03/11/2008 07:54 GMT+7

Tái hòa nhập sau cai nghiện: Cánh cửa chỉ mới hé mở

NGUYỄN THỊ OANH
NGUYỄN THỊ OANH

TT - Tái hòa nhập cộng đồng là một tiến trình hai chiều. Phía các em phải phấn đấu trở thành người tốt, có ích. Phía cộng đồng phải mở rộng cửa (về mặt tinh thần) để đón nhận các em. Nhưng thực tế cả đôi bên đều chưa được trang bị cho tiến trình này nên các bước tiến vào nhà còn khó khăn và từ ngôi nhà sức đẩy ra cũng rất nặng nề.

6NdHYrgA.jpgPhóng to
Anh Nguyễn Văn Mỹ, 34 tuổi, thuộc diện học viên sau cai nghiện ma túy, tình nguyện ở lại khu định cư của Trung tâm chữa bệnh Đức Hạnh, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước. Hiện anh là tổ trưởng nhóm mộc chuyên sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ. Chiếc thuyền buồm trong ảnh là sản phẩm từ đôi tay khéo léo của anh - Ảnh: Hoàng Thạch Vân
TT - Tái hòa nhập cộng đồng là một tiến trình hai chiều. Phía các em phải phấn đấu trở thành người tốt, có ích. Phía cộng đồng phải mở rộng cửa (về mặt tinh thần) để đón nhận các em. Nhưng thực tế cả đôi bên đều chưa được trang bị cho tiến trình này nên các bước tiến vào nhà còn khó khăn và từ ngôi nhà sức đẩy ra cũng rất nặng nề.

Vậy mà đây là thời điểm hàng ngàn học viên đang rời trường trại trở về thành phố.

Từ phía người sau cai

Các em có thật sự được cai nghiện theo đúng nghĩa không? Nghĩa là về mặt tâm lý các em hoàn toàn dứt khoát với ma túy vì đã giải quyết được nguyên nhân xô đẩy các em vào đó không?

E rằng không, các em chỉ được cách ly với nó. Sống và lao động tập thể, học tập theo kiểu “thuyết pháp” chỉ giúp các em tăng cường sức khỏe và tạm quên ma túy thôi. Trong khi nguyên nhân khiến các em rơi vào ma túy mang tính tâm lý và xã hội. Ví dụ như một sự thất vọng hay buồn chán nào đó, hoặc cuộc sống tinh thần quá nghèo nàn, sống không có mục đích hay những giá trị sống tích cực. Phổ biến là tình trạng gia đình rạn nứt, mâu thuẫn với cha mẹ...

Nguyên nhân tâm lý, nếu trẻ chỉ được tác động từ bên ngoài thì khó mà thoát khỏi. Giải quyết nó phải xuất phát từ bên trong khi trẻ được hỗ trợ, khơi gợi qua tham vấn hay trị liệu tâm lý để suy nghĩ và bộc lộ. Nguyên nhân xã hội chính yếu là gia đình. Mà thực tế chưa gia đình nào có con em rơi vào ma túy được trị liệu bài bản như một số rất ít bác sĩ, nhân viên tâm lý và xã hội vừa được học ở Trung tâm Sức khỏe tâm thần TP.HCM. Có em khi về tới nhà, chỉ cần nghe một câu nói thiếu thông cảm của người cha cũng hốt hoảng chạy đi kiếm đám bạn cũ để giải sầu. Đó là chưa nói đến sự rình rập để rủ rê luôn sẵn có.

Các em trở về với tay không: trình độ học vấn chưa được nâng cao đáng kể, tay nghề mới cũng ít khi có. Hộ khẩu càng không có. Cái các em có là mặc cảm khi về đến nhà được cha mẹ đón tiếp trong lo âu và hàng xóm láng giềng nhìn bằng ánh mắt nghi ngờ. Do vậy, nhiều em không về ở địa chỉ gốc mà được cha mẹ cho đi chỗ khác. Tình trạng này dẫn đến khó khăn trong quản lý khi nơi có tên thì không có người, nơi có người lại không có tên! Đây mới chỉ là phần nhỏ so với một sức đẩy lớn từ phía cộng đồng. Đó là cách các em được tiếp cận và quản lý xuất phát từ cách nhìn nhận các em như những “phạm nhân”.

Thay đổi cách nhìn

Bệnh nhân và nạn nhân

Các nước xem người nghiện như những người bệnh cần được giúp đỡ để chữa trị. Khi nào họ buôn bán ma túy hay trộm cướp để có tiền mua ma túy họ mới là phạm nhân. Theo tôi, ở VN các em còn là “nạn nhân” của những gia đình bất hòa hay với những cha mẹ thiếu hiểu biết, và là nạn nhân của một xã hội được quản lý kém với ma túy tràn lan... Là “bệnh nhân”, “nạn nhân”, nhưng từ góc độ chính quyền địa phương, các em chủ yếu là đối tượng quản lý.

Một đội ngũ gồm cả ngàn người gọi là cán sự xã hội được thành lập để giúp quá trình hòa nhập cộng đồng của những người sau cai nghiện. Những người này không thiếu tấm lòng và thiện chí vì có nhiều người là cán bộ, sĩ quan về hưu sẵn sàng đóng góp cho cộng đồng. Nhưng cũng có những người kiêm nhiệm hay được bố trí để lấp chỗ ngoài ý muốn của họ. Tiền bồi dưỡng thấp, có khi họ phải bỏ tiền túi để tổ chức sinh hoạt với các em. Kế đó là đôi khi có tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược trong các chỉ thị, chính sách.

Khó hơn hết là thái độ e dè, ngần ngại của các em và gia đình khiến sự tiếp cận khó khăn và không thể lập mối quan hệ giúp đỡ bền lâu. Vô tình những cán sự xã hội cũng hành động như nhà quản lý thay vì những nhân viên xã hội. Điều này là tất yếu vì họ giống như binh lính ra quân mà không có vũ khí khi chỉ trải qua vài buổi thuyết trình rất chung chung về khoa công tác xã hội - một ngành học đòi hỏi những kỹ năng đặc biệt để thực hành.

Từ tháng sáu đến tháng tám vừa qua, Tổ chức Action Aid phối hợp với Trung tâm Thực hành công tác xã hội (Đại học Mở TP.HCM) và hội quán Đến Với Nhau do một nhóm nhân viên xã hội chủ trương (tại Q.Bình Thạnh) để mở hai lớp huấn luyện ngắn hạn về nhập môn công tác xã hội, tham vấn tâm lý, truyền thông chống kỳ thị, lối sống tích cực dành cho người nhiễm, Luật phòng chống HIV... Phương pháp dạy nhấn mạnh sự tham gia tích cực của người học và bao gồm thực hành xen kẽ với lý thuyết được sự giám sát của chuyên viên công tác xã hội.

Kết quả lạc quan bất ngờ vì chỉ cần thay đổi cách nhìn nhận vấn đề và phong cách tiếp cận, các anh chị cán sự xã hội đã có được sự hợp tác tích cực của các em và gia đình. Vì quan điểm và nguyên tắc làm việc của công tác xã hội và tham vấn tâm lý là:

- Chấp nhận thân chủ dù họ là ai. Lên án hành động mà không kết tội hay phê phán con người.

- Tôn trọng thân chủ chỉ vì họ là con người

- Khơi dậy nơi họ những mặt mạnh ai cũng có thay vì chỉ chú trọng tới mặt yếu. Giúp họ phát huy tiềm năng sẵn có để tin vào giá trị bản thân mà vươn lên.

- Giúp thân chủ tự nhìn lại mình, phân tích vấn đề của mình và cùng chuyên viên tháo gỡ.

NGUYỄN THỊ OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên