TTCT - Câu đố: biểu tượng gì khi đứng một mình thì rượt đuổi nhau, nhưng khi đi cùng những con số thì hơn 80% tiến thẳng ra bãi rác? Gary Anderson, 23 tuổi, đang là sinh viên kiến trúc tại Đại học Nam California ở Los Angeles (Mỹ) khi anh chiến thắng một cuộc thi thiết kế logo về tái chế giấy, do một công ty sản xuất hộp tài trợ. Đó là năm 1970. Anderson được thưởng chỉ 2.500 đô la. Nhưng cái logo đó đã trở thành biểu tượng quốc tế cho công cuộc tái chế chất thải.Biểu tượng tái chế gồm ba dải mũi tên gấp lại, rượt đuổi nhau thành một chu trình bất tận hình tam giác, chính là đáp án của câu đố đầu bài. Dù nó đang xuất hiện trên mọi loại hàng hóa, nhưng không có nghĩa là một thứ gì đó thực sự có thể tái chế được. Trong số 7 tỉ tấn rác thải nhựa được tạo ra trên Trái đất tính đến nay, chưa đến 10% được tái chế, và khoảng 85% kết thúc ở các bãi chôn lấp rác, theo Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP).Lời nói dối vĩ đại của ngành nhựa nước MỹKhoảng một năm trước, Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) muốn chấm dứt việc sử dụng biểu tượng tái chế trên các loại nhựa không thể tái chế được. Cha đẻ của nó, Gary Anderson nay đã U80, cũng đồng ý rằng biểu tượng này đã bị lạm dụng.Lâu nay, phần lớn người tiêu dùng xem biểu tượng "mũi tên đuổi theo nhau" dưới đáy chai lọ hay in trên các loại bao bì là dấu hiệu cho biết một món đồ có thể tái chế được. Nhưng trong vũ trụ đồ nhựa, đó là một sự nhầm lẫn tai hại. Các nhà sản xuất thường ghép logo tái chế với mã nhận dạng nhựa, từ số 1 đến số 7, cho biết loại nhựa nào có trong sản phẩm."Hiện nay, không phải tất cả các mã nhựa đều có thể được tái chế ở Mỹ" - Jennie Romer, đại diện EPA, viết trong một lá thư hồi tháng 4-2023 gửi Ủy ban Thương mại liên bang (Mỹ). Nhiều loại nhựa, đặc biệt là những loại được đánh số từ 3 đến 7, "không khả thi về mặt tài chính để tái chế".Tuy nhiên, vấn đề của chuyện tái chế nhựa không nằm ở khái niệm hay quy trình, mà nằm ở chính chất liệu đó. Đầu tiên, ta có hàng ngàn loại nhựa khác nhau, mỗi loại có thành phần hóa học và đặc tính riêng, chưa kể các chất phụ gia và chất tạo màu, nên chúng không thể tái chế cùng nhau. Ví dụ, ta không thể tái chế chai nước suối PET#1 với hộp nhựa trong suốt đựng thức ăn, cũng là PET#1. Hay ta không thể tái chế chai PET#1 màu xanh lá cây với chai PET#1 trong suốt (đó là lý do tại sao Hàn Quốc đã cấm chai PET#1 có màu). Việc phân loại rác thải nhựa thành từng loại riêng biệt để xử lý khiến một quy trình vốn đã tốn kém lại càng thêm đắt đỏ.Thách thức thứ hai: nhựa giảm chất lượng chỉ sau một hoặc hai "cuộc đời", trở nên độc hại hơn sau mỗi lần được tái chế.Nói chung, tái chế nhựa không phải là một giải pháp khả thi về mặt kinh tế hoặc kỹ thuật, và các nhà sản xuất nhựa đã biết về những thách thức hiện hữu này… từ ít nhất ba thập niên trước. Nhưng họ che giấu thông tin đó trong các chiến dịch tiếp thị của mình, theo một báo cáo mới đây của nhóm vận động Center for Climate Integrity (CCI).Minh họa: Grist/Getty ImagesVào những năm 1950, các nhà sản xuất nhựa đã nảy ra một ý tưởng nhằm đảm bảo thị trường nhựa không ngừng phát triển: khả năng sử dụng một lần. Suốt những thập kỷ tiếp theo, ngành công nghiệp này nói với công chúng rằng nhựa có thể dễ dàng được vứt ra các bãi chôn lấp hoặc thiêu hủy trong lò đốt rác. Nhưng vào những năm 1980, khi chính quyền các thành phố bắt đầu xem xét lệnh cấm bao bì và sản phẩm nhựa dùng một lần, ngành nhựa bắt đầu thúc đẩy một ý tưởng mới: tái chế.Nhóm tác giả của báo cáo trên phát hiện rằng: người trong ngành từ xưa đã xem việc tái chế nhựa là "không kinh tế". Một báo cáo nội bộ năm 1986 của hiệp hội thương mại Viện Vinyl (Mỹ) lưu ý rằng "tái chế không thể được xem là giải pháp vĩnh viễn cho chất thải rắn [từ nhựa], vì nó chỉ kéo dài thời gian cho đến khi một món đồ bị vứt bỏ".Năm 1989, giám đốc sáng lập của Viện Vinyl đã nói trong một hội nghị thương mại: "Việc tái chế không thể tiếp diễn vô thời hạn, và không giải quyết được vấn đề chất thải rắn". Bất chấp điều đó, năm 1988, ngành nhựa vẫn tung ra biểu tượng ba mũi tên tái chế.Richard Wiles, chủ tịch CCI, trả lời báo The Guardian: "Các công ty đã nói dối… Đã đến lúc họ phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại mà họ đã gây ra". Kết hợp những kết quả nghiên cứu hiện có và các tài liệu nội bộ mới được tiết lộ, báo cáo của CCI có thể dẫn đến các hành động pháp lý.Trở lại biểu tượng tái chế, John Hocevar, giám đốc tại Greenpeace U.S.A., nói với The New York Times rằng nếu không có cách tái chế nhựa hiệu quả, cách in nhãn hiện tại sẽ gây hại nhiều hơn là có lợi. Chúng góp phần tạo nên một quan niệm sai lầm rằng "tái chế là giải pháp cho rác thải nhựa".Nhựa còn đáng tái chế không?Giới khoa học đang tích cực tìm giải pháp. Họ đang lùng sục các bãi rác trên khắp thế giới để tìm các loài vi khuẩn, nấm, thậm chí côn trùng mang loại enzyme có thể phá vỡ các loại polymer khác nhau. Ví dụ, dùng enzyme phân hủy PET thành các đơn vị nhỏ hơn, gọi là monomer, sau đó dùng chúng để sản xuất nhựa mới. Theo một ước tính năm 2021, một trong những monomer gọi là axit terephthalic (TPA), nếu thu hồi theo cách trên, có thể cắt giảm đến 43% lượng khí thải nhà kính so với việc sản xuất TPA từ đầu.Các chính sách mới cũng đang được thảo luận. Năm nay 2024, lần đầu tiên trên thế giới, Liên Hiệp Quốc chuẩn bị xây dựng một hiệp ước về ô nhiễm nhựa toàn cầu. Hiệp ước này nhằm hạn chế ô nhiễm nhựa, đưa ra các quy định mới về sản xuất và thiết kế các sản phẩm nhựa để giúp việc tái chế dễ dàng hơn, cùng các biện pháp khác.Và trong năm kế tiếp, luật quy định 25% vật liệu trong hộp nhựa và chai nước giải khát phải là nhựa tái chế sẽ có hiệu lực ở Washington, California của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Nhưng cần biết rằng: chừng nào nhựa nguyên sinh còn rẻ do giá nhiên liệu hóa thạch thấp thì nhựa tái chế khó lòng cạnh tranh được.Đồ họa: Statista. Nguồn: Báo cáo Global Plastics Outlook của OECDVới ngày càng nhiều công ty cam kết sử dụng nhựa tái chế trong sản phẩm của mình, tỉ lệ tái chế rác thải nhựa có thể sẽ tăng lên. Chẳng hạn theo Chiến lược châu Âu về nhựa trong nền kinh tế tuần hoàn (the European Strategy for Plastics in the Circular Economy), mục tiêu là 10 triệu tấn nhựa tái chế được đưa vào hàng hóa ở EU vào năm 2025, giúp giải quyết gần 40% lượng rác nhựa được thải ra mỗi năm của khu vực này.Về phần cá nhân, trước tiên là reduce - giảm thiểu và reuse - tái sử dụng, sau đó hãy học cách để trở thành một người tái chế hiệu quả. Chúng ta luôn có thể tránh sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Nếu buộc phải dùng chúng thì tái chế nhựa vẫn tốt hơn là vứt chúng đi. Theo báo cáo CCI, hành vi sai trái của ngành nhựa vẫn còn tiếp tục. Trong nhiều năm qua, các nhóm vận động hành lang đã thúc đẩy cho cái gọi là tái chế hóa học - phá vỡ các polymer nhựa thành các phân tử nhỏ để tạo ra nhựa mới, nhiên liệu tổng hợp và các sản phẩm khác. Nhưng quá trình này gây ô nhiễm và thậm chí còn tốn kém năng lượng hơn so với cách tái chế nhựa truyền thống. Chuyên mục Việt Nam Xanh được thực hiện với sự đồng hành của PRO VIỆT NAM. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Việt Nam xanh Tiếp theo Tags: Rác thải nhựaBảo vệ môi trườngPhân loại rác thảiNgười tiêu dùngNhựa tái chế
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.