Giới truyền thông vây bám trụ sở Công ty luật Mossack Fonseca ở thủ đô Panama City ngày 5-4 - Ảnh: Reuters |
Thủ tướng Sigmundur David Gunlaugsson là một trong sáu lãnh đạo chính trị đương nhiệm có tên trong “tài liệu Panama”. Trước áp lực xuống đường biểu tình của người dân, ông chọn giải pháp chính trị cuối cùng là giải tán Quốc hội, bầu cử sớm nhưng không được tổng thống chấp nhận nên phải ra đi hôm 5-4.
Ra đi vì quá khứ
Kỳ thực là cho đến nay vẫn chưa có gì chứng minh vợ chồng thủ tướng Iceland có trốn thuế hay không. Vợ ông, bà Anna Sigurlaug Pálsdóttir, có mở một công ty tên Wintris ở quần đảo Virgin thuộc Anh hồi năm 2007 để quản lý tài sản cá nhân có được từ tiền bán doanh nghiệp đại lý độc quyền xe Toyota ở Iceland.
Ông Gunlaugsson là đồng sở hữu của Công ty Wintris cho đến năm 2009, tức thời điểm ông được bầu làm nghị sĩ. Khi đó, để tránh dính líu, ông “bán” lại cổ phần của mình cho vợ với giá 1 USD! Về mặt luật pháp, chuyện đó không có gì sai trái.
Nhật báo Anh The Guardian khẳng định “không thấy chứng cứ nào cho thấy chuyện trốn thuế, gian lận thuế hay thủ lợi bất minh từ phía thủ tướng Gunlaugsson, phía bà Anna Sigurlaug Pálsdóttir hay Công ty Wintris”. Đến tối 4-4, thủ tướng Gunlaugsson còn nói cứng rằng không có lý do gì để từ chức.
Quả thực là khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, chính quyền Iceland từng thực thi luật kiểm soát tài sản nghiêm ngặt nhằm tránh tình trạng chảy máu tài chính trong khi gia đình ông Gunlaugsson mở công ty ở Virgin từ năm 2007.
Nhưng trước thông tin hé lộ ở thời điểm năm 2016 này, không trách được người dân nghi ngờ thủ tướng của mình “từng có thời điểm không tin tưởng vào đồng nội tệ và hệ thống tài chính của đất nước”, và họ thậm chí kết tội ông là nói dối khi ra tranh cử hồi năm 2014 với quyết tâm “chống lại các quỹ đầu tư nước ngoài và hệ thống tài chính quốc tế” đang o ép buộc đất nước Iceland phải thực thi các chính sách ngặt nghèo thắt lưng buộc bụng.
Vì thế tiếng nói của hàng chục ngàn người dân trên đường phố thủ đô Reykjavik hôm 4-4 đã nhanh chóng có tác dụng ở đất nước 330.000 dân này. Lý do nổi giận xuất phát từ việc người dân cho rằng thực tế khó khăn hiện tại là do giới lãnh đạo chính trị vô trách nhiệm và tư lợi.
Cho đến năm 2008, Iceland từng có giai đoạn phát triển tài chính loạn xạ: doanh thu các ngân hàng ở Iceland chiếm đến 1.035% GDP của đất nước!
Thời đó ở Iceland có quá nhiều người giàu nhanh chóng. Nhà báo Iceland Sigrún DavÍðdóttir khẳng định thời đó “ở Iceland nếu bạn không có công ty bình phong thì xem như bạn chả ra gì” và các ngân hàng hầu như chỉ chuyên tâm làm chuyện lập ra các công ty bình phong để thu phí dịch vụ quản lý.
Một thời loạn như thế đã tạo ra mối quan hệ nguy hiểm ăn sâu bám rễ của giới lãnh đạo chính trị với hệ thống tài chính.
Người dân vẫn cho rằng thời kỳ “phát triển bong bóng” 2000-2008 là do các chính trị gia phái bảo thủ tạo ra và khích lệ, trong đó có hai vị thủ tướng là David Oddsson (sau đó trở thành chủ tịch Ngân hàng Trung ương Iceland) và Geird Haarde (sau đó bị kết án hồi năm 2012 về trách nhiệm điều hành đất nước trong giai đoạn khủng hoảng 2008).
Vì thế, trong tình cảnh đất nước khó khăn mà người dân phát hiện thấy lãnh đạo chính trị có nhiều tiền bỏ ở nước ngoài thì làm sao kìm nén nổi sự giận dữ.
Tiền sạch, tiền bẩn
Không phải tất cả công ty bình phong trong “tài liệu Panama” là bất hợp pháp hoặc mờ ám. Một số công ty được Công ty luật Mossack Fonseca tư vấn có hoạt động kinh tế thật sự và có khai báo hoặc được lập ra để tham gia đầu tư quốc tế.
Nhưng theo nhóm nhà báo điều tra quốc tế thì phần lớn công ty trong hồ sơ được sử dụng như công ty bình phong dùng che giấu tài sản dưới tên giả.
Vì thế có thể nói trong vụ Mossack Fonseca, tiền sạch xen lẫn tiền bẩn, tiền xám (tiền xuất phát từ gian lận thuế) xen lẫn tiền đen (tiền có được từ tham nhũng hoặc của hoạt động tội phạm có tổ chức)...
Những khách hàng của Mossack Fonseca muốn che giấu thân phận và tài sản của mình đều được “bảo mật” bằng nhiều lớp vỏ bọc của 3-4 công ty khác nhau đặt ở nhiều nước. Các nhà báo điều tra ví nó như bộ búp bê Matryoshka của Nga để các cơ quan thuế vụ và tư pháp khó lòng lần ra được tên họ đích thực của người nắm giữ số tài sản đó.
Các nhà báo điều tra cũng thừa nhận chưa thể khai thác hết số tài liệu đang có trong tay nhưng xét theo hàng ngàn thông tin trao đổi nội bộ giữa các nhân viên của Mossack Fonseca mà họ đã phân tích thì cũng đủ thấy những người chủ trương thực hiện công ty bình phong để giấu tài sản luôn biết cách lách luật, đi trước những quy định của luật pháp tài chính quốc tế.
Lấy ví dụ vào năm 2011 khi chính quyền quần đảo Virgin thuộc Anh, dưới áp lực quốc tế, buộc phải từ bỏ hệ thống “ẩn danh” cho khách hàng thì người ta thấy tình trạng khách hàng chuyển sang Panama hoặc quần đảo Seychelles, những nơi vẫn còn cho phép kiểu ẩn danh đó.
Khi được hỏi về vai trò và trách nhiệm của mình trong vụ này, phía Công ty luật Mossack Fonseca biện hộ rằng mình chỉ làm dịch vụ cho khách hàng và đá quả bóng trách nhiệm gian dối sang cho 14.000 trung gian khác (gồm các ngân hàng lớn trên thế giới, các văn phòng luật, các công ty quản lý quỹ...) được cho là đóng vai trò đại diện cho những người chủ tài khoản đích thực.
Trong lần trả lời trên Đài truyền hình Panama, đồng sáng lập Ramon Fonseca đã ví von công ty luật của mình là “một xưởng sản xuất xe hơi” nên không thể chịu trách nhiệm với những vụ việc bất minh do người lái xe hơi cố tình gây ra.
Vấn đề hiện nay là Công ty Mossack Fonseca liệu sẽ chịu khuất phục cung cấp danh tính khách hàng của mình khi có yêu cầu điều tra từ quốc tế? Lâu nay chính quyền Panama vẫn từ chối hợp tác với nước ngoài trong cuộc chiến chống gian lận, trốn thuế và từng ra mặt phản đối Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vốn có vai trò điều phối tầm quốc tế đối với cuộc chiến này.
Nhận thức được sự bất hợp tác này nên OECD từng nêu vấn đề ra tại hội nghị cấp bộ trưởng tài chính nhóm G20 tổ chức ở Thượng Hải (Trung Quốc) hôm 27-2 vừa rồi.
Dù chỉ mới bóc mẽ một phần những tài liệu từ “tài liệu Panama” nhưng nó đã cho thấy ở thời đại toàn cầu hóa tài chính này, bất chấp những vụ phanh phui hồ sơ trốn thuế đình đám vài năm gần đây và bất chấp ý chí của nhiều quốc gia bắt đầu muốn chấn chỉnh các “thiên đường thuế” thì các ngân hàng và khách hàng của mình vẫn biết cách lách luật để đạt được mục tiêu.
Các điều luật chống rửa tiền, trốn thuế không phải thiếu nhưng việc kiểm tra, giám sát thực thi chung phải được siết chặt hơn nữa, trên khắp thế giới...
Công ty luật Mossack Fonseca bị tin tặc tấn công? Theo AFP, ông Ramon Fonseca, giám đốc công ty luật của Panama, cho biết tài liệu của công ty đã bị “tin tặc từ nước ngoài” tấn công cướp lấy dữ liệu. Ông cũng khẳng định đã gửi đơn kiện lên bên tư pháp Panama. Ông cũng đang tìm cách phản công khi cho rằng việc các cơ quan thông tấn thế giới khai thác tài liệu liên quan khách hàng của công ty ông là “xâm phạm luật bảo vệ đời tư”. |
_______________
Kỳ 3: Các ngân hàng bị sờ gáy
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận