Tai nạn do thiết kế đường bất ổn

TS PHẠM SANH 25/06/2016 02:06 GMT+7

TTCT - Vụ tai nạn giao thông thương tâm tại Bình Thuận mới đây báo động việc thực hiện chương trình mục tiêu về an toàn giao thông (ATGT) chưa bền vững, trong đó có nguyên nhân từ hệ thống cầu đường.

Hiện trường vụ 2 xe khách giường nằm đối đầu nhau trên quốc lộ 1 bốc cháy làm 13 người chết tại Bình Thuận -Nguyễn Nam
Hiện trường vụ 2 xe khách giường nằm đối đầu nhau trên quốc lộ 1 bốc cháy làm 13 người chết tại Bình Thuận -Nguyễn Nam


Dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 1 từ Nam ra Bắc dài gần 1.000km cuối năm 2015 cơ bản hoàn thành, kỷ lục về nhiều thứ: huy động vốn xã hội hóa, khối lượng, tiến độ... và cũng kỷ lục về tai nạn giao thông.

Ngày “rùa bò”, đêm “làm xiếc”

Theo thống kê, lỗi chủ yếu do người lái lấn tuyến, vượt ẩu, thiết kế đường chưa ổn. Ai từng lái xe qua một số đoạn trên quốc lộ 1, các quốc lộ vừa nâng cấp, đặc biệt các dự án thành phần thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3 chỉ có 1 làn xe ôtô một chiều đều cảm nhận sự bất tiện.

Ban ngày có CSGT kiểm tra, xe chạy chậm rì theo từng đoàn thật “dễ thương”, không có CSGT thì lấn tuyến vượt nhau như phim hành động. Khuya, xe tải nặng, xe khách giường nằm chạy nhiều, bấy giờ tính mạng người đi xe khách, xe máy và cả dân cư ven đường bị đe dọa.

Mục tiêu dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 nhằm đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), giao thông thông suốt... Nhưng với dự án mà quy mô, tính chất quá đặc biệt như quốc lộ 1 thì phương án đảm bảo ATGT quan trọng như một dự án thành phần, phải được thẩm định, phê duyệt.

Nhiều tai nạn xảy ra khi thi công quốc lộ 1 có phần do phương án đảm bảo ATGT không tốt hoặc không được nhà thầu thực hiện nhưng đơn vị liên quan thiếu giám sát, chế tài. Tai nạn xảy ra cũng không đánh giá đúng bản chất sự việc, xử lý, khắc phục qua loa.

Có lẽ vì mong có con đường tốt qua địa phương mình nên dễ dàng bỏ qua hậu quả tai nạn, trước sức ép về vốn, tiến độ..., thậm chí về thành tích. Chưa kể hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật ATGT vận tải áp dụng cho tuyến quốc lộ 1 hiện không còn phù hợp thực tế phát triển kinh tế - xã hội, đặc điểm giao thông VN.

Nỗi lo “khu dân cư hai bên đường”

Kinh tế phát triển, giao thông tăng cao nhưng hệ thống đô thị và điểm dân cư tập trung nhiều nơi phát triển không kiểm soát. Cứ đường mở là khu dân cư mọc hai bên, “ăn theo” giao thông. Hạ tầng nhếch nhác, tổ chức giao thông cả trong và ngoài đô thị chưa tốt nên nhiều xe máy, xe thô sơ, xe container... cùng tham gia trên mặt cắt ngang đường không có dải phân cách. Đó là bức tranh màu xám ai cũng dễ nhận ra.

Bất cập nhất là tiêu chuẩn kỹ thuật ngành, đặc biệt tiêu chuẩn thiết kế về ATGT. Các nước dựa vào yếu tố tâm sinh lý con người và điều kiện môi trường ATGT thực tế đưa ra tiêu chí, thông số thiết kế; thiết kế xong mô phỏng lại, khi đưa vào sử dụng phải kiểm tra thông số thiết kế để điều chỉnh, tổ chức giao thông hiệu quả hơn.

Trong khi tiêu chuẩn VN cứng nhắc, chủ yếu đếm xe dự báo lưu lượng, chọn cấp đường, tính thông số vận tốc, trắc dọc trắc ngang... Thậm chí thông số về an toàn như tầm nhìn, bán kính đường cong, tổ chức giao thông... cũng theo cấp đường. Chọn cấp đường, bề rộng mặt cắt ngang không phù hợp là mất ngay tính khả thi, an toàn bền vững của dự án.

Dự án nâng cấp quốc lộ 1 chia ra nhiều dự án nhỏ qua từng địa phương. Nhưng từng dự án thành phần lại có cấp đường khác nhau, theo lưu lượng xe, đặc điểm khu vực, gồm đường cao tốc, cấp 1, cấp 2, cấp 3, cấp 3 “châm chước” (chưa có trong tiêu chuẩn VN).

Với dự án nâng cấp đường từ cấp 2 trở lên, tai nạn xảy ra do chưa hoàn chỉnh cọc tiêu biển báo, dải phân cách, thoát nước, bề rộng làn xe máy không tính đủ...

Với dự án đường cấp 3, chỉ một làn xe ôtô mỗi chiều, không dải phân cách cứng ở giữa, lại qua khu dân cư thì tai nạn giao thông chắc chắn xảy ra nhiều. Nguyên nhân do lưu lượng cao, các loại xe lưu thông có vận tốc chênh lệch lớn, nhu cầu vượt xe thường xuyên, liên tục.

Nếu thiết kế toàn dự án đều là 4 làn xe ôtô (mỗi chiều 2 làn) theo tiêu chuẩn đường cấp 2 trở lên và tính toán bề rộng đường xe máy tối thiểu 3m, làm đường song hành khi qua thị trấn thì quá an toàn.

Rất tiếc, vì lý do nào đó, đơn vị tư vấn không dự báo tương đối chính xác lưu lượng xe, vận dụng máy móc tiêu chuẩn chọn cấp đường, thông số kỹ thuật. Vì vậy tai nạn xảy ra ngay trên các đoạn đường vừa nâng cấp, gần thành phố, thị trấn. Vụ tai nạn tại Bình Thuận minh chứng rõ chuyện này.

Không có dự án giao thông nào trên thế giới không gặp rủi ro, vấn đề là có nhận dạng cho được và kiểm soát để hạn chế rủi ro hay không. Bài toán an toàn giao thông luôn là bài toán tích hợp, “khó chịu” (wicked problem), đòi hỏi cách giải quyết thông minh, trách nhiệm và từng bước.■

Để giảm tai nạn giao thông, cần đặt dải phân cách (cứng, mềm), cấm vượt và hạn chế tốc độ tại các đoạn cong, dốc, qua khu dân cư; mở rộng tầm nhìn, trồng cây xanh, làm thêm đường song hành, cọc tiêu, biển báo... Bộ GTVT nên điều chỉnh, bổ sung TCVN 4054-2005 cho thực tế, an toàn hơn; xem lại hệ số quy đổi xe máy ra xe con phù hợp đặc điểm giao thông VN, không sao chép các hệ số quy đổi nước ngoài cách đây nửa thế kỷ vào VN…

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận