Nhiều nhận định thẳng thắn được nêu ra, như tái cơ cấu vẫn mang tính hình thức…
Phóng to |
Hội thảo quốc tế do Ban Kinh tế trung ương tổ chức lần đầu tiên từ khi tái lập - Ảnh: Việt Dũng |
Theo báo cáo đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện kế hoạch 5 năm của nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế quốc dân, đứng đầu là GS.TS Trần Thọ Đạt, tăng trưởng trung bình của VN từ năm 2007 có xu hướng giảm nhanh và liên tục, trong khi 5 nước ASEAN đều khởi sắc hơn từ sau khủng hoảng kinh tế thế giới.
Mặc dù đề cập nhiều nhưng việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của Chính phủ mới dừng lại ở công tác tổ chức, sắp xếp lại và rút vốn đầu tư ngoài ngành. Việc rút vốn đầu tư ngoài ngành và khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong các lĩnh vực kinh doanh nhằm giảm tỉ trọng đầu tư công trong nền kinh tế vẫn chưa được xem xét. Do vậy, nợ của DNNN và hoạt động kém hiệu quả của khu vực này vẫn là mối đe dọa với an toàn nợ công của VN.
Đánh giá chung về tái cơ cấu của Chính phủ với các trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu tổ chức tín dụng, ngân hàng và tái cơ cấu DNNN, nhóm nghiên cứu thẳng thắn cho rằng mới ở bước đầu, mang nặng tính hình thức và chưa thật sự phát huy hiệu quả.
Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho rằng đã có nhiều hội thảo nói trúng những tồn tại và nguyên nhân tình hình kinh tế hiện nay cũng như đề nghị giải pháp nhưng thực tế chuyển biến lại không nhiều.
Theo ông Kiêm, tình hình kinh tế hiện nay một phần do đánh giá tình hình không sát, cách giải quyết có khi gần như trên tư duy, cách làm cũ, thậm chí có cái trở lại thời kỳ bao cấp mệnh lệnh. Đội ngũ cán bộ, công quyền, sự phối hợp, minh bạch, công bằng không cao trong khi tính cục bộ, nhiệm kỳ càng tăng lên. “Đấy là cản trở, hạn chế sự phát triển của nền kinh tế, đặc biệt hệ thống doanh nghiệp” - ông Kiêm nói.
Nêu thực tế các DNNN đang nợ khoảng 1,29 triệu tỉ đồng, tương đương 51% GDP, và khó khăn kinh tế gần đây khiến nhiều DNNN mất khả năng trả nợ, phải “cầu cứu” Nhà nước, đe dọa an toàn nợ công quốc gia, nhóm nghiên cứu của GS.TS Trần Thọ Đạt đề nghị cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ cổ phần hóa DNNN.
Hai thập kỷ qua, cổ phần hóa nhưng chậm và chưa triệt để, hầu hết DNNN sau cổ phần hóa thì Nhà nước vẫn nắm vai trò chi phối nên nhóm nghiên cứu cho rằng để nâng cao hiệu quả và khôi phục tăng trưởng cho nền kinh tế trong dài hạn, Chính phủ cần xây dựng lộ trình kiên quyết nhằm thu hẹp khu vực DNNN.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học đề nghị cần đẩy mạnh chống tham nhũng, chú trọng chất trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư nước ngoài. Cuối cùng là có nhiều giải pháp nhưng cần làm, xác định rõ trách nhiệm cá nhân cũng như thời gian hoàn thành để việc thực hiện không chậm và đi ngược chủ trương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận