TTCT - Nhiều nước trên thế giới như Thái Lan, Singapore, Úc, Malaysia, Mỹ, các nước châu Âu đều có chính sách bồi thường cho người tiêm vaccine COVID-19 bị thương tật nặng hoặc tử vong. Tuy nhiên thủ tục chứng minh các tai biến có liên quan đến vaccine ở một số nước không hề dễ dàng. Một học sinh tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 2 ở Philadelphia, Mỹ ngày 7-9-2021. -Ảnh: Reuters Bù đắp tổn thươngBà Somkit Punnasiri, ở tỉnh Ayutthaya, Thái Lan, có người chị 70 tuổi chết ngày 13-7 sau khi tiêm vaccine COVID-19. Cán bộ y tế địa phương đến chia buồn và giúp bà Punnasiri điền vào giấy tờ yêu cầu bồi thường. Ngày 8-8, bà nhận số tiền bồi thường 400.000 baht, thủ tục yêu cầu bồi thường rất đơn giản.Đến ngày 28-9, theo báo Bangkok Post, Thái Lan có tổng cộng 464 người chết hoặc tổn thương nặng và vĩnh viễn do tiêm vaccine COVID-19 đã được đền bù qua chương trình bồi thường không cần khởi kiện ở Thái Lan. Có ba mức bồi thường: phải chữa trị liên tục bồi thường tối đa 100.000 baht (68,5 triệu đồng)/trường hợp, bị tàn tật một phần sau tiêm vaccine COVID-19 là 240.000 baht (164 triệu đồng)/trường hợp, bồi thường 400.000 baht (273,7 triệu đồng) cho trường hợp bị tử vong hoặc thương tật vĩnh viễn. Chương trình triển khai từ tháng 5-2021 và đã có 3.626/4.065 yêu cầu bồi thường được Văn phòng An ninh y tế quốc gia Thái Lan phê duyệt. 230,79 triệu baht đã chi trả, trong đó có 464 trường hợp tử vong và bị tàn tật sau tiêm. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đã ký thỏa thuận bảo vệ các công ty bán vaccine khỏi các khiếu nại về trách nhiệm sản phẩm. Ở châu Á, Singapore, Úc, Malaysia... đều có chương trình hỗ trợ tài chính hay quỹ bồi thường cho người bị những tác dụng phụ nghiêm trọng của vaccine. Tháng 3-2021, Malaysia cho biết đã lập quỹ bồi thường trị giá 2,4 triệu USD để hỗ trợ cho trường hợp mắc các biến chứng nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine COVID-19. Người phải nằm viện do phản ứng sau tiêm sẽ được hỗ trợ 50.000 ringgit (tương đương 12.171 USD), nếu bị thương tật vĩnh viễn hay chết, họ được bồi thường gấp 10 lần, là 500.000 ringgit.Úc vừa thiết lập cơ chế yêu cầu bồi thường cho các cá nhân bị “ảnh hưởng từ vừa đến nặng” sau khi tiêm các vaccine COVID-19 được cơ quan chức năng phê duyệt là Pfizer, AstraZeneca, Janssen-Cilag, Moderna (sản xuất tại Úc). Quy trình chỉ yêu cầu cung cấp các giấy tờ chứng minh thiệt hại, không phải qua kiện tụng. Với yêu cầu bồi thường dưới 20.000 USD, người dân sẽ nhận được chi phí thương tật do vaccine với điều kiện phải nhập viện ít nhất 1 đêm.Các giấy tờ gồm hồ sơ y tế chứng minh bản chất của tai biến liên quan vaccine COVID-19, bằng chứng nhập viện, bị thiệt hại thu nhập và chi phí y tế.Với yêu cầu bồi thường có giá trị cao, việc chứng minh phức tạp hơn. Hiện các điều kiện về giấy tờ với các yêu cầu bồi thường trên 20.000 USD, bồi thường người tử vong đang hoàn thiện, chưa được công bố. Tại Úc, các tác dụng phụ được ghi nhận của vaccine COVID-19 bao gồm tai biến huyết khối giảm tiểu cầu liên quan đến vaccine AstraZeneca, viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim liên quan đến Pfizer. Người yêu cầu bồi thường cũng có thể khởi kiện. Ông Kurt Weideling, sống ở Winchester, Anh, mất vợ là bà Nicola hồi tháng 5-2021. Ảnh: BBC Đòi bồi thường không dễÔng Kurt Weideling, sống ở Winchester, Anh, mất vợ là Nicola hồi tháng 5-2021. Bà là một trong số rất ít người bị biến chứng đông máu hiếm gặp sau khi tiêm vaccine AstraZeneca. Bà bị đau đầu dữ dội, cổ tay xuất hiện những vết bầm kỳ lạ phải nhập viện. Trải qua 2 lần phẫu thuật, bà vẫn tử vong. Hè năm nay, ông Weideling bắt đầu các thủ tục đòi tiền bồi thường với Chương trình chi trả sự cố vaccine của Chính phủ Vương quốc Anh. Chương trình thành lập từ năm 1979 và đảm bảo bồi thường cho gia đình của những người bị tàn tật nặng do tiêm vaccine, được miễn thuế trị giá 120.000 bảng (3,75 tỉ đồng). Ông Weideling đánh giá quy trình nộp đơn rất cứng nhắc và lỗi thời. Sau khi nộp hồ sơ, ông không được thông báo, không thể theo dõi hồ sơ. Đài BBC cho biết thủ tục phức tạp và nhiều người thuê luật sư để hỗ trợ họ.Tại Mỹ, việc đòi bồi thường do thương tật và tử vong sau khi tiêm vaccine COVID-19 thuộc hàng “trần ai khoai củ”. Nhiều công ty luật đăng công khai trên trang web về những gian nan của việc đòi bồi thường do hậu quả của tiêm vaccine và không khuyến khích khách hàng khởi kiện. Công ty Maglio Christopher & Toale viết: “Luật sư của chúng tôi không thể làm gì nhiều để hỗ trợ bạn”. Các luật sư cho biết vaccine COVID-19 quá mới nên hầu như không có nghiên cứu chính xác nào về nguyên nhân gây thương tật để trích dẫn và quy trình xử lý các yêu cầu bồi thường liên quan đến COVID khá phức tạp.Trong nhiều thập niên, các nhà sản xuất vaccine được bảo vệ khỏi các vụ kiện trách nhiệm sản phẩm nhờ Đạo luật quốc gia về thương tật do vaccine cho trẻ em năm 1986. Đạo luật này được thông qua sau khi các công ty dược phẩm bị các vụ kiện về bệnh não do vaccine ho gà và đe dọa từ bỏ sản xuất vaccine bạch hầu, ho gà và uốn ván (DPT). Theo luật năm 1986, những người bị tổn thương do vaccine DPT, viêm gan, cúm và các vaccine phổ thông khác có thể đưa trường hợp của họ ra một tòa án đặc biệt, gọi là “tòa án vaccine”.Các khoản bồi thường, được tài trợ từ tiền thuế 75 xu (chưa đến 1 USD)/mỗi liều vaccine. Những năm qua, chương trình này đã trả hơn 4 tỉ USD cho những người yêu cầu bồi thường.Tuy nhiên, hiện các yêu cầu bồi thường với vaccine COVID-19 tại Mỹ được xử lý theo chương trình riêng và tiền bồi thường ít hơn. Thiệt hại thu nhập được trả tối đa 50.000 USD/năm và cho các khoản chi phí y tế nạn nhân tự trả. Nếu tử vong, người thừa kế được nhận tối đa 370.376 USD. Nhìn chung, cơ chế bồi thường này kém ưu việt so với mô hình Tòa án vaccine đang có sẵn. Theo Hãng tin Reuters ngày 20-10, hơn 1.300 đơn đòi bồi thường tổn thương sau khi tiêm vaccine COVID-19 đang chờ giải quyết ở Mỹ và chỉ có 2 trường hợp được bồi thường.Một trường hợp liên quan đến sưng lưỡi và cổ họng, trường hợp còn lại bị đau vai kéo dài. Cả hai trường hợp, chính phủ đều yêu cầu người đòi bồi thường phải chứng minh các tổn thương là kết quả trực tiếp của việc tiêm vaccine COVID-19.Chị Jessica McFadden, 44 tuổi, bị đông máu đe dọa tính mạng sau khi tiêm vaccine COVID-19 của Johnson & Johnson vào tháng 4-2021. Nhưng chị không lạc quan về khả năng được nhận bồi thường cho những mất mát của mình. Chị cho biết mình hoàn toàn khỏe mạnh trước khi tiêm nhưng đã trải qua hai cuộc phẫu thuật cấp cứu để loại bỏ các cục máu đông lớn trong phổi, tim và chân trái. Chị nằm viện 9 ngày, tốn 489.153 USD. Dù bảo hiểm chi trả phần lớn, chị ước tính mình phải bù khoảng 7.000 USD.Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ tháng 5-2021 cho biết trong số 8,7 triệu người đã được tiêm vaccine Johnson & Johnson có 28 người bị biến chứng huyết khối giảm tiểu cầu và có một “mối liên hệ nhân quả hợp lý” giữa vaccine và các cục máu đông. Tuy nhiên, để cầm tiền bồi thường trong tay, việc chứng minh thương tật là một thách thức. Renée Gentry, giám đốc phòng tố tụng thương tật do vaccine tại Trường Luật Đại học George Washington, mỉa mai khi trả lời Reuters: người yêu cầu bồi thường do vaccine COVID-19 có hai quyền: “có quyền nộp đơn và có quyền thua”.Để vaccine COVID-19 được hưởng cơ chế tòa án vaccine tại Mỹ, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ đã khuyến nghị tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em. Sau đó, Quốc hội Mỹ sẽ phải thông qua luật bổ sung mức thuế 75 xu với mỗi liều vaccine COVID-19 được cung cấp. Rất nhiều người Mỹ hy vọng việc phê duyệt vaccine cho trẻ em sẽ giúp có được cơ chế bồi thường thỏa đáng hơn.Ngoài ra, việc chính quyền của Tổng thống Joe Biden yêu cầu các công ty có từ 100 nhân viên trở lên có biện pháp buộc người lao động phải tiêm vaccine cũng đặt ra vấn đề bồi thường cho một số ít người không may mắn bị các tác dụng phụ nghiêm trọng do vaccine. Tháng 2-2021, Tổ chức Y tế thế giới và Hãng bảo hiểm Chubb đã ký thỏa thuận thay mặt cơ chế phân phối vaccine công bằng COVAX về việc bồi thường mà không cần khởi kiện cho người bị tác dụng phụ nghiêm trọng do vaccine ở 92 nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình được cung ứng vaccine COVID-19 thông qua COVAX. Đây là cơ chế bồi thường đầu tiên và duy nhất trên toàn cầu về các tổn thương do vaccine dựa trên việc thu một khoản tiền nhỏ với mỗi liều vaccine mà COVAX cung ứng.Chương trình bồi thường được tiến hành trên cổng thông tin www.covaxclaims.com từ ngày 31-2-2021 cho các cá nhân đủ điều kiện được bồi thường nếu họ được tiêm vaccine do COVAX cung ứng (kể cả trước thời điểm 31-3) đến 30-6-2022. Đơn đòi bồi thường được nộp trực tuyến hoàn toàn miễn phí. Nếu được chấp thuận bồi thường, khoản tiền chi trả sẽ tính theo công thức GDP bình quân đầu người của nền kinh tế đủ điều kiện nhận vaccine theo công bố của Ngân hàng Thế giới x 12 x hệ số gây hại do vaccine. Các mức hệ số gây hại cao nhất là 1,5 với thương tật trên 75% và 1 với trường hợp tử vong hoặc thương tật từ trên 50% đến dưới 75%. Tags: COVID-19Tiêm vắc xinCơ chế COVAXCơ chế bồi thườngĐòi bồi thường
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.