04/10/2013 00:08 GMT+7

Tác phẩm về Phan Khôi được đánh giá cao

THẠCH LINH
THẠCH LINH

TT - Ngày 3-10, Hội Nhà văn Hà Nội đã họp chung khảo xét giải thưởng năm 2013 của hội.

dA6xNAeE.jpgPhóng to
Năm tác phẩm đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2013 - Ảnh: T.Linh

Theo đó, từ 10 cuốn vào chung khảo (hai tác phẩm văn xuôi, ba tập thơ, ba tác phẩm phê bình và hai tác phẩm dịch thuật) và ba tuyển tập được đề nghị xét giải thành tựu sự nghiệp, hội đồng đã quyết định: giải thưởng về văn xuôi trao cho Các bạn tôi ở trên ấy - tập bút ký của Nguyên Ngọc (NXB Trẻ); giải thưởng ở hạng mục thơ thuộc về Đường gió của Giáng Vân (NXB Hội Nhà Văn); giải phê bình: Nắng được thì cứ nắng, Phan Khôi từ Sông Hương đến Nhân Văn - tập biên khảo của Phan An Sa (NXB Tri Thức); giải dịch thuật: Tâm - tuyển thơ của M. Tsvetaeva, Phạm Vĩnh Cư dịch từ nguyên bản tiếng Nga (NXB Hội Nhà Văn & Trung tâm Văn hóa và ngôn ngữ Đông Tây). Riêng giải thành tựu về nghiên cứu văn học thuộc về Văn học cổ cận Việt Nam từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật - tuyển tập nghiên cứu của Nguyễn Huệ Chi (NXB Giáo Dục Việt Nam).

Nhận định chung về các tác phẩm được giải năm nay, chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội và cũng là chủ tịch hội đồng chung khảo gồm chín người, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho biết: “Hội đồng chung khảo đã có sự nhất trí cao cho các tác phẩm được trao giải, hầu hết được số phiếu tuyệt đối. Đặc biệt cuốn biên khảo về cuộc đời và sự nghiệp của học giả Phan Khôi đã được đánh giá cao về tính tư liệu, tính chân thực, giúp độc giả bước đầu có được cái nhìn toàn diện và hệ thống về sự nghiệp báo chí và văn học to lớn của một trong những người tiên phong, tích cực đổi mới văn hóa tinh thần của xã hội Việt Nam ngay đầu thời kỳ hiện đại hóa. Cuốn bút ký của Nguyên Ngọc cho thấy sức viết, sức nghĩ, sức cảm dẻo dai, tươi mới của một con người và một nhà văn suốt đời gắn bó với nhân dân, với đất nước, đặc biệt là với vùng đất Tây nguyên. Tập thơ của Giáng Vân đánh dấu sự trở lại với thơ của một nhà thơ nữ đã có dấu ấn trong lòng bạn đọc bằng sự điềm tĩnh, lắng đọng của tâm trạng và tâm thức như “thiền định” trong không gian cuộc sống hiện đại. Tuyển tập thơ M. Tsvetaeva giới thiệu cho độc giả Việt Nam chân dung tinh thần, thế giới nội tâm đầy phong phú, phức tạp của một trong những “nữ hoàng thi ca” nước Nga thế kỷ 20 qua bản dịch theo lối ngữ văn đầy cẩn trọng, chính xác của một dịch giả và nhà nghiên cứu văn học Nga xuất sắc”.

Cũng theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, giải thành tựu được trao cho Nguyễn Huệ Chi vì công lao và đóng góp của ông trong sự nghiệp nghiên cứu văn học cổ cận đại Việt Nam với những bài viết có nhiều khám phá, phát hiện cả về tư liệu và suy nghĩ. “Hội Nhà văn Hà Nội vui mừng đã trao được những giải xứng đáng” - ông nói.

THẠCH LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên