Mặt đường bị chênh giữa vị trí đào lên tái lập và mặt đường hiện hữu trên đường Bà Lê Chân, Q.1 - Ảnh: LÊ PHAN
Đọc những lời bình luận của bạn đọc trên Tuổi Trẻ Online mới thấy bà con bất bình quá cỡ với việc những đoạn đường, vỉa hè được tái lập cẩu thả sau khi đào bới để thi công ngầm hóa lưới điện ở Q.1 (TP.HCM).
Người thì nói nó giống như cái áo vốn đã cũ nay được những người thợ vụng vá chằng vá đụp, người khác nói nó giống như những vết sẹo hằn sâu trên khuôn mặt sau khi bị tạt axit, người khác nữa thì nói các vết cắt trên mặt đường như vết dao chém vào mặt phố phường...
Chưa coi đường sá là mạch máu đô thị
Thực lòng mà nói, nhìn tổng thể thì đường phố của TP.HCM xấu thật, xấu cả về phương diện kỹ thuật và mỹ thuật. Về kỹ thuật, nhiều mặt đường như sống trâu, lồi lõm, dễ gây tai nạn cho cả người chạy xe lẫn người đi bộ.
Còn về mỹ thuật thì nhiều đường nham nhở các vết cắt dọc ngang, màu sắc mặt nhựa thảm và gạch lót vỉa hè không đồng nhất, cao độ vênh nhau thấy rõ.
Đường sá dùng lâu năm sẽ có những chỗ bị hỏng, chưa kể những sự cố xảy ra như nước xói mòn do bão lũ, động đất..., cho nên việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa là chuyện bình thường ở các thành phố.
Tuy nhiên, ở nhiều nước làm rất khác chúng ta vì họ xem đường sá là mạch máu trong cơ thể đô thị, quá quan trọng, cho nên không có chuyện muốn đào bới thế nào cũng được.
Chẳng hạn như ở Hàn Quốc, có những tập đoàn chuyên lo về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tất cả các công việc kỹ thuật liên quan đến cung cấp điện, cáp viễn thông, cấp thoát nước, gas, ánh sáng đều thu về một mối.
Do vậy những hoạt động liên quan đến không gian mặt đường, lòng đường, vỉa hè, trên cao và dưới lòng đất được giải quyết một cách nhanh gọn, đồng bộ, chất lượng tốt nhất, không ảnh hưởng đến người dân và mỹ quan đô thị.
Trong khi đó ở ta, dường như bộ phận nào cũng có quyền đào, lấp đường, nhưng không ai là người chịu trách nhiệm cuối cùng. Đã có lần tôi hỏi công nhân đào đường làm ống nước là: Tại sao các anh tái lập mặt đường sơ sài thế?
Họ nói: "Chúng tôi là thợ làm nước, không phải làm đường, mà có muốn thì chúng tôi cũng không có kinh phí, vật tư để làm chuyện này, do vậy việc của chúng tôi là chỉ lấp lại cho dân đi tạm; khi nào sụt lún quá, dân cắm cây kêu cứu thì sẽ có bộ phận chuyên làm đường đến khắc phục".
Câu chuyện của anh thợ làm nước chắc đang được lặp lại ở những người công nhân thi công lưới điện và cáp ở Q.1 mấy ngày nay.
Hàn Quốc kỹ lưỡng đến mức bất cứ con đường nào cũng có lý lịch rõ ràng. Khi cần nâng cấp, sửa chữa là họ biết con đường trước đó đã sử dụng loại đá gì, kích cỡ ra sao, loại bêtông nào, nhựa thảm bề mặt có độ kết dính, nhiệt độ giãn nở là bao nhiêu..., để đảm bảo cho hai thành phần cũ và mới kết hợp được với nhau.
Nguyễn Minh Hòa
Tay nghề kém và cẩu thả
Ngoài việc phối hợp thiếu đồng bộ dẫn đến những trục trặc, còn có những điều khác không thể không nói đến là trình độ tay nghề kém cũng dẫn đến hậu quả chất lượng tái lập mặt đường kém.
Thực sự thì trong những công nhân hằng ngày làm việc trên các công trường ở TP này, số có tay nghề, được đào tạo bài bản không phải là nhiều mà phần lớn là công nhân thời vụ hay thường được gọi là "thợ đụng".
Trong một tốp thợ thì may ra mới vài người thạo việc, họ là đội trưởng, là thợ chính phụ trách thi công kỹ thuật như đi dây, lắp ráp, đấu nối... còn những việc như tái lập mặt đường chỉ là việc phụ nên thường được giao cho những người "thợ đụng" và hậu quả nhãn tiền hiển nhiên là như thế.
Một chuyện nữa phải nói đến là không ít người Việt Nam làm việc khá tắc trách, cẩu thả và đại khái. Biểu hiện thường gặp nhất là cốt làm cho xong, không quan tâm đến chất lượng, hoặc tệ hơn nữa là chủ động bỏ qua những cái được coi là "chút xíu" cho nhẹ việc.
Việc thảm thêm một lớp nhựa cho mặt đường đầy đặn lên, việc đầm cho kỹ không để mặt đường nham nhở lồi lõm xem ra chỉ là một sự cố gắng chút xíu không tốn bao nhiêu thời gian, nhưng hậu quả của việc cố tình bỏ qua cái chút xíu ấy thật tai hại, nó có thể khiến cho những người phụ nữ yếu tay lái vấp lằn phui ngã sõng soài ra mặt đường và sẽ là khủng khiếp khi xe buýt trờ tới...
Trong báo cáo chỉ số TP an toàn (The safe cities index) vừa được tạp chí Economist và Tổ chức NEC công bố sau khi khảo sát 60 đô thị trên thế giới thì TP.HCM đứng thứ 56 về mức độ an toàn (có 4 chỉ số để đánh giá, trong đó có chỉ số an toàn về hạ tầng).
Khi còn những kiểu làm ăn cẩu thả như thế thì còn lâu TP.HCM mới trở thành TP đáng sống và không biết đến bao giờ mới được như Tokyo của Nhật Bản - TP đang đứng đầu bảng xếp hạng này.
Đang xem xét, chỉnh sửa mức xử phạt
Ông Trần Quang Lâm - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết cơ quan chức năng vẫn đang xử phạt các hành vi thi công, tái lập mặt đường ẩu, bê bối gây mất an toàn giao thông theo nghị định 46/2016 (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) và quyết định 09/2014 (về quy định về thi công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn TP.HCM).
Nhưng mức xử phạt còn thấp nên có tình trạng nhà thầu "lờn mặt". Sở đang phối hợp với các sở, ngành liên quan hoàn chỉnh sửa đổi quyết định 09/2014 theo hướng đưa ra các chế tài xử phạt mới đối với nhà thầu, đơn vị tư vấn. Đơn vị nào vi phạm liên tục có thể bị cho ngưng thi công các công trình giao thông trong địa bàn TP một thời gian.
Sở sẽ cố gắng hoàn thành đề xuất sửa đổi này và trình UBND TP để ban hành trong năm 2017.
LÊ PHAN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận