29/09/2016 07:28 GMT+7

Tai nạn trên cầu Ghềnh: Lái tàu kiện đòi bồi thường 2,4 tỉ đồng

THẾ THIÊN
THẾ THIÊN

TTO - Ông Nguyễn Văn Túy - lái chính tàu SE2 trong vụ tàu lửa tông ôtô trên cầu Ghềnh vào năm 2011 và lái phụ Nguyễn Xuân Phú đều nộp đơn đòi bồi thường oan sai. Riêng ông Túy đòi bồi thường đến 2,4 tỉ đồng.

Lái tàu Nguyễn Văn Túy - Ảnh: Đ.TRANG
Lái tàu Nguyễn Văn Túy - Ảnh: Đ.TRONG

Chiều 28-9, TAND thị xã Thuận An (Bình Dương) đã tuyên án, yêu cầu bị đơn là Viện KSND TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) chính thức xin lỗi ông Nguyễn Văn Túy - lái chính tàu SE2 trong vụ tàu lửa tông ôtô trên cầu Ghềnh vào năm 2011.

Tòa xác định ông Túy bị oan sai, ngoài việc Viện KSND xin lỗi công khai tại cơ quan làm việc và trên báo, tòa còn tuyên buộc phải bồi thường trên 270 triệu đồng bao gồm tiền lương trong thời gian bị tạm giam, chi phí đi kêu oan, tổn thất tinh thần...

Đòi bồi thường hơn 2,4 tỉ

Theo đơn khởi kiện, ông Túy cho hay tối 6-2-2011 ông cùng phụ lái Nguyễn Xuân Phú được phân công lái tàu SE2 từ ga Sài Gòn đến ga Mường Mán (Bình Thuận). Khi đến gần cầu Ghềnh, ban máy xác nhận có tín hiệu đèn cho tàu vào cầu. Khi đến gần cầu ông phát hiện ôtô kẹt trên cầu nên hãm thắng gấp nhưng tai nạn vẫn xảy ra.

Hậu quả của vụ tai nạn này làm 2 người chết, 22 người bị thương. Công an bắt tạm giam 4 nhân viên gác chắn, 1 nhân viên thông tin tín hiệu, 1 tài xế taxi và 2 lái tàu Nguyễn Văn Túy, Nguyễn Xuân Phú. Theo ông Túy, ông bị bắt giam ngay trong đêm xảy ra tai nạn nhưng đến nay chưa ai bồi thường cho ông.

Tại phiên tòa, ông Nguyễn Văn Túy cho biết ông bị truy tố về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt” và bị giam đúng 278 ngày. Sau khi kêu oan nhiều nơi, Viện KSND Biên Hòa ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, xác định hành vi của ông chưa cấu thành tội phạm.

Viện KSND Biên Hòa có mời lên hòa giải nhưng không thành, đề nghị kiện ra tòa phân xử. Ông kiện Viện KSND Biên Hòa ra Tòa án thị xã Thuận An (nơi ông đăng ký hộ khẩu thường trú) đòi bồi thường danh dự và các tổn thất.

Ngoài yêu cầu xin lỗi công khai, ông Túy yêu cầu viện phải bồi thường về tổn thất tinh thần và tài sản trong thời gian bị giam và đi kêu oan (mất thu nhập, tiền gia đình thăm nuôi, chi phí đơn thư, tiền thuê người nuôi vợ sinh trong lúc bị bắt giam, tiền tàu xe đi ra Hà Nội kêu oan...) với số tiền trên 2,4 tỉ đồng.

Tuy nhiên, hội đồng xét xử cho rằng nguyên đơn không chứng minh rõ một số thiệt hại hoặc có những chi phí quá cao không được pháp luật công nhận.

Phụ lái tàu Nguyễn Xuân Phú (trái) và lái tàu Nguyễn Văn Túy - Ảnh: Đ.TRONG
Phụ lái tàu Nguyễn Xuân Phú (trái) và lái tàu Nguyễn Văn Túy - Ảnh: Đ.TRONG

“Biết gây oan sai nhưng né tránh”

Sau khi nghe tuyên án, ông Nguyễn Văn Túy cho biết sẽ kháng cáo bản án. Ông Túy cho rằng hơn 5 năm qua thu nhập giảm sút nhưng chỉ bồi thường số ngày tạm giam là không thỏa đáng. “Đó là chưa kể tổn thất vô hình không thể bù đắp được. Chẳng hạn tôi bị bắt giam trong lúc vợ đang sinh” - ông Túy nói.

Tâm sự về lý do khởi kiện Viện KSND Biên Hòa, ông Nguyễn Văn Túy cho hay: “Tôi và gia đình kêu oan rất nhiều nơi thì sau đó được tại ngoại. Tiếp đó, tòa đưa ra xét xử nhưng không xử được phải trả hồ sơ điều tra bổ sung. Họ điều tra không được nữa thì đình chỉ”.

Theo ông Túy, tháng 2-2015, Viện KSND Biên Hòa ra quyết định đình chỉ đối với cá nhân ông và cho rằng do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội không còn gây nguy hiểm cho xã hội nữa. “Họ vận dụng điều luật này, xem như tôi có tội nên tôi tiếp tục kêu oan.

Tới lúc Ủy ban Tư pháp Quốc hội có ý kiến, tháng 3-2016 Viện KSND Biên Hòa mới xác định tôi không có tội sau khi có 5 bản kết luận điều tra. Biết tôi oan rồi nhưng họ để kéo dài, tìm cách né tránh nên tôi mới kiện đòi lại danh dự và bồi thường thỏa đáng” - ông Túy kể.

Phụ lái tàu Nguyễn Xuân Phú cũng nộp đơn đòi bồi thường oan sai

Liên quan đến vụ án này, Tòa án nhân dân quận 9 (TP.HCM) đang thụ lý đơn của phụ lái tàu SE2 Nguyễn Xuân Phú. Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, ông Phú cho biết trong đơn khởi kiện Viện KSND TP Biên Hòa, ông yêu cầu tòa xem xét mục đích, động cơ của những người cố tình gây oan sai và giam ông quá thời hạn.

Cụ thể, sau vụ tai nạn trên cầu Ghềnh, ngày 7-2-2011 các cơ quan tố tụng bắt giam ông Phú để điều tra về hành vi “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt”. Đến ngày 11-11-2011, ông Phú được thả ra, quá lệnh tạm giam 4 ngày.

Ngày 5-4-2016, Viện KSND TP Biên Hòa xác định ông Phú không có tội nhưng hai bên hòa giải không thành. Ông Phú còn cho hay trong đơn kiện ông yêu cầu xin lỗi ông công khai tại nơi cư trú, trên báo và bồi thường oan sai hơn 2,4 tỉ đồng.

Diễn biến xét xử vụ tàu hỏa gây tai nạn trên cầu Ghềnh

- Sau nhiều lần hoãn phiên tòa, ngày 24-4-2015 TAND TP Biên Hòa mở phiên xét xử sơ thẩm và tuyên phạt (tài xế taxi) 7 năm tù giam về tội cản trở giao thông đường sắt.

Các bị cáo Trần Văn Thời, Bùi Văn Thuấn, Nguyễn Văn Lương mỗi bị cáo nhận 5 năm 6 tháng tù giam, bị cáo Trần Viết Hải (đều là nhân viên gác chắn) 3 năm tù giam cùng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tại phiên tòa, hội đồng xét xử thông báo lái tàu chính Nguyễn Văn Túy và phụ lái Nguyễn Xuân Phú dự tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (do có quyết định đình chỉ điều tra).

- Ngày 23-11-2015, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên phúc thẩm lại vụ án và chấp nhận một phần đơn kháng cáo, tuyên giảm án cho tất cả các bị cáo. Cụ thể, bị cáo Châu được giảm 2 năm, Thời giảm 6 tháng. Thuấn, Lương mỗi bị cáo được giảm 2 năm và bị cáo Hải được giảm 1 năm.

THẾ THIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên