Chủ tịch VTF Trương Ngọc Để (thứ hai từ phải sang) cùng VĐV Kim Tuyền và chuyên gia Jung Jin Hee tại Philippines - Ảnh: Hải Danh |
Ông Để cho biết việc taekwondo VN lần đầu tiên không thể giành vé dự Olympic có bốn nguyên nhân sau:
1- So với các đoàn, quá trình chuẩn bị của VN quá kém. Cụ thể, đi mà không có bác sĩ, chuyên gia tâm lý là rất cần thì gần như không có.
2- VĐV VN không quen luật. Điều này là do ở giải trong nước, những người điều hành hôm nay đưa luật này mai đưa luật kia nên VĐV không thể quen luật được. Việc không quen luật khiến VĐV gặp khó khi thi đấu quốc tế.
3- Đó là chuyện chọn VĐV đi thi đấu. Ngay từ đầu khi cử VĐV dự Giải tuyển chọn Olympic Rio 2016, tôi đã góp ý có VĐV không phù hợp nhưng không ai nghe, mà người quyết lại không phải là tôi. Nói vậy bởi VĐV có thể đạt thành tích tốt ở trong nước nhưng ra thi đấu nước ngoài thì không đạt trình độ để có thành tích được.
4- HLV không đủ tầm. Sau SEA Games 28, tôi đã yêu cầu phải thay chuyên gia Jung Jin Hee (Hàn Quốc) ở đội tuyển nữ vì huấn luyện không hiệu quả. Tuy nhiên, bộ môn taekwondo Tổng cục TDTT cho biết không thể được vì vướng việc ký kết với Tập đoàn CJ (tài trợ đưa chuyên gia sang). Khi đó tôi nói có gì đâu mà không được, cứ nói với phía CJ là HLV không đạt yêu cầu về chuyên môn và cần phải đổi HLV khác.
* Ông có thể phân tích rõ hơn về quá trình chuẩn bị kém và chuyên gia không đủ tầm?
- Việc đi tập huấn ba tuần tại Hàn Quốc trước giải tuyển chọn cần một HLV phải có chuyên môn vững thì cựu tuyển thủ từng hai lần tham dự Olympic Athens 2004, Bắc Kinh 2008 và đang là HLV phó của đội tuyển nam Nguyễn Văn Hùng lại không đi mà cho một HLV của Tây Ninh tự túc kinh phí để đi. Tôi chỉ biết HLV Nguyễn Văn Hùng không đi Hàn Quốc khi đội đã sang tập luyện tại đây. Khi đó, tôi đã hỏi bộ môn về chuyện này thì được trả lời do không có kinh phí. Việc HLV có chuyên môn phải ở nhà thì không thể chấp nhận được. Ngay từ đầu tôi thấy vấn đề này là không ổn.
Còn chuyện HLV không đủ tầm, đội tuyển nữ taekwondo dưới sự huấn luyện của chuyên gia Jung Jin Hee bao năm qua cho thấy không có sự tiến bộ gì, trong khi các VĐV nữ đều rất có tiềm năng để tiến xa. Chẳng hạn thất bại của niềm hi vọng Trương Thị Kim Tuyền (49kg) trước Yesbergenova Ainur (Kazakhstan) ở bán kết Giải tuyển chọn Olympic Rio 2016 là một ví dụ. Nếu là HLV có trình độ chỉ đạo, khi Kim Tuyền dẫn 3 điểm ở hiệp ba và chỉ còn hai phút nữa thì đối thủ không có khả năng gỡ được. Còn đằng này, từ chỗ đang dẫn 3 điểm, Kim Tuyền nhanh chóng để thua Yesbergenova liên tiếp 6 điểm.
Đội tuyển nam, từ thời tôi làm đến sau đó là Nguyễn Đăng Khánh, Trần Quang Hạ cho đến bây giờ càng ngày càng xuống về độ tên tuổi. Thuê chuyên gia cỡ 2.000 - 3.000 USD thì không có tiền trả, dù so với các nước thấp nhất người ta cũng đã trả 5.000 USD để có HLV giỏi. Vì vậy, sau thất bại này, nhất định phải thay chuyên gia Jung Jin Hee ở đội nữ, nếu không Asiad 2019 sắp tới taekwondo VN sẽ lại trắng tay.
* Giới chuyên môn cho rằng thất bại của taekwondo VN còn là vì mình không nghiên cứu kỹ giáp điện tử như các nước đã làm để có phương pháp huấn luyện và cách đánh phù hợp?
- Chuyện giáp điện tử, tôi nghe các tuyển thủ nói, khi cần thì mới lấy giáp ra tập chứ không như các nước ngoài mặc tập luyện thường xuyên. Nhưng thật ra, chuyện giáp điện tử cũng không quá quan trọng bằng cách tập. HLV không huấn luyện tốt, giúp VĐV không đủ tự tin khi thi đấu thì làm sao đá có điểm được.
* Sự thụt lùi của taekwondo VN có phải vì không tìm và đào tạo ra được VĐV giỏi?
- Ở môn taekwondo, quan trọng là phát hiện. Còn chuyện huấn luyện chỉ 50% thôi. VĐV bây giờ có chiều cao tốt hơn ngày xưa nhưng chuyên môn không tốt bằng do các HLV giờ cứ thấy VĐV có chiều cao tốt thì lấy (tiêu chuẩn ít nhất phải 1,70m) mà không cần VĐV đó trước có tập luyện taekwondo bài bản hay chưa. Nên về lâu dài, khi ra đánh, VĐV sẽ không tiếp thu một cách nhanh nhạy ý đồ của HLV chỉ đạo.
Thất bại của taekwondo VN cũng đến một phần từ sự sa sút của taekwondo TP.HCM trong bao năm qua vì nội bộ mâu thuẫn. Các cựu võ sĩ giỏi như Nguyễn Đăng Khánh, Trần Quang Hạ, Trần Hiếu Ngân, Hồ Nhất Thống...không cùng nhìn về một hướng để giúp phong trào phát triển.
* Thành công của nước từng không mạnh về taekwondo như Campuchia có khiến VN chạnh lòng?
- Taekwondo Campuchia thật ra nuôi VĐV kiểu gà chọi. Họ tập trung vào một VĐV giỏi, có chiều cao tốt, rồi thuê chuyên gia Hàn Quốc và cho đi tập huấn tại Hàn Quốc dài hạn. Trong khi trước đó, mỗi lần đội tuyển taekwondo Campuchia sang VN tập huấn đều do VTF lo hết.
Hà Thị Nguyên giành HCB châu Á Chiều 20-4, nữ võ sĩ Hà Thị Nguyên (dưới 67kg) đã giành HCB sau khi thua đối thủ Đài Loan Chuang Chia-chi ở trận chung kết trong ngày thi đấu cuối cùng Giải vô địch taekwondo châu Á 2016 diễn ra tại Philippines. Như vậy, đội tuyển đối kháng taekwondo VN kết thúc giải với 1 HCB và 1 HCĐ (Trương Thị Kim Tuyền, 49kg). Hà Thị Nguyên và Kim Tuyền là hai võ sĩ không thể giành vé dự Olympic Rio 2016 sau khi thua ở bán kết Giải tuyển chọn khu vực châu Á diễn ra trước đó tại Philippines. |
Taekwondo làm gì để có thể tìm lại vinh quang? Tôi xin nhắc lại chuyện cũ. Chuẩn bị cho Olympic Sydney 2000, taekwondo VN tốn khoảng 100.000 USD. Năm 2003, khi rời ghế HLV trưởng đội tuyển taekwondo VN, tôi nói rằng taekwondo VN cần khoảng 250.000 USD thì may ra mới có thành tích tại Olympic Athens 2004, nhưng rốt cuộc thì kinh phí đầu tư cho taekwondo VN vẫn không có thay đổi. Và giờ đây, sau 16 năm kể từ chiếc HCB của Trần Hiếu Ngân, kinh phí dành cho taekwondo VN không tăng mà còn giảm đi. Theo tôi được biết thì kinh phí dành cho taekwondo VN trong năm 2016 chỉ vào khoảng 70.000 USD. Thấp như thế thì làm sao có thể giành vé dự Olympic được. Kinh phí quyết định khá nhiều. Bên cạnh đó là chuyện làm sao để gầy dựng lại một lớp trẻ một cách bài bản. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận