TTCT - Có ba vấn đề cần bàn liên quan tới đề xuất được chú ý nhất của nhóm Đối thoại giáo dục (VED) về vấn đề tài chính cho giáo dục đại học (GDĐH). Đó là tính khả thi của nguồn tài trợ công trong bối cảnh ngân sách thiếu hụt, hiệu quả sử dụng tài chính công và khả năng chi trả của người dân. Sinh viên mới ra trường tìm kiếm cơ hội việc làm ở ngày hội “Phỏng vấn - tuyển dụng” TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNHCó ba yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến bức tranh tài chính ĐH. Trước hết, đại chúng hóa GDĐH đã tạo ra những thay đổi sâu sắc trong quan niệm về ĐH: từ chỗ là đặc quyền của tầng lớp tinh hoa trở thành một đòi hỏi phổ biến của công chúng; từ chỗ được xem là lợi ích công, ngày càng được nhấn mạnh khía cạnh là một dịch vụ và là một khoản đầu tư cho tương lai của cá nhân.Bối cảnh đại chúng hóa này khiến đầu tư của Nhà nước cho GDĐH sụt giảm mạnh trên toàn cầu, kể cả những nước có truyền thống bao cấp mạnh mẽ cho GDĐH như Pháp, Đức, Thụy Sĩ... Nhiều nước đã phải tăng học phí một cách đáng kể và ngày càng dựa vào nguồn thu từ người học, thậm chí xem việc thu hút sinh viên quốc tế là một hình thức xuất khẩu dịch vụ giáo dục có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế như Úc, New Zealand.Học phí ĐH ở Hoa Kỳ tăng gấp ba lần trong vòng ba thập kỷ qua (đã điều chỉnh theo mức lạm phát). Tổng nợ của sinh viên Mỹ hiện nay là 1,3 ngàn tỉ USD, đầu tư công cho GDĐH ở Mỹ trung bình giảm hơn 50% so với năm 1987. Đây là xu hướng chung ở nhiều nước và đó là lý do GDĐH tư ở khu vực Đông Á phát triển rất mạnh trong mấy thập kỷ qua.Thứ hai là lạm phát bằng cấp và tình trạng thất nghiệp của sinh viên, đặc biệt ở những nước mà GDĐH tăng trưởng quá nóng, tiêu biểu là Trung Quốc. Từ năm 1998-2008, số sinh viên Trung Quốc tăng từ 3,4 đến 21,5 triệu. Bộ GD Trung Quốc công bố tỉ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp trong ba năm qua là khoảng 30%, những người có việc thì lương không đủ sống. Chính quyền Bắc Kinh cho biết riêng ở thành phố này đã có 160.000 “bộ lạc kiến”, từ mà nhà nghiên cứu Lian Si gọi những cử nhân thất nghiệp tụ họp thành nhóm nhỏ sống lang thang ngoài phố và kiếm sống bằng những việc tạm bợ.Việt Nam đã mở rộng hệ thống GDĐH nhằm tăng số người được đào tạo ở bậc ĐH. Tuy nhiên, sự mở rộng quá nhanh về số lượng đã phải trả giá bằng sự sụt giảm về chất lượng. Ngoài tấm bằng, những người học xong ĐH không khác biệt bao nhiêu so với những người không được học ĐH, thiếu hụt những thứ mà họ cần để thích ứng trong thị trường lao động toàn cầu. Hệ quả là họ không đủ sức làm thay đổi cơ cấu hiện tại của nền kinh tế, vốn đang dựa vào lao động giản đơn nhiều hơn là lao động chất xám.Yếu tố thứ ba là sự phát triển vượt bậc của công nghệ truyền thông khiến nhà trường không còn là nơi độc quyền cung cấp tri thức nữa.VẤN ĐỀ CỦA VIỆT NAMGDĐH Việt Nam cũng tăng trưởng quá nóng trong hai thập niên qua, và cũng đang đối mặt với tình trạng cử nhân thất nghiệp. Số người vào ĐH giảm liên tục từ năm 2011 đến nay, nhiều ngành ở một số trường đã phải đóng cửa do không tuyển đủ người học. Nếu chính sách không kịp thời can thiệp, sự phát triển của GDĐH sẽ chựng lại và chúng ta sẽ không có đủ lực lượng lao động kỹ năng cao cần thiết cho hội nhập kinh tế toàn cầu.Liệu ngân sách có thể tăng thêm nguồn tài trợ?Từ năm 1998 đến nay, Chính phủ đã tăng dần đầu tư cho giáo dục, từ mức hơn 13% lên 20% tổng chi ngân sách nhà nước và hiện nay chiếm khoảng 5% GDP (trong lúc Trung Quốc, Philippines, Thái Lan và Hàn Quốc lần lượt là 2,5; 3,2; 4,2; 4,2% GDP). Với tỉ lệ chi ngân sách cho giáo dục như trên, Việt Nam thuộc nhóm nước có tỉ lệ chi cho giáo dục cao nhất thế giới. Nếu chỉ tính riêng GDĐH thì khoản chi này chiếm 11,2% tổng chi của ngân sách nhà nước (tăng dần từ 9,1% năm 2001 đến nay) và chiếm 1,2% GDP (so với Thái Lan 0,6%, Indonesia 0,5%, Hàn Quốc 0,9%, Nhật Bản 0,8%, 2010). Đầu tư ngân sách cho mỗi sinh viên tăng từ 1,051 triệu đồng (năm 2001) đến 6,133 triệu đồng (năm 2010), hiện vào khoảng 7 triệu đồng/năm/sinh viên (1).Trong lúc đó, theo The Economist ngày 3-5-2015, nợ công của Việt Nam đang ở mức 89,07 tỉ USD, chiếm 46,6% GDP. Các chuyên gia Viện Kinh tế Việt Nam cho biết mức chi tiêu công của Việt Nam đang ở mức rất cao so với các nước, chiếm hơn 30% GDP. So sánh với Hong Kong, Đài Loan, Singapore, Indonesia, mức chi tiêu các chính phủ này chỉ từ15-18% GDP. TS Lê Đăng Doanh cho rằng ngân sách dùng để trả nợ công trong năm 2015 khoảng 282.000 tỉ đồng, tương đương 31% tổng thu ngân sách. Trong khi chi thường xuyên ngân sách khoảng 72%. Cộng lại là hơn 100% tổng thu ngân sách. Rõ ràng là không còn đồng nào để đầu tư. Báo cáo của Viện Kinh tế cũng nêu rõ thu ngân sách lại thiếu bền vững. Vì vậy, khả năng để tăng thêm đầu tư nhà nước cho GDĐH là ít khả thi.Có một thực tế là học phí ở trường công hầu như không tăng trong hai thập niên qua nếu ta điều chỉnh theo tỉ lệ lạm phát. Hiện mức học phí trung bình của trường ĐH công lập vào khoảng 560.000 đồng/tháng, trường tư là 2.395.980 đồng/tháng. Nhìn vào mặt bằng giá cả hiện nay, mức học phí này còn thấp hơn cả tiền gửi trẻ ở nhà trẻ.Vậy chúng ta có thể nói gì về khả năng chi trả của người dân? Nếu tính gộp các chi phí liên quan đến học ĐH, tổng chi phí cho việc học ở ĐH công chiếm đến 97% tổng thu nhập của các gia đình thuộc nhóm thu nhập thấp (dưới 5 triệu đồng/tháng) và chiếm 38,5% đối với nhóm thu nhập trung bình (từ 5-10 triệu đồng/tháng). Nếu học trường tư, tỉ lệ này lên tới 122% thu nhập của gia đình nhóm thu nhập thấp và 58,6% đối với nhóm thu nhập trung bình (2). Điều này có nghĩa là bất kỳ chính sách tăng học phí nào cũng cần quan tâm thích đáng đến việc hỗ trợ sinh viên từ các gia đình có thu nhập thấp, nếu không sẽ làm giảm lập tức số người được đào tạo bậc cao, và quan trọng hơn làm giãn rộng khoảng cách về cơ hội và tạo ra bất ổn xã hội.Điều này đã được đề cập nhiều lần trong các thảo luận về chính sách, kể cả trong bản khuyến nghị của VED. Điều đáng nói hơn là cơ chế để thực thi điều này. Bản khuyến nghị của VED đã nêu ra một điểm đáng chú ý, chúng tôi cho rằng nó cần được thể chế hóa bằng quy định, là bắt buộc các trường công cũng như tư dành ra một tỉ lệ nhất định trong tổng thu học phí cho quỹ học bổng, với các tiêu chuẩn và quy trình xét chọn học bổng công khai. Cách làm này thực chất là dùng tiền của người giàu để chi cho người nghèo, và mở ra một cánh cửa cho bất cứ ai cũng có thể bước vào ĐH nếu có nỗ lực xứng đáng.Nhưng còn những giải pháp khác vốn ít được bàn đến hơn, đó là tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn lực ở khu vực công và chính sách đối với khu vực tư.HIỆU QUẢ SỬ DỤNG NGUỒN LỰC Ở CÁC TRƯỜNG CÔNG LẬPTheo một nghiên cứu được thực hiện năm 2011 (trong một dự án do Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội chủ trì), hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước cho giáo dục trong giai đoạn 2000-2010 ở Việt Nam là thấp và thuộc loại thấp nhất trong khu vực và trên thế giới (3). Sở dĩ mọi đề xuất tăng học phí đều vấp phải phản ứng mạnh mẽ của xã hội không hẳn chỉ vì mọi người đã quen với tư duy bao cấp, mà một phần quan trọng là vì niềm tin của công chúng đối với các trường công lập nói riêng và khu vực công nói chung rất yếu. Điều này là hệ quả trực tiếp của việc thiếu một cơ chế hữu hiệu về trách nhiệm giải trình. Yêu cầu về “Ba công khai” của bộ (tài chính, đội ngũ và cơ sở vật chất) đã ban hành từ năm 2009 nhưng có rất ít trường thực hiện một cách đầy đủ và nghiêm túc, những trường không có báo cáo “Ba công khai” trên trang web hoặc có một cách sơ sài thì cũng không sao cả.Mặc dù mức thu học phí ở các trường công hiện rất thấp, chỉ khoảng 5,6 triệu đồng/năm/sinh viên, nhưng cộng với chi ngân sách khoảng 7 triệu đồng/năm/sinh viên, thành hơn 12 triệu đồng/năm/sinh viên. Đó là chưa tính khoản bao cấp về đất đai, trường sở. Hiện chưa có con số chính thức nào cho biết nếu tính thành tiền đất đai và cơ sở có sẵn của các trường công thì con số này trung bình là bao nhiêu. Nếu tạm ước tính dựa trên số tiền thuê cơ sở vật chất của một trường tư thì con số này không dưới 3 triệu đồng/năm/sinh viên. Như vậy, suất đầu tư ở trường công hiện nay xấp xỉ 15 triệu đồng, tức khoảng 50% GDP đầu người, một con số không nhỏ so với các nước. Con số này của Việt Nam, theo thống kê năm 2012 của UNESCO là 41,24% GDP đầu người, trong lúc ở Hoa Kỳ là 20,08%, Pháp và Phần Lan 37%, Úc 20%, Nhật 24,1%, Hong Kong 30,3%, Campuchia 27% và Malaysia là 60,9% (4).Vì vậy, giải pháp hợp lý cho các trường công không phải chỉ là tăng học phí, mà còn là, và chủ yếu phải là, cải thiện hiệu quả sử dụng nguồn lực.Một nhà quan sát nhận định rằng ở một số trường ĐH công hiện nay, nếu có tiền, lãnh đạo không chắc là biết tiêu vào đâu để mang lại hiệu quả cho lợi ích chung, vì thật ra họ không hiểu ĐH phải vận hành như thế nào thì có chất lượng. Không sửa được điều này thì rất khó kêu gọi sự đồng thuận của xã hội trong việc tăng học phí và hỗ trợ các trường ĐH.Hiệu quả sử dụng nguồn lực ở các trường công lập là hệ quả trực tiếp của cơ chế quản trị ở cấp trường và cấp hệ thống. Cùng với đề xuất tăng đầu tư, VED khuyến nghị tăng cường tự chủ tài chính cho các trường, cụ thể là “được toàn quyền quyết định các vấn đề như số lượng tuyển sinh, mức học phí, chương trình và chất lượng đào tạo, chi tiêu (...). Có cơ chế giám sát nội bộ và từ bên ngoài để chống lạm dụng quyền tự chủ này. Có cơ chế cung cấp thông tin cho người dân lựa chọn trường”. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng tự chủ tài chính mà không gắn với quyền tự chủ trong việc lựa chọn lãnh đạo nhà trường, trong quản trị nội bộ, và không gắn với cơ chế giải trình trách nhiệm với các bên liên quan thì không có mấy ý nghĩa trong việc cải thiện chất lượng và hiệu quả.Cần gắn việc cung cấp tài trợ của Nhà nước cho các trường công với việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các trường, thông qua những thước đo hợp lý và công khai. Và đánh giá chất lượng công việc của lãnh đạo các trường bằng kết quả đạt được (về chất lượng người học, thành tích nghiên cứu, đóng góp phục vụ cộng đồng...) trong tương quan với chi phí mà Nhà nước đã cấp, học phí đã thu, thông qua công khai báo cáo thường niên của các trường. (1), (2): Nguồn: Nguyễn Ngọc Anh, 2012. Cơ chế phân bổ ngân sách cho ĐH công lập: hiện trạng và khuyến nghị.(3): Nguồn: Trịnh Tiến Dũng, 2012.(4): Nguồn: http://data.uis.unesco.org. Tags: Học phíNhóm đối thoại giáo dụcTài chính đại học
Ông Medvedev: Nga sẽ đáp trả hạt nhân nếu phương Tây chuyển giao vũ khí này cho Ukraine NGHI VŨ 26/11/2024 Theo ông Medvedev, một khi phương Tây chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Ukraine, Matxcơva có thể xem đó là một cuộc tấn công vào Nga.
Bất động sản, ai ai cũng... khóc ÁI NHÂN 26/11/2024 Lâu nay nhiều người cứ nghĩ làm bất động sản dễ ăn lắm, giá nhà đất cứ lên vù vù mới có chuyện "một người cười, chín người đau".
Anh trai vượt ngàn chông gai ra nhóm nhạc; Eun Jung T-Ara du lịch Việt Nam LAN HƯƠNG 26/11/2024 Một số thông tin nổi bật: Anh trai vượt ngàn chông gai chuẩn bị ra mắt nhóm nhạc; Hoa hậu Lê Hoàng Phương lột xác trong Bước nhảy hoàn vũ; Thành viên T-Ara du lịch Việt Nam; Hé lộ sự thật đằng sau Hoa hậu Hoàn vũ 2024.
Giá cà phê cao chưa từng thấy khi vào chính vụ, nông dân thành 'đại gia' NGUYỄN TRÍ 26/11/2024 Giá cà phê có xu hướng tăng dần khi vào chính vụ khiến nhiều nông dân phấn khởi bởi 'chưa năm nào vào vụ mà giá cao như năm nay'.