Báo Tuổi Trẻ ngày 9-11-2016 có đăng bài Những lỗi sai phổ biến khi dùng từ Hán Việt. Trên Tuổi Trẻ Online, bài báo được nhiều bạn đọc bình luận. Điều này cho thấy bài báo đã “gãi đúng chỗ ngứa” của người xem về mặt này hay mặt khác.
Là một bạn đọc của Tuổi Trẻ, chúng tôi mạn phép góp vài ý kiến như sau:
1. Bài báo cho rằng có thể viết “hôn lễ” (lễ cưới), “hôn phối” (lấy nhau) nhưng “hôn phu”, “hôn thê”, “hôn quân” có nghĩa là người chồng u mê, người vợ u mê, nhà vua u mê.
Thật ra, ta có hai từ “hôn” cùng âm nhưng khác nghĩa từ trong trường hợp này. Từ “hôn” (11 nét, bộ nữ) trong “hôn lễ”, “hôn phu”, “hôn thê” có nghĩa là cưới hoặc lễ cưới còn từ “hôn” (8 nét, bộ nhật) trong “hôn quân” có nghĩa là mê muội.
Các từ “hôn phu”, “hôn thê” đều có mặt trong từ điển Hán Việt, không phải là từ dùng sai và không có nghĩa là người chồng u mê, người vợ u mê như bài báo viết.
2. Theo bài báo, “góa” là tiếng Nôm (chữ dùng của tác giả), không thể đặt trước từ “phụ” là tiếng Hán Việt để tạo thành từ “góa phụ” (người đàn bà chết chồng). Bài báo đề nghị dùng từ “gái góa” hay “quả phụ”.
Theo một số nhà nghiên cứu, từ “góa” trong “góa phụ” là âm Hán Việt Việt hóa của từ “quả” (14 nét, bộ miên). Việc chấp nhận hoặc từ chối từ “góa phụ” còn phụ thuộc vào quan điểm của nhà nghiên cứu.
Nếu từ chối từ “góa phụ”, từ “bà góa” theo chúng tôi thích hợp hơn là “gái góa”.
Theo Từ điển Thiều Chửu, “quả phụ” ngoài nghĩa là người phụ nữ chết chồng còn có nghĩa là người phụ nữ năm mươi tuổi chưa chồng. Nếu xét cả nghĩa thứ hai hiếm gặp này, chúng ta có thể thấy rằng “quả phụ” không chỉ có nghĩa là người đàn bà chết chồng.
Do khuôn khổ của bài viết, chúng tôi không bàn đến sự biến mất của nghĩa thứ hai từ “quả phụ” trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, điều này cho thấy thay một từ Hán Việt bằng một hoặc nhiều từ thuần Việt đôi khi là một việc khó khăn.
3. Bài báo cho rằng “tặc” là ăn cướp, “đạo” là ăn trộm. Thật ra, từ “tặc” (13 nét, bộ bối) không phải chỉ có nghĩa là ăn cướp mà còn có nghĩa là trộm cướp, giặc, kẻ có hại.
4. Trong khoa học và đời sống, nhiều từ Hán Việt đang được dùng như từ thuần Việt và ghép với nhau theo trật tự của từ thuần Việt. Chẳng hạn, chúng ta thường gặp “bảng biến thiên” (thay vì “biến thiên bảng”), “lực ma sát” (thay vì “ma sát lực”, “động vật đơn bào” (thay vì “đơn bào động vật”), “cán bộ lão thành” (thay vì “lão thành cán bộ”).
5. Có lần danh sĩ Tô Đông Pha (1037-1101) đọc được hai câu thơ của Vương An Thạch (1021-1086): Minh nguyệt sơn đầu khiếu/ Hoàng khuyển ngọa hoa tâm
Tô Đông Pha hiểu hai câu này là: Trăng sáng kêu trên núi/ Chó vàng nằm giữa hoa. Thấy vô lý, ông bèn sửa thành: Minh nguyệt sơn đầu chiếu/ Hoàng khuyển ngọa hoa âm (Trăng sáng soi đầu núi/ Chó vàng nằm dưới hoa).
Khi bị biếm đi Hàng Châu, Tô Đông Pha mới biết có một loài chim tên Minh nguyệt và một loài sâu tên Hoàng khuyển. Ông hiểu ra hai câu thơ của Vương An Thạch có nghĩa là: Chim Minh nguyệt hót trên núi/ Sâu Hoàng khuyển nằm giữa hoa.
Như một số bạn đọc đã bình luận trên Tuổi Trẻ Online, ngôn ngữ học là một lĩnh vực phong phú còn ngôn ngữ luôn vận động và phát triển. Chúng tôi không được đào tạo về ngôn ngữ, chỉ vì yêu tiếng Việt mà mạo muội viết bài này. Với ước mong bạn đọc vui lòng lượng thứ những chỗ sai sót, chúng tôi xin mượn giai thoại trên thay cho lời kết và cũng để tự răn mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận