Phóng to |
Dầu bẩn sau tái chế được dán nhãn của các hãng dầu thương hiệu tại một cơ sở ở quốc lộ 22, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, TP.HCM - Ảnh: ĐỨC THANH |
Ông Dưỡng - một đầu nậu mua bán dầu ăn chiên đi chiên lại, chủ cơ sở Đức Dưỡng (gần cầu An Hạ 1, huyện Củ Chi, TP.HCM) - chỉ một can dầu 5 lít màu vàng đục giới thiệu: “Tụi tui chuyên mua dầu ăn đã chiên, tái chế thủ công, bỏ vào chai mới, dán nhãn của các hãng dầu xịn rồi đem bỏ mối. Tuy là dầu chiên rồi nhưng nếu mua để chiên thức ăn bán quán thì tốt chán, giá lại “bèo”, chỉ 22.500 đồng/lít”.
“Vòng đời” của dầu bẩn
Ông Dưỡng có lực lượng nhân viên hơn 50 người rải đi khắp nhà hàng mua các loại dầu đã chiên với giá 8.000-9000 đồng/kg. Sau đó cơ sở này phân loại dầu theo độ vàng, mùi dầu (dầu đã sử dụng thường bị nhiễm mùi cá, hành phi...) để tái chế theo từng loại. Ông Dưỡng nói: “Mấy loại dầu này bẩn một tí nhưng ăn vào không sao đâu, có điều tụi này phải né mấy ông thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Họ mà bắt được quả tang là phạt chết luôn”.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai (chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM): Dầu tái chế rất nguy hại Khi dầu ăn bị chiên nóng nhiều lần thì thành phần hóa học sẽ thay đổi vì vitamin A, E và một số chất dinh dưỡng trong dầu bị phá hủy, xuất hiện một số chất độc như aldehyde, fatty acid oxide... Tai hại hơn là quá trình chiên lại nhiều lần, dầu ăn sản sinh ra nhiều chất độc gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe với nhiều triệu chứng như khó tiêu, nhức đầu, đau bụng, tăng nguy cơ các bệnh về tim mạch, huyết áp, tai biến mạch máu não, bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer... Đây là điều rất nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. |
Qua ghi nhận của chúng tôi, rất nhiều cơ sở chiên hành phi, các xe chiên bánh bao, bánh tiêu... tại TP.HCM là mối mua dầu của cơ sở này. Nhiều nhà hàng, quán ăn lớn ở quận 12, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, huyện Hóc Môn... mỗi tuần mua hàng chục thùng dầu tái chế của cơ sở Đức Dưỡng. Để có dầu bẩn tái chế, sau khi giao hàng cho các quán, ông Dưỡng thu mua lại những can dầu đã chiên ở những nơi này đem về tiếp tục “tinh luyện”, sau đó bán ngược trở lại.
“Người ăn không thể nào biết được dầu ăn đã qua bao nhiêu lần tái đi tái lại khi nhà hàng chế biến các món ăn đặc sản” - ông Dưỡng thừa nhận. Bà Thu - chủ cơ sở chiên hành phi Thủy, gần cầu Tham Lương, Q.12, khách hàng của ông Dưỡng - nói: “Mua dầu tái chế này giá rẻ nên lời nhiều, chứ bây giờ vật giá leo thang, mua dầu xịn phi hành lỗ chết”.
Cơ sở tái chế dầu Lương Tâm của ông Lương nằm trong con hẻm nhỏ trên đường số 23 (Q.8) cũng chuyên mua dầu cặn về tái chế để bán cho các nhà hàng, quán nhậu. Mới đầu hẻm, mùi hăng hắc đã bốc ra từ những thùng dầu đang tái chế. Trong vai những nhân viên mới đến xin việc tại cơ sở, chúng tôi chứng kiến cảnh tái chế dầu bẩn tại đây hết sức hãi hùng. Năm thùng dầu cặn đen nhanh chóng được hai nhân viên tái chế “nóng” ngay tại sân.
Một người ở trần cầm phễu đặt trên thùng rỗng, người kia từ từ đổ can dầu đen kịt qua phễu lọc. Lọc xong hai thùng, người này đổ những thứ vướng lại trên phễu ra miệng cống với đủ loại phế phẩm: vảy cá, tôm, rau, gián, ruồi... Ông Lương nói: “Hôm nay cơ sở đúng là hên. Mua được chục can dầu bẩn giá quá bèo. Dầu này tái chế xong nhớ đừng dán nhãn mác nhe để đỡ bị các cơ quan chức năng điều tra”. Ngoài việc bỏ mối cho các cơ sở chiên cá cơm trên đường Đình An Tài (Q.8), cơ sở này còn bỏ mối cho nhiều nhà hàng ở Q.5 và các cửa hàng bán thức ăn nhỏ lẻ ở quận 8, 5, 11...
Còn tại “lò” tái chế dầu bẩn của bà Oánh trên quốc lộ 22 (xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn), kho chứa dầu khá rộng gồm hai căn nhà cấp 4, bên trong để hơn 500 thùng dầu đang tái chế (loại 25-30 lít), đa số là dầu có màu đen kịt, đặc quánh. Các thùng dầu này đều không có nhãn mác, trên mặt thùng cáu bẩn chỉ có một ký hiệu chữ “H” màu xanh. Bà Oánh nhanh tay đổ từng gáo dầu qua phễu để lọc dầu cặn, thức ăn thừa.
“Ở đây có đủ loại dầu, giá 550.000-600.000 đồng/thùng 24 lít”. Cơ sở này rất đông khách mua vì dầu được tái chế và bán theo mùi của dầu. “Một số cơ sở bán tràn lan, khi khách mua dầu chiên bánh mà giao dầu chiên cá thì coi như hỏng. Đây là mùi tanh của cá, đây là mùi thơm của bột... cần chiên thức ăn mùi gì tụi này cung cấp dầu có mùi đó vì có pha một ít hóa chất tạo mùi vào” - bà chủ cơ sở khẳng định.
Mượn tên dầu xịn!
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cơ sở của bà Oánh là một đầu mối chuyên sản xuất, phân phối dầu tái chế quy mô lớn ở TP.HCM. Dầu tái chế được phân thành hai loại. Loại 2 được đong vào những thùng nhựa đen đúa, không nhãn mác bán giá rẻ. Dẫn chúng tôi qua kho sát bên cơ sở, bà chủ giở những tấm bạt đậy kín hơn 50 thùng dầu ăn loại 1 nói: “Đây là loại dầu “chất”, tức dầu dán nhãn của các hãng dầu ăn xịn, giá 26.000 đồng/lít, chuyên cung cấp cho các nhà ăn tập thể, các bếp ăn công nhân, căngtin”.
Bà ta đong ra một ít dầu có màu vàng từ một thùng dầu dán nhãn hiệu Tường An nói: “Dầu phải vàng, không mùi như vầy mới “chất”, bán cho các nhà hàng lớn, bếp ăn công nhân được vì những nơi này thường bị kiểm tra”. Quan sát, lô dầu ăn “xịn” của cơ sở này được dán đủ nhãn hiệu như Marvela, Tường An..., giá rẻ hơn cả chục ngàn đồng so với giá dầu cùng nhãn hiệu bán trên thị trường. “Đây cũng là dầu chiên rồi cả, nhưng chỉ chiên lần đầu nên còn vàng mới có thể phù phép dán nhãn xịn vào”.
Cũng như cơ sở của bà Oánh, cơ sở tái chế dầu ăn đã chiên của ông Dưỡng dán nhãn của các hãng dầu có thương hiệu cho những thùng dầu tái chế loại 1. Loại dầu này cơ sở để riêng trên kệ gỗ, đóng trong thùng nhựa loại 24 lít, trắng sạch hơn và được dán nhiều loại thương hiệu như Tường An, Marvela, Cái Lân... Các thùng dầu loại 1 của cơ sở tái chế dầu của ông Lương ở Q.8 đều được dán nhãn của các hãng dầu ăn Cái Lân, Tường An... và niêm phong nắp thùng. Dầu loại 2 để riêng được đóng trong những can nhựa cáu bẩn, không dán nhãn. “Nhãn dầu xịn thì đặt mấy cơ sở làm bao bì quen biết làm giúp, còn thùng, chai đựng dầu thì mua lại những thùng, chai dầu của các hãng xịn đã được người ta sử dụng rồi bán ve chai, về vệ sinh lại. Vậy là giống y như hàng xịn” - ông chủ cơ sở tiết lộ.
Bám theo xe ba gác máy của vợ chồng bà Hương chở đầy các loại mỡ, da đã thối rữa đựng trong nhiều bọc nilông, chúng tôi đến cơ sở Hương Hoa chuyên tái chế mỡ thối trên đường Nguyễn Văn Quá, P.Đông Hưng Thuận, Q.12. Cách cơ sở này chừng 50m, mùi tanh hôi nồng nặc bốc ra từ những chảo mỡ nghi ngút khói và những đống da, mỡ heo mốc xanh đặt dưới nền. Một người dân ở đây cho biết: “Mỗi ngày, lò mỡ heo thối này cháy chảo từ lúc 3g-4g sáng và khách nườm nượp kéo nhau tới lấy mỡ heo cứ thế kéo dài đến 18-19g”. Mỗi ngày cơ sở trên xuất ra thị trường hàng trăm lít mỡ ăn thắng từ mỡ, da heo thối. Mỗi khi xe gom mỡ về, bà Hương cho đổ thẳng trước hiên của cơ sở. Tại đây luôn có hơn chục nhân viên quần quật quanh các chảo thắng mỡ. Không cần rửa lại, các loại da, mỡ được nhân viên nữ cầm dao hì hục cạo lông chất thành từng đống. Tất cả được đưa vào một máy xay cũ kỹ, gỉ sét để xay nhuyễn cho rơi thẳng xuống những chậu nhựa hứng sẵn dưới đất. Hai người đàn ông đứng chảo luôn tay bốc từng nắm mỡ thảy vào trong chảo đang sùng sục sôi. Cứ khoảng năm phút, nhân viên đứng kế bên lại dùng một thanh sắt lùa mùn cưa để nhen lửa. Mùn cưa, tro lửa cứ thế bay luôn vào chảo mỡ. Lâu lâu, họ lại dùng gáo nhựa múc mỡ đã thắng trong chảo đổ ra hai thùng sắt chờ nguội trước khi đóng thùng loại 24 lít bỏ mối. Bà Hương cho biết: “Nếu muốn chiên lấy tóp mỡ cho người ăn được thì chiên vừa phải, khi mỡ chuyển sang màu vàng phải vớt ra. Còn muốn tận dụng triệt để thì chiên mỡ đến khi nào nó chuyển sang màu đen kịt, mùi khét thì đổ đi”. “Cơ sở tui chỉ bán sỉ hay bán cho các nhà hàng, quán ăn, các cơ sở làm bánh, bếp ăn tập thể. Bán giá bèo mà đem về chiên ăn thì tụi tui không chịu trách nhiệm gì đâu nghe. Giá mỡ loại 1 tụi này bỏ mối tại lò là 24.000 đồng/kg, loại “đen” hơn một tí thì giá 20.000 đồng/kg” - bà Hương nói. Các loại da, mỡ heo thối được cơ sở này gom về từ các quầy thịt heo ở các chợ với giá 5.000-15.000 đồng/kg tùy chất lượng mỡ còn trắng hay đang bị phân hủy. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận