt doanh thu 1,5 tỉ USD sau khi phát hành toàn cầu.

Năm 1993, cái chết của Lý Quốc Hào (con trai của huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long) do một viên đạn thật nằm trong súng đạo cụ đã gây nên sự phẫn uất của xã hội. Công chúng bắt đầu chú ý đến chuẩn mực sử dụng súng, thuốc nổ trên phim trường. Thế nhưng, điều đó không thể ngăn chặn những thảm kịch lặp lại. Tháng 10 vừa qua, vấn nạn tương tự tái diễn khi ngôi sao điện ảnh Alec Baldwin vô tình nổ súng đạo cụ khiến đạo diễn hình ảnh của bộ phim Rust tử vong.

Súng không phải là thứ gây chết người duy nhất trên phim trường. Năm 2014, một trợ lý camera qua đời khi tàu chở hàng đâm vào đoàn phim Midnight Rider. Ba năm sau, nữ diễn viên đóng thế Joi Harris trong phim Deadpool 2 tử vong vì lạc tay lái môtô.

MAI THỤY

Úc ban hành Hướng dẫn quốc gia về an toàn màn ảnh

Vào tháng 6 năm nay, Úc đã ban hành sách trắng Hướng dẫn quốc gia về an toàn màn ảnh. Bộ hướng dẫn do hai đơn vị Liên minh Nghệ thuật và giải trí truyền thông và Hội các nhà sản xuất phim Úc biên soạn. Các quy tắc được diễn giải chi tiết và bao quát nhiều góc độ: địa điểm ghi hình, sự đồng thuận của nhân viên, những hoạt động có rủi ro cao, đạo cụ, thiết bị, sử dụng động vật... Chẳng hạn, cảnh báo về an toàn điện trong khi quay cảnh mưa, bộ quy tắc khuyên các nhà làm phim phải che phủ đường dây điện và giữ chúng tránh xa mặt đất để tránh dòng điện truyền qua nước.

"Mọi người tham gia vào quá trình sản xuất phim - dù là biên kịch, nhà sản xuất, đạo diễn, kỹ thuật viên, trưởng kíp, quần chúng - đều phải tạo ra và thúc đẩy văn hóa an toàn" - những người biên soạn nhấn mạnh.

M.T.

Alec Baldwin nổ súng đạo cụ vô tình bắn chết người trên phim trường Rust Alec Baldwin nổ súng đạo cụ vô tình bắn chết người trên phim trường Rust

TTO - Ít nhất 1 người chết và 1 người khác bị thương vì một khẩu súng đạo cụ trên phim trường 'Rust' tại bang New Mexico (Mỹ). Thông tin ban đầu cho biết diễn viên kiêm nhà sản xuất Alec Baldwin là người đã nổ súng.

T.ĐIỂU - MI LY - M.THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên