23/10/2024 14:10 GMT+7

Tái hiện không gian văn hóa cồng chiêng, làng nghề truyền thống Gia Lai tại TP.HCM

Khoảng 200 hình ảnh, hiện vật trong trưng bày chuyên đề Gia Lai - Sắc màu văn hóa giúp du khách hiểu thêm về vùng đất, con người Gia Lai.

Tái hiện không gian văn hóa cồng chiêng, làng nghề truyền thống Gia Lai tại TP.HCM - Ảnh 1.

Nghệ nhân Hyoi gắn với nghề đan lát từ trẻ đến nay - Ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Sáng 23-10, Bảo tàng TP.HCM phối hợp cùng Bảo tàng tỉnh Gia Lai tổ chức trưng bày chuyên đề Gia Lai - Sắc màu văn hóa, tại Bảo tàng TP.HCM.

Đây là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11-1945 - 23-11-2024).

Mang không gian văn hóa cồng chiêng đến với nhiều người

Trưng bày chuyên đề Gia Lai - Sắc màu văn hóa giới thiệu 200 hình ảnh, hiện vật giúp du khách hiểu thêm về các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa…

Đặc biệt không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, sử thi Bahnar, lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui cũng được giới thiệu trong lần trưng bày này.

Ông Lê Thanh Tuấn - giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai - nói với Tuổi Trẻ Online rằng hoạt động trưng bày ngoài tỉnh là hoạt động thường niên, mỗi năm tổ chức ở một tỉnh, thành nhằm quảng bá các giá trị văn hóa, hiện vật của Gia Lai đến với đông đảo người dân.

Triển lãm Gia Lai - Sắc màu văn hóa gồm ba phần: Gia Lai - Cao nguyên xanh; nghề truyền thống đan lát, dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Jrai, Bahnar; các di sản văn hóa phi vật thể được tôn vinh.

Trải nghiệm các làng nghề truyền thống

Đến đây, du khách có dịp tìm hiểu kỹ các thông tin về di sản văn hóa phi vật thể được tôn vinh: không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; sử thi Bahnar ở 4 huyện phía đông của tỉnh và lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui.

Trong đó, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa truyền khẩu của nhân loại vào năm 2005.

Tái hiện không gian văn hóa cồng chiêng, làng nghề truyền thống Gia Lai tại TP.HCM - Ảnh 2.

Nghệ nhân Mlơnh dệt thổ cẩm - Ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Dịp này, du khách còn được trải nghiệm hoạt động đan lát, dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Jrai, Bahnar.

Có thể nói, nghề đan lát và nghề dệt thổ cẩm là hai trong số những làng nghề thủ công mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số tại Gia Lai.

Một số vật dụng như gùi, trang phục dân tộc, trang sức, trâm cài tóc, vòng cườm, kiềng bạc, bông tai, vòng đồng đeo tay… cũng được giới thiệu.

Trưng bày chuyên đề Gia Lai - Sắc màu văn hóa diễn ra từ ngày 23-10 đến 10-11, tại Bảo tàng TP.HCM (số 65 đường Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1).

Tái hiện không gian văn hóa cồng chiêng, làng nghề truyền thống Gia Lai tại TP.HCM - Ảnh 3.

Trang phục dân tộc được làm từ thổ cẩm - Ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Tái hiện không gian văn hóa cồng chiêng, làng nghề truyền thống Gia Lai tại TP.HCM - Ảnh 4.

Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai Lê Thanh Tuấn trong không gian văn hóa cồng chiêng tại triển lãm - Ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Tái hiện không gian văn hóa cồng chiêng, làng nghề truyền thống Gia Lai tại TP.HCM - Ảnh 5.

Trang sức bằng đồng của đồng bào dân tộc - Ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Tái hiện không gian văn hóa cồng chiêng, làng nghề truyền thống Gia Lai tại TP.HCM - Ảnh 6.

Các loại bông tai của đồng bào dân tộc - Ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Tái hiện không gian văn hóa cồng chiêng, làng nghề truyền thống Gia Lai tại TP.HCM - Ảnh 7.

Một góc không gian trưng bày - Ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Tái hiện không gian văn hóa cồng chiêng, làng nghề truyền thống Gia Lai tại TP.HCM - Ảnh 2.Làm sống lại cồng chiêng Tây Nguyên

Những bộ cồng chiêng tưởng chừng đã nằm yên phủ bụi, nay lại ngân vang cùng lời ca điệu múa của đồng bào Jarai, Ba Na trong những đêm hội Cồng chiêng cuối tuần.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên