Du khách nhận khẩu trang miễn phí từ các doanh nghiệp du lịch, một nỗ lực chia sẻ với du khách của TP.HCM trong những ngày dịch nCoV bùng phát - Ảnh: N.BÌNH
Ngày 11-2, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Thị Khánh, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, cho biết hiệp hội đang chuẩn bị một kế hoạch kích cầu toàn diện cho các doanh nghiệp thành viên, với bước khởi đầu là thành lập ban chủ nhiệm Nhóm khuyến mãi kích cầu du lịch, nhằm vực dậy thị trường khi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) đi qua.
Ban chủ nhiệm mới dựa trên nòng cốt Nhóm khuyến mãi kích cầu du lịch nội địa có sẵn từ năm 2009, nhưng được bổ sung thành viên đến từ Ban hỗ trợ doanh nghiệp hội viên của hiệp hội. Việc bổ sung này nhằm có một bộ máy nhân sự đáp ứng yêu cầu mới của chương trình kích cầu năm nay là quy mô lớn hơn, giảm giá sâu hơn, không chỉ thu hút khách quốc tế mà còn kéo khách đi du lịch trở lại.
Theo bà Khánh, hằng năm TP.HCM đều có chương trình kích cầu du lịch nội địa, tuy nhiên chương trình kích cầu du lịch chống suy giảm khi hết dịch cúm nCoV có quy mô khác. Bởi đến nay thiệt hại do nCoV gây ra với ngành du lịch Việt Nam là rất nặng nề, diễn ra trên nhiều địa phương, nhiều nơi phải tính toán lại chiêu thức kinh doanh, cơ cấu lại thị trường. Vì vậy, chương trình kích cầu này đang được hiệp hội du lịch các địa phương trông chờ để lấy thăng bằng sau cú sốc do nCoV.
Không những vậy, chương trình khuyến mãi kích cầu cũng sẽ có quy mô lớn hơn so với chương trình kích cầu 2009 còn vì lý do quy mô doanh nghiệp Việt giờ cũng lớn hơn. Năm 2009, cả nước chỉ có hai hãng hàng không và ngành đường sắt chưa tham gia, nhưng hiện nay với sự sôi động của thị trường hàng không, dịch vụ du lịch phát triển, yếu tố cộng hưởng sẽ lớn hơn.
"Trong khi các doanh nghiệp, đơn vị phải tạm ngưng hoạt động du lịch ở nhiều thị trường, tuân thủ các quy định phòng dịch thì việc chuẩn bị một chương trình hành động để kích cầu là rất cần thiết. Hiệp hội đang xúc tiến làm việc với ngành đường sắt, vận tải, hàng không cũng như các nhà hàng, khách sạn, hiệp hội du lịch các địa phương đưa ra chương trình kích cầu lớn, giảm giá tour nhiều nhất, kịp thời tung ra ngay khi dịch kết thúc, vực dậy thị trường", bà Khánh chia sẻ.
Theo đánh giá của Hiệp hội Du lịch TP.HCM, dịch nCoV gây ra hậu quả nặng nề với ngành du lịch, nhiều doanh nghiệp TP.HCM chịu cảnh lượng khách giảm đến 50-70%, không ít tour tuyến bị đóng, hủy và hoãn mà chưa biết khi nào khởi hành trở lại.
Cá biệt, tại TP.HCM, có không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyên hoạt động sâu vào một hai thị trường bị giảm đến 90% khách. Tình trạng ngưng hoạt động này dẫn đến hàng ngàn việc làm của nhân viên, hướng dẫn viên du lịch vào cảnh "ngồi chơi xơi nước".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận