17/09/2019 13:30 GMT+7

'Tắc kè' chống tham nhũng Indonesia lâm nguy

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - Số phận của Ủy ban bài trừ tham nhũng (KPK) có biệt danh 'tắc kè' được báo chí Indonesia đánh giá là “đang treo lơ lửng” trước sự đe dọa của 'cá sấu' - tức cảnh sát nước này.

Tắc kè chống tham nhũng Indonesia lâm nguy - Ảnh 1.

Một thành viên KPK cầm hoa và mẩu giấy ghi thông điệp phản đối sửa đổi luật KPK năm 2002 - Ảnh chụp màn hình Jakarta Post

Những câu hỏi về tương lai của KPK, cơ quan được xem là đáng tin và quyền lực nhất trong cuộc chiến chống tham nhũng ở Indonesia, đang nhận được sự quan tâm đáng kể tại quốc gia Đông Nam Á này những ngày qua.

Hôm 13-9, Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định ông sẽ không thỏa hiệp trong cuộc chiến chống tham nhũng, giữa nhiều lo ngại về số phận của cơ quan này.

Làm suy yếu KPK tức sẽ phản bội nhiệm vụ cải cách của Indonesia và giấc mơ sở hữu một nền dân chủ khỏe mạnh của đất nước này.

Điều phối viên ADNAN TOPAN HUSODO tại ICW bình luận.

Tương lai bất định

Mồi lửa gần đây được châm vào ngày 5-9, khi Hội đồng đại diện nhân dân (DPR), tức Hạ viện Indonesia, thông qua kiến nghị để tranh luận những sửa đổi với luật 2002 vốn đã thành lập KPK. Đáp lại, chủ tịch KPK Agus Rahardjo cho biết cơ quan của ông sẽ chống lại đề xuất này, vì cho rằng nó chứa những điều khoản có khả năng làm suy yếu năng lực chống tham nhũng của KPK.

Trong số những nội dung đề xuất đáng chú ý có việc thành lập một hội đồng giám sát KPK. Tổng thống Widodo ủng hộ nội dung này vì cho rằng nó sẽ giảm nguy cơ lạm dụng quyền lực tại KPK, giúp chống tham nhũng hiệu quả hơn.

Tổ chức giám sát tham nhũng Indonesia (ICW) cho rằng những sửa đổi này sẽ mở đường để các nhánh lập pháp và hành pháp can thiệp vào hoạt động của KPK, đe dọa "tương lai chống tham nhũng" của Indonesia. Đề xuất sửa đổi sẽ được các nhà lập pháp nước này thảo luận trước khi đưa ra quốc hội quyết định.

KPK cũng gặp khó khăn ở một mặt trận mơ hồ khác: Người kế nhiệm ông Agus Rahardjo. Trang Antara News ngày 16-9 cho hay ông Firli Bahuri, một tướng cảnh sát gây nhiều tranh cãi, vừa được Hạ viện Indonesia chọn làm lãnh đạo mới của KPK nhiệm kỳ 2019-2023.

Không rõ tương lai của KPK sắp tới ra sao nhưng ông Agus Rahardjo nhận định: "Chúng ta phải công bố với dân chúng rằng KPK đang gặp nguy hiểm chết chóc".

"Tắc kè" có diệt được "cá sấu"?

Khởi tố hàng trăm chính trị gia và quan chức Indonesia kể từ khi thành lập vào năm 2002, KPK đã trở thành một trong những cơ quan được nể trọng nhất của xứ sở vạn đảo.

Theo dữ liệu của KPK, kể từ năm 2004 có 255 thành viên quốc hội và các hội đồng lập pháp, 130 lãnh đạo các cơ quan cấp huyện và vài lãnh đạo các cơ quan nhà nước đã bị điểm mặt là nghi phạm tham nhũng. Năm 2013, KPK đã được trao Giải Ramon Magsaysay - được xem là giải Nobel của châu Á - vì những nỗ lực chống tham nhũng ở Indonesia.

KPK hoạt động độc lập với các cơ quan thuộc nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp của Indonesia. Về bản chất, KPK có toàn quyền điều tra của một cơ quan thực thi pháp luật, được phép điều tra các thành viên quốc hội, thẩm phán và thậm chí quân đội.

Đặc biệt, KPK có quyền nghe lén điện thoại với các đối tượng tình nghi mà không cần giấy phép, đồng thời có thể kiểm tra tài khoản ngân hàng, đóng băng tài sản, khởi tố các nghi phạm, trong đó từng có các vị tai to mặt lớn.

Việc sửa đổi luật sẽ biến KPK từ một cơ quan độc lập trở thành cơ quan hoạt động dưới sự kiểm soát của chính quyền trung ương. KPK sẽ phải nhận sự cho phép từ hội đồng giám sát mới được bắt đầu điều tra hay tiến hành nghe lén - tức đã mất đi cái chất riêng của cơ quan này.

Theo báo Today Online, đây không phải là lần đầu tiên KPK bị khó khăn bủa vây như vậy dưới chính quyền ông Widodo. Năm 2015, KPK dính vào một cuộc đối đầu gay go với cảnh sát sau khi điểm mặt tướng Budi Gunawan - ứng viên duy nhất được ông Widodo chọn vào vị trí tư lệnh cảnh sát quốc gia - là nghi phạm tham nhũng và tiến hành điều tra nghi án này.

Tổng thống Widodo buộc phải rút đề cử ông Gunawan. Cảnh sát sau đó trả đũa bằng cách đưa ra các cáo buộc chống lại một số thành viên cấp cao của KPK, buộc nhiều người từ chức và cuối cùng KPK phải thay đổi dàn lãnh đạo.

Hay năm 2009, KPK bắt đầu điều tra một cảnh sát hàng đầu là Susno Duadji vì cáo buộc nhận hối lộ. Lúc bấy giờ, ông này đã so sánh cuộc đối đầu giữa KPK với cảnh sát quốc gia: "Tắc kè mà đòi hạ cá sấu à?".

Dù chỉ là một cơ quan nhỏ, KPK dám dũng cảm đương đầu với những quan to tham nhũng và do đó họ nhận được sự ủng hộ của người dân.

Những phân đoạn gay cấn này thật ra đã đủ nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng đến sự sinh tồn của KPK trong 17 năm qua. Nhưng chính đề xuất sửa đổi mới nhất đã đặt ra mối đe dọa chưa từng có với sự tồn tại của KPK.

KPK và những người lo lắng cho số phận của cơ quan này giờ đây trông chờ Tổng thống Widodo ngăn chặn nỗ lực sửa đổi. "Nếu tổng thống không chịu thông qua thì dự luật sẽ không bao giờ thành luật. Nếu ngài muốn KPK mạnh, thì KPK sẽ mạnh!" - ông Agus Rahardjo nói trong một lá thư gửi lên ông Widodo.

89

Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, Indonesia đứng thứ 89 trong số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) vào năm 2018, đứng thứ 4 trong khối ASEAN sau Malaysia (61), Brunei (31) và Singapore (3). Tổ chức giám sát tham nhũng Indonesia đã ghi nhận 454 trường hợp tham nhũng trong cùng năm.

Ông Duterte cho dân bắn quan chức tham nhũng

Trong một bài phát biểu tuần trước, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói rằng ông cho phép người dân bắn bị thương các quan chức nhận hối lộ mà không bị truy tố. "Nếu bạn đi đóng thuế, lệ phí hoặc nhận chứng chỉ mà gặp các quan chức yêu cầu hối lộ, hãy đánh họ. Nếu bạn có vũ khí, bạn có thể bắn họ nhưng đừng gây chết người là được vì trong quá trình xét xử, bạn có thể không được ân xá" - ông Duterte khẳng định.

Thế giới tham nhũng khủng khiếp của ngành dầu khí Thế giới tham nhũng khủng khiếp của ngành dầu khí

TTO - Tập đoàn Unaoil đã đứng ra chuyển hàng triệu USD tiền lót tay cho các gã khổng lồ trên thế giới như Samsung, Rolls Royce, Halliburton, công ty dịch vụ dầu mỏ và khí đốt Technip (Pháp)...

BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên