Như vậy là 120 năm sau khi Henrik Ibsen được đề cử Nobel Văn chương (ba lần vào các năm 1902, 1903 và 1904), một kịch tác gia người Na Uy đã được trao giải.
Sinh năm 1959 ở Haugesund, bờ biển phía tây Na Uy, Fosse bị một tai nạn nghiêm trọng suýt chết lúc mới 7 tuổi - trải nghiệm ảnh hưởng lớn lên hành trình sáng tác của ông sau này.
Hồi trẻ muốn trở thành tay guitar chơi rock, ông theo học ngành văn học so sánh ở Đại học Bergen và xuất bản tiểu thuyết đầu tiên Đỏ, đen năm 1983, viết bằng tiếng Nynorsk, một trong hai lối viết tiêu chuẩn của ngôn ngữ Na Uy.
Vở kịch đầu tiên của ông, Và ta không bao giờ chia ly, được trình diễn và xuất bản cùng năm 1994. Fosse sáng tác đa dạng về thể tài, tiểu thuyết, truyện ngắn, thi ca, sách trẻ em, tiểu luận và kịch. Tác phẩm của ông đã được dịch ra hơn 40 thứ tiếng.
Là kịch tác gia đương đại nổi tiếng nhất của Na Uy, dễ hiểu là Fosse thường xuyên được so sánh với Ibsen, không chỉ vì lối viết giống nhau - nhấn mạnh vào cảnh quan quê hương họ như tấm gương phản ánh cảm xúc và xung đột hiện sinh của nhân vật.
Có thể nói hành trình từ Ibsen tới Fosse của kịch Na Uy là từ một bậc thầy viết kịch của chủ nghĩa hiện đại kinh điển tới một nhà tư duy lớn viết kịch của chủ nghĩa nhân bản hậu hiện đại, trong cả cách xử lý tâm lý, cấu trúc, và khung cảnh câu chuyện nhằm bộc lộ những ý tưởng và khơi gợi những hình ảnh, với các mô thức giống nhau.
Tuy nhiên Fosse không chỉ là một kịch tác gia. Ông viết rất khỏe và đa dạng về thể loại, với nhiều tác phẩm lớn ở gần như đủ các hạng mục văn chương.
Trong họp báo ở lễ công bố giải thưởng, Chủ tịch Ủy ban Nobel Văn chương Anders Olsson nói các vở kịch của Fosse được đọc và biểu diễn rộng khắp, nhưng "Fosse đã được coi là một nhà cách tân, không chỉ trong nghệ thuật sân khấu hiện đại".
"Kiệt tác văn xuôi của Fosse phải kể đến tác phẩm đồ sộ Thất thư hoàn tất năm 2021, một cuộc độc thoại dài 1.250 trang, trong đó một nghệ sĩ già tự trò chuyện với chính mình trong vai một người khác", ông Olsson nói.
Bộ sách này gồm tất cả bảy cuốn, lần lượt có tựa là Cái tên khác (cuốn 1 và 2, xuất bản năm 2019), Tôi là người khác (cuốn 3, 4 và 5 xuất bản năm 2020) và Cái tên mới (cuốn 6 và 7, năm 2021).
Trong một thể loại khác, "thứ ngôn ngữ nhạy cảm của Fosse đã thử thách giới hạn của ngôn từ", Ủy ban Nobel ca ngợi, "bộc lộ mối quan hệ gần gũi của ông với thi ca". Ông đã in tám tập thơ, mà tập đầu tiên, xuất bản năm 1986, và gần đây nhất, năm 2013, đã được Ủy ban Nobel nhắc tới.
"Fosse đã kết hợp được những mối liên kết địa phương mạnh mẽ, cả về ngôn ngữ và địa lý, với những kỹ thuật sáng tác nghệ thuật hiện đại", theo lời Ủy ban Nobel, kèm theo đánh giá những tác giả lớn đã ảnh hưởng lên phong cách của ông là kịch tác gia người Ireland Samuel Beckett và nhà thơ người Áo George Trakl.
"Trong khi Fosse cũng có góc nhìn tiêu cực của những người đi trước, không thể nói rằng nhãn quan thấu suốt nhờ chứng nghiệm của ông đã dẫn tới một quan điểm khinh thường thế giới đậm màu hư vô chủ nghĩa (như những người đi trước).
Thật ra, trong tác phẩm của ông vẫn thật dồi dào tình cảm ấm áp và óc hài hước, cùng tâm trạng yếu đuối ngây thơ so với những hình ảnh dữ dội của ông về trải nghiệm làm người", ủy ban kết luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận