Điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ là một trong những ngành hàng bị tác động mạnh nhất về nguồn cung nguyên liệu khi dịch COVID-19 bùng phát - Ảnh: T.V.N
Bộ Công thương vừa đưa một số các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, phục vụ phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội trong ba tháng đầu năm trước bối cảnh chịu tác động của dịch COVID-19.
Theo đó, đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Bộ Công thương đánh giá "cũng có cơ hội để thu hút đầu tư cả trong nước và ngoài nước để tái cơ cấu trong thời gian tới đây", nên cần tập trung vào thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tái cơ cấu ngành hàng sản xuất kinh doanh.
Trọng tâm khu vực công nghiệp hỗ trợ cần tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo lớn của ta như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ... theo hướng bền vững hơn với một số đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... nhằm tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác hay thị trường.
Riêng các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Đông Á… Bộ Công thương cho rằng vẫn là các thị trường tiềm năng để khôi phục thúc đẩy phát triển đóng góp cho tăng trưởng xuất khẩu.
Trong đó, đối với thị trường Trung Quốc, bộ này cho biết đang tiếp tục tập trung xử lý nhằm khơi thông tối đa các kênh giao thương qua tuyến biên giới giữa hai nước trong bối cảnh Trung Quốc có chủ trương siết chặt hơn hoạt động thông quan, do lo ngại về dịch bệnh lây lan trở lại qua các khu vực biên giới.
Theo Bộ Công thương, dự kiến trong tuần tới, đích thân Bộ trưởng Trần Tuấn Anh sẽ cùng trao đổi với đại sứ Trung Quốc và lên tuyến biên giới khảo sát thực tế để có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận