25/09/2024 14:12 GMT+7

Tai nạn lao động có xu hướng giảm, vẫn có nơi chết nhiều người

Dù số vụ tai nạn lao động có xu hướng giảm, nhiều nơi vẫn xảy ra tai nạn chết nhiều người như Đồng Nai (30 người), TP.HCM (26 người), Hà Nội (22 người)…

Tai nạn lao động có xu hướng giảm, vẫn có nơi chết nhiều người - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh chủ trì hội nghị - Ảnh: GIA ĐOÀN

Ngày 25-9, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tổng kết Tháng an toàn vệ sinh lao động năm 2024 và kế hoạch tổ chức Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2025.

Vẫn còn những nơi tai nạn lao động chết người

Theo bà Chu Thị Hạnh - phó cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), việc tổ chức tháng an toàn vệ sinh lao động đi vào chiều sâu, hiệu quả, gắn với cơ sở.

Các hoạt động thiết thực như giảm căng thẳng, giảm xung đột nơi làm việc được bộ ngành, doanh nghiệp hưởng ứng. Nhiều nơi không để xảy ra tai nạn lao động nặng hoặc tai nạn chết người. Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát được tăng cường.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, bên cạnh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có xu hướng giảm, một số nơi vẫn còn tai nạn lao động chết nhiều người. 

Trong đó có Đồng Nai (30 người), TP.HCM (26 người), Hà Nội (22 người), Quảng Ninh (18 người), Hải Phòng (12 người). Một số doanh nghiệp xảy ra tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng trước, trong và sau lễ phát động.

Làm rõ nguyên nhân, lãnh đạo Cục An toàn lao động cho hay nhiều cơ quan, đơn vị doanh nghiệp tập trung khôi phục sản xuất, kinh doanh nên việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động chưa được quan tâm đúng mức.

Nhận thức của doanh nghiệp và người lao động còn hạn chế, kỷ luật chưa nghiêm. Nguồn lực cho an toàn, vệ sinh lao động chưa được bố trí tương xứng...

Tai nạn lao động có xu hướng giảm, vẫn có nơi chết nhiều người - Ảnh 2.

Lãnh đạo Cục An toàn lao động có thể giảm tai nạn lao động từ nâng cao ý thức của lãnh đạo doanh nghiệp - Ảnh: GIA ĐOÀN

Giải pháp gì hạn chế tai nạn lao động?

Về lâu dài, các địa phương, doanh nghiệp cần bố trí kinh phí triển khai an toàn vệ sinh lao động tới cơ sở, cụm công nghiệp, khu vực làng nghề, nông - lâm - ngư nghiệp; tăng cường thanh kiểm tra tại ngành, khu vực xảy ra nhiều tai nạn, mất an toàn lao động như xây dựng, khai thác mỏ, nơi làm việc hạn chế hoặc sử dụng máy móc, thiết bị tiềm ẩn nguy cơ. 

Ông Vũ Quốc Huy - trưởng Ban xã hội (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) - chia sẻ cần phát huy vai trò MTTQ, đoàn thể từ cơ sở để tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao kiến thức an toàn vệ sinh lao động. 

Nhắc lại ý kiến của đại diện Bộ Công an, ông đồng tình rằng chủ sử dụng lao động phải nâng cao trách nhiệm, có kiến thức, tập huấn kỹ năng, phòng tránh tai nạn. 

Còn bà Hồ Thị Kim Ngân - phó trưởng Ban quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) - đồng tình với ý kiến của đại diện Bộ Y tế, theo đó các doanh nghiệp phải tăng cường kiểm tra, phòng tránh tai nạn. 

Tổ chức công đoàn tiếp tục có các hoạt động thăm hỏi, chia sẻ, tặng quà người lao động như trong các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng ở Yên Bái (7 người chết) hay vụ cháy chung cư tại Hà Nội (56 người chết) vừa qua.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho ý kiến lễ phát động năm 2025 có thể tập trung vào nâng cao ý thức, trách nhiệm, huấn luyện của người sử dụng lao động. 

Về thi đua khen thưởng, bộ sẽ hướng dẫn cụ thể và đề nghị các bộ ngành giới thiệu hồ sơ chất lượng, ví dụ doanh nghiệp không có tai nạn lao động, cơ quan làm tốt an toàn vệ sinh lao động…

Tai nạn lao động giảm, vẫn nhiều nơi chết hàng chục người - Ảnh 1.Kịp thời cấp cứu ngư dân bị tai nạn lao động trên biển

Một ngư dân bị tai nạn lao động khi đang đánh bắt cá trên biển được bệnh xá đảo Trường Sa cấp cứu kịp thời.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên