Hiện trường vụ xe giường nằm lấn trái, tông chết 4 người sáng 7-5 trên cầu Ba Si (xã Phương Thạnh, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) - Ảnh: Đức Thành |
Tai nạn giao thông không trừ một ai
Bạn đọc Nguyễn Hải và Ánh Nguyên đã thốt lên như vậy.
Nhiều bạn đọc khác nhắc lại những vụ tai nạn thương tâm do xe container gây ra. Không chỉ sợ xe container, bạn đọc còn sợ luôn cả xe buýt và taxi vì ý thức kém của nhiều lái xe.
Số khác lại bày tỏ nỗi lo với ý thức kém của người dân khi tham gia giao thông như: vượt đèn đỏ, uống rượu bia, đi vào làn cấm, chạy quá tốc độ, vừa chạy xe vừa nghe điện thoại, nhắn tin...
Những câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để giảm thiểu tai nạn giao thông, để người tham gia giao thông an tâm di chuyển trên đường khi vẫn còn đó những con số đau lòng như 6.518 người chết, 14.929 người bị thương vì tai nạn giao thông trong 9 tháng đầu năm, theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông.
Cần một giải pháp đồng bộ
Xe container tông nát ôtô khiến 5 người tử vong vào rạng sáng 31-5 trên quốc lộ 1 trước Khu chế xuất Linh Trung (P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TPHCM) - Ảnh: Hải Hiếu |
Nhiều ý kiến cho rằng đảm bảo an toàn giao thông phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ sở hạ tầng giao thông, mức phạt, sự công minh của lực lượng tổ chức, cấp bằng và hướng dẫn thực thi pháp luật về giao thông, ý thức và kỹ năng của người đi đường…
“Nhưng lâu nay các biện pháp an toàn giao thông được đưa ra hầu như chỉ tập trung vào người tham gia giao thông, cụ thể là liên tục tăng chế tài xử phạt, trong khi chế tài cho các yếu tố khác rất mờ nhạt thậm chí không có quy định rõ ràng. Đơn cử, nếu đường xá được thi công không đảm bảo hoặc CSGT thiếu hướng dẫn gây mất an toàn giao thông thì chế tài xử lý hầu như không được đề cập”, một bạn đọc nêu quan điểm.
TS Phạm Hồng Thái, ĐH Giao thông vận tải Hà Nội, cho rằng tăng mức phạt là một trong những yếu tố giúp kéo giảm tai nạn giao thông.
“Trong điều kiện kinh tế phát triển và dân trí cao thì dư luận tác động sẽ làm người ta thay đổi cách nghĩ, tự điều chỉnh hành vi. Ở Việt Nam, theo tôi, nếu không có sự can thiệp của Nhà nước (về hình thức chế tài) thì việc thay đổi ý thức là rất khó trong điều kiện kinh tế còn khó khăn và những suy nghĩ đã ăn sâu từ bao lâu nay. Phải tăng mức phạt là vì thế”, TS Phạm Hồng Thái kết luận.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu ngoài việc tăng cường xử phạt vi phạm hành chính thì cần nhanh chóng nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, chuẩn hóa những biển báo để tạo thuận lợi cho người dân tham gia giao thông.
Về vấn đề này, TS Phạm Hồng Thái nêu quan điểm để nâng cấp cơ sở hạ tầng cần phải có thời gian dài và chi phí lớn, nhất là trong điều kiện hạn chế nguồn vốn đầu tư như hiện nay.
“Việc đầu tư, nâng cấp là trách nhiệm và chắc chắn phải làm nhưng điều gì có thể tác động ngay, tác động sâu rộng (như ý thức của người tham gia giao thông) thì ưu tiên làm trước”, TS Phạm Hồng Thái nhận định.
Mặt khác, cần tăng cường giám sát những đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, vận tải hành khách và xử lý nghiêm những lỗi có nguy cơ gây tai nạn giao thông, luật sư Nguyễn Văn Hậu nói.
Một vấn đề khác, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu là phải siết chặt hơn việc thi và cấp bằng lái xe. “Tôi thấy có những quảng cáo cấp bằng lái xe rất dễ dàng. Cần phải chặt chẽ hơn trong vấn để cấp bằng để tránh tình trạng tài xế không đủ năng lực điều khiển phương tiện và gây tai nạn”, luật sư Nguyễn Văn Hậu chia sẻ.
Xây dựng văn hóa giao thông
Một vụ tai nạn giao thông tại Đà Nẵng |
TS Phạm Hồng Thái, ĐH Giao thông vận tải Hà Nội, nhận định ba nguyên nhân lớn dẫn đến tai nạn giao thông là: ý thức của người điều khiển phương tiện, cơ sở hạ tầng giao thông và công tác quản lý về xử lý vi phạm, kiểm định chất lượng phương tiện, giám sát đào tạo và cấp bằng lái. Trong đó, ý thức của người điều khiển phương tiện là nguyên nhân trọng tâm.
Theo TS Phạm Hồng Thái, những hành vi vô ý thức thường gây nên tai nạn giao thông là lạng lách, chạy tắt ngang đầu xe người khác và đi từ đường nhánh ra đường lớn thiếu quan sát. Vấn đề nữa cần lưu ý là những phương tiện không còn đảm bảo độ an toàn nhưng vì lý do kinh tế người dẫn bất chấp mà sử dụng.
Theo số liệu Ủy ban An toàn giao thông thì 16-20% số vụ tai nạn giao thông xảy ra mỗi năm là do người điều khiển sử dụng bia rượu gây ra. Con số này vẫn tăng đều hằng năm và những vụ tai nạn do họ gây ra nghiêm trọng cả về tính chất lẫn mức độ thiệt hại về người và tài sản.
Ngoài ra, còn có những hành vi nguy hiểm khác tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông như điều khiển xe ô tô trên hè phố, điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ đi vào đường cao tốc, điều khiển xe qua dải phân cách cứng ở giữa hai phần đường xe chạy…
Điều này cho thấy ý thức của một bộ phận người dân còn chưa cao và chính người tham gia giao thông đặt tính mạng của mình vào vòng nguy hiểm khi cố tình vi phạm luật lệ giao thông.
Anh Minh Tâm (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) kể có lần mình suýt tông vào xe taxi đi cùng chiều chỉ vì người đi đằng trước khạc nhổ và trúng vào mặt anh, làm anh lạc tay lái.
“Ý thức ở đây không phải chỉ là biết, hiểu và làm đúng luật mà còn là tôn trọng, nhường nhịn nhau khi đi đường. Nhiều khi vô tình thôi nhưng lại gây tai nạn cho người khác”, anh Tâm nói.
Chị Nguyệt Thảo (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thì bày tỏ nỗi sợ hãi trước những “ông men tài xế” trên đường.
“Các ông chồng hãy dành một phút suy nghĩ cho vợ con mình khi xỉn “quắc cần câu” rồi mà còn “hiên ngang” lái xe về nhà”, chị nói.
Tai nạn giao thông thảm khốc và không trừ một ai là thế nhưng nếu mỗi người tự ý thức bảo vệ mình và giữ an toàn cho cộng đồng thì rõ ràng sẽ không có những con số thống kê đau lòng như “mỗi ngày có 25 người không về nhà khi tham gia giao thông đường bộ tại VN” như một bài báo từng nêu, anh Minh Tâm nói thêm.
"Quan trọng nhất vẫn là mỗi người dân tự nâng cao ý thức của mình, cùng xây dựng văn hóa giao thông để giảm thiểu tai nạn", TS Phạm Hồng Thái kết luận.
Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:
>> Tiến sĩ Phạm Hồng Thái
>> Luật sư Nguyễn Văn Hậu
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận