Nhà xuất bản Kodansha xác nhận với Hãng tin Reuters rằng nhà văn Kenzaburo Oe qua đời ngày 3-3 ở tuổi 88 do tuổi già.
Kenzaburo Oe là nhà văn Nhật Bản thứ hai, sau Kawabata, được trao giải Nobel Văn học và là tác giả của nhiều tiểu thuyết nổi tiếng như Một nỗi đau riêng, Nuôi thù, Tuổi mười bảy, Cây xanh rực lửa, Tạm biệt sách của tôi...
Năng lượng sáng tác từ nỗi đau
Kenzaburo Oe sinh ra ở Shikoku, hòn đảo nhỏ nhất trong số các hòn đảo chính của Nhật Bản, là con trai thứ 3 trong một gia đình có 7 người con.
Sau khi cha ông đột ngột qua đời vào năm 1944, ông được mẹ nuôi dưỡng, người đã mua cho ông những cuốn sách như Huckleberry Finn.
Tốt nghiệp Đại học Tokyo, nơi ông theo học ngành văn học Pháp, Oe bắt đầu xuất bản truyện khi còn là sinh viên và giành được Giải thưởng Akutagawa, giải thưởng khởi đầu sự nghiệp cho các nhà văn mới, vào năm 1958.
Khi Nhật Bản bị đánh bại trong Thế chiến II, Kenzaburo Oe mới chỉ 10 tuổi. Dù còn nhỏ nhưng ký ức của những năm tháng chiến tranh chưa bao giờ phai trong ông.
Kenzaburo Oe đã viết về những câu chuyện khủng khiếp về vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và tiết lộ cú sốc trước những gì mắt thấy tai nghe chính là nguồn cảm hứng để ông trở thành nhà văn.
Năm 1960, ông kết hôn với Yukari, em gái của cố đạo diễn phim Juzo Itami, người nổi tiếng với những tác phẩm châm biếm cuộc sống hiện đại. Hikari, đứa con đầu lòng trong số ba đứa con của họ, được sinh ra 4 năm sau đó.
Hiraki bị tổn thương não và sau đó đã trở thành động lực sáng tác văn học của ông. Thời gian đầu, Oe sống trong sự đau khổ, tìm đến rượu, nhưng rồi chính câu chuyện về cậu con trai này là nguồn cảm hứng cho Oe viết cuốn Một nỗi đau riêng.
Một nỗi đau riêng được cho là tác phẩm mang tầm vóc nhân loại, viết về những hành trình người cha chấp nhận đứa con bị bệnh về não.
"Mặc dù bản thân tôi có lẽ là một tiểu thuyết gia khá đen tối, nhưng tôi tin rằng tiểu thuyết của tôi cũng thể hiện một kiểu niềm tin vào con người. Và điều này đến từ con trai tôi", Oe nói vào năm 2014.
Trăn trở với đất nước
Cũng trong cuộc phỏng vấn năm 2014, Oe cho rằng Nhật Bản phải chịu "một số" trách nhiệm trong cuộc chiến.
"Cuộc chiến này, trong đó có rất nhiều cường quốc tham gia, đã gây ra đau khổ cho người dân trên toàn thế giới... Và có một thực tế là trong cuộc chiến này, vũ khí hạt nhân đã được tạo ra và sử dụng", Oe nói.
Sau khi đoạt giải Nobel, Kenzaburo Oe được trao Huân chương Văn hóa của Nhật Bản và ông từ chối nhận vì nó được trao bởi Nhật hoàng. "Tôi không công nhận bất kỳ quyền lực nào, bất kỳ giá trị nào cao hơn nền dân chủ", ông khẳng định.
Luôn là một người theo chủ nghĩa hòa bình, Oe thậm chí còn trở thành một nhà phê bình sôi nổi sau sự cố hạt nhân Fukushima năm 2011.
Theo ông, Nhật Bản có "nghĩa vụ thiêng liêng" là từ bỏ năng lượng hạt nhân, giống như cách nước này từ bỏ chiến tranh trong Hiến pháp.
Vào năm 2013, Kenzaburo Oe dẫn đầu cuộc biểu tình chống hạt nhân ở Tokyo. Năm 2015, ông cùng hàng ngàn người phản đối các động thái của cố Thủ tướng Abe Shinzo nhằm để quân đội Nhật Bản chiến đấu ở nước ngoài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận