Đoàn xe ben nối đuôi chạy vào các mỏ đá Tân Cang (xã Phước Tân) để lấy đá |
Chuyện nổ mìn ở mỏ đá và xe ben gây ô nhiễm luôn được người dân ở xã đề cập khi đại biểu HĐND các cấp về tiếp xúc cử tri. Nhiều văn bản chỉ đạo từ cấp trên xuống yêu cầu giải quyết nhưng không được xử lý nghiêm minh |
Ông Nguyễn Văn Mỹ (bí thư kiêm chủ tịch HĐND xã Phước Tân) |
Người dân tại khu vực mỏ đá Tân Cang (thuộc hai xã Phước Tân và Tam Phước, TP Biên Hòa, Đồng Nai) đang sống trong nỗi ám ảnh bởi khói bụi, nổ mìn. Tỉnh đã lập nhiều đoàn kiểm tra, ra không ít văn bản xử lý nhưng hiểm họa ấy vẫn treo lơ lửng trên đầu người dân.
Chúng tôi đi vào khu vực mỏ đá Tân Cang (ấp Tân Cang, xã Phước Tân) trên con đường đầy rẫy ổ gà, bụi mù mịt cuộn theo từng đoàn “hung thần” xe ben nối đuôi nhau chạy như bay. Từ ngày các mỏ đá đi vào hoạt động, con đường Đinh Quang Ân trở nên “nổi tiếng” bởi tai nạn.
Ở trong nhà vẫn gặp nạn
Đến khu vực mỏ đá Tân Cang hỏi ông Phạm Văn Bông ai cũng biết. Ông Bông chính là “bằng chứng sống” về hiểm họa của mỏ đá. Vụ tai nạn nửa năm trước (ngày 21-10-2014) biến ông Bông từ một người khỏe mạnh trở thành một người mất sức lao động, bệnh tật bám riết triền miên.
Ngồi nhìn đoàn xe ben chạy ầm ầm trước cửa, ông Bông kể: “Khoảng 11g30, sau tiếng còi báo động sắp nổ mìn từ mỏ đá, tôi đi kiểm tra quanh nhà, đóng tất cả các cửa và gọi vợ con vào trong nhà để trú ẩn. Lúc tôi từ phía sau nhà chạy vào thì một hòn đá rơi xuống, xuyên thủng mái tôn, đập trúng ngực, làm tôi không biết gì nữa”.
Ông Bông được đưa đi bệnh viện cấp cứu, trải qua nhiều cuộc phẫu thuật. Ngày 11-12-2014, Trung tâm Giám định pháp y Đồng Nai kết luận ông Bông bị thương tật 29% do xây xát phần ngực, gãy xương đòn, xương sườn bên trái và giập phổi. Nguyên nhân được Công an TP Biên Hòa xác định là do HTX An Phát nổ mìn (khoảng cách 130m), đá văng khiến ông Bông bị tai nạn.
Ngồi kế bên chồng, bà Hoàng Thị Hồng nói trong thời gian ông Bông điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, đại diện HTX An Phát có đến thăm và lo tất cả viện phí. Khi chuyển qua Bệnh viện 7B mổ thì gia đình nhận thêm 5 triệu đồng từ HTX. “Đáng lẽ giờ ổng phải đi tái khám, phẫu thuật lấy nẹp ra nhưng chúng tôi không biết bấu víu vào đâu để lo tiền cho ông” - bà Hồng buồn bã than.
Theo bà Hồng, bây giờ hằng ngày ông Bông chỉ quanh quẩn trong nhà, không làm được việc nặng và thường xuyên bị cơn đau ngực hành hạ. “Sau vụ tai nạn, chủ mỏ đá có mang thùng container để trong góc vườn nhà tôi, mỗi khi nổ mìn họ thông báo để gia đình kéo nhau vào đó ẩn nấp. Nhưng chỉ được một thời gian họ lại chuyển container đi, bây giờ mỗi khi nổ mìn gia đình đều chui vào nhà, đóng hết tất cả cửa” - bà Hồng nói.
Ngoài việc ông Bông bị tai nạn, gia đình bà Hồng còn phải gánh chịu nhiều hệ lụy từ mỏ đá. Chỉ tay về những vết nứt toác chi chít trên tường nhà, bà khẳng định đó là do dư chấn từ việc nổ mìn khai thác đá. Trước cửa nhà bà là tuyến đường độc đạo hàng ngàn xe ben vào chở đá chạy mỗi ngày. Mỗi lần đoàn xe chạy qua bụi lại bao trùm cả nhà bà. Bà Hồng cho biết nhiều người sống không nổi trong khu vực này đã bỏ đi nơi khác.
Sơ đồ khu vực mỏ đá và từng đoàn xe tải chở đá vẫn chạy ngược xuôi trên đường - Ảnh: H.Lộc - Đồ họa: N.Khanh |
Nơm nớp lo sợ
Ngày hai buổi, bà Hai (60 tuổi, ngụ ấp Tân Cang) đều đặn chạy xe máy đi xuyên qua “đại công trường” khai thác đá Tân Cang 1 để đưa cháu gái 4 tuổi đến lớp mẫu giáo trên đường Đinh Quang Ân. Đường chật hẹp, hàng trăm chiếc xe ben chạy bạt mạng nên hai bà cháu luôn mất hút trong biển bụi.
Nhà của gia đình bà Hai nằm ở khu vực giáp ranh giữa ấp Tân Cang (xã Phước Tân) và ấp Thiên Bình (xã Tam Phước), bị các mỏ đá chia cắt nên mỗi lần chở cháu đi học hoặc có công chuyện bà lại băng qua khu vực mỏ đá đầy khói bụi.
Theo bà Hai, gia đình bà chuyển về ấp Tân Cang sống trên 20 năm nay, thời điểm đó các mỏ đá chưa hoạt động. Hiện tại bao bọc quanh nhà bà là những đại công trường của các mỏ đá sâu hàng trăm mét. Trước đây khu vực này có nhiều hộ dân sinh sống nhưng sau đó bán đất cho các chủ mỏ đá rồi chuyển đi nơi khác.
“Nay còn ngót nghét khoảng năm hộ dân bám víu đất để sống vì đơn vị khai thác chưa chịu mua đất. Họ mua mình mới có tiền mà đi, còn bây giờ thì vẫn phải ở đây, phải nghe tiếng mìn nổ, phải hít bụi” - bà Hai than thở.
Theo nhẩm tính của bà Hai, một tuần mỏ đá nổ mìn hai lần vào buổi trưa. “Nhà tôi ở rất gần mỏ đá nên mỗi lần nổ mìn nhà lại rung chuyển. Mỗi lần nổ họ thông báo, có người đến lùa mình vào container trú ẩn, sống giữa thời bình mà cứ như đi tránh đạn vậy” - bà Hai nói. Do nổ mìn khiến ngôi nhà cấp 4 của gia đình bà vừa xây đã xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài từ trần nhà xuống.
Cách nhà bà Hai khoảng 100m, nhà của gia đình bà Lâm cũng trong tình trạng xuống cấp bởi nổ mìn. Dẫn chúng tôi đi một vòng từ ngoài vào trong nhà, bà Lâm đếm được năm vết nứt rộng 1cm, dài khoảng 1m trên tường, trên nền nhà nhiều chỗ bị sụt lún, vỡ gạch. Theo bà Lâm, mỗi lần nổ mìn gia đình bà rất lo sợ, đá rơi lộp bộp trên mái tôn, ở ngoài vườn. Giống như các gia đình khác, mỗi lần nổ mìn gia đình bà Lâm lại chui vào thùng container để trú ẩn.
Theo các hộ dân, họ có nhờ người viết đơn khiếu nại với lãnh đạo mỏ đá và UBND xã Phước Tân. Cuối năm 2012, phía xã xuống ghi nhận hiện trạng. Khoảng đầu năm 2013, phía mỏ đá cho người mang vữa qua trét lại những vết nứt cho các nhà nhưng những vết nứt cũ không liền nổi và ngày càng dày thêm các vết nứt mới.
Bỏ xứ đi nơi khác
Không chịu đựng nổi cảnh “tra tấn” bởi bụi, tiếng ồn, đặc biệt là sự nguy hiểm đe dọa đến tính mạng mỗi khi nổ mìn, nhiều gia đình đã bỏ nhà cửa đi nơi khác sinh sống. Chỉ tay về phía căn nhà bỏ hoang, bà Hoàng Thị Hồng (ấp Thiên Bình, xã Tam Phước) nói: “Người ta sợ quá, dù chưa bán được nhà nhưng vẫn đóng cửa bỏ đi. Họ vừa đi thì có người tới dỡ hết cửa, tôn và lấy sạch đồ đạc trong nhà”.
Theo quan sát, trong ba căn nhà cạnh nhà bà Hồng bị bỏ hoang thì chỉ còn duy nhất một căn nhà chưa bị phá, hai căn còn lại chỉ còn bốn bức tường. Bà Nguyễn Thị Hiền Lê (45 tuổi, chủ một căn nhà bỏ hoang) cho biết bất đắc dĩ lắm gia đình bà mới phải bỏ nhà đi nơi khác. “Ở đó không chỉ có bụi khủng khiếp, mỗi khi nổ mìn thì đá to như bắp tay lại rơi lộp bộp trên mái nhà. Tôi còn có hai con nhỏ, sợ đá sẽ bay trúng con nên đành phải bỏ đi nơi khác” - bà Lê nói. Hiện tại bà Lê chuyển về Bình Dương thuê nhà trọ để ở và làm công nhân. “Tôi chỉ mong đơn vị khai thác đá mua luôn diện tích đất của gia đình, chứ tình trạng này cứ tiếp diễn cuộc sống của gia đình sẽ rơi vào bế tắc” - bà Lê nói.
Bi kịch không kém bà Lê, bà Đào Thị Lâm (ấp Hương Phước, xã Phước Tân) nói bà rất muốn bán nhà để đi nơi khác “nhưng chẳng ai dại mà mua nhà ở nơi ô nhiễm, nhà lún nứt, nổ mìn liên tục”.
Đổ bệnh Gần 21g, nhưng ông Trần Đỗ Nguyễn (56 tuổi, ngụ tổ 3, ấp Tân Cang) vẫn không tài nào chợp mắt vì xe ben chở đá chạy ầm ầm trước cửa nhà. Quẩn quanh trong nhà một lúc, ông băng qua đường chạy sang bãi đất trống trước nhà để “thở”. “Xe ben chở đá chạy ầm ầm nhức óc vậy, tôi muốn ngủ lắm nhưng làm sao mà ngủ nổi, cứ kéo dài tình trạng này chắc tôi đổ bệnh” - ông Nguyễn mệt mỏi nói. Theo ước tính của ông Nguyễn, một ngày có trên ngàn lượt xe ben chở đá chạy “vèo vèo” qua trước nhà. “Để hạn chế xe ben chạy ẩu, tôi cùng một số hộ dân trưng tấm biển ghi dòng chữ “làm ơn chạy chậm lại, cảm ơn” nhưng biển vừa trưng ra đã bị tài xế chạy qua cán nát, thậm chí họ còn quay lại chửi bới thô tục, hăm he đòi đánh tôi” - ông Nguyễn bức xúc. Tối 19-5, ở hơn một giờ trong nhà ông Hoàng Văn Khương (44 tuổi, tổ 3, ấp Tân Cang, sát đường Đinh Quang Ân), chúng tôi cảm nhận rõ độ rung, bụi bặm... mỗi khi có đoàn xe ben chạy qua. Ông Khương dẫn chúng tôi đi vòng khắp nhà, đến đâu ông đều lấy bàn tay chà lên các vật dụng bàn, ghế, tủ, các loại hàng hóa... Giơ hai bàn tay dính bụi, ông Khương nói: “Bụi như thế này thì làm sao sống cho nổi”. Theo ông Khương, từ khi mỏ đá đi vào khai thác khoảng 7 - 8 năm nay, gia đình ông sáu người (gồm mẹ già, hai vợ chồng, ba đứa con), có tới năm người bị bệnh về đường hô hấp. “Các triệu chứng thường gặp là ho, đau ở cổ họng, sổ mũi, thậm chí có lúc tức ngực khó thở” - bà Hồ Thị Lan, vợ ông Khương, nói. Bà Lan buồn bã kể mỗi lần đi khám bác sĩ đều khuyên nên tránh tiếp xúc với bụi nhưng còn sống ở đây thì không thể tránh khỏi. Ông Khương cũng nói cả gia đình đã đi khám nhiều lần, ở nhiều bệnh viện chuyên về hô hấp từ Đồng Nai đến TP.HCM, bác sĩ đều chẩn đoán nguyên nhân do hít nhiều bụi. “Mỗi lần đi khám rất tốn kém, chỉ tính trong năm qua cả nhà tôi đã tiêu tốn trên 20 triệu đồng” - cầm xấp hóa đơn viện phí trên tay, ông Khương tâm sự. |
(còn tiếp)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận